Theo UBND tỉnh Đồng Nai, ngoài dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Biên Hòa - Vũng Tàu, hiện trên địa bàn tỉnh, cảng Phước An cũng đang được đầu tư xây dựng. Khi các dự án trên hoàn thành thì tiềm năng phát triển, nhất là công nghiệp, của Đồng Nai là rất lớn. Điều này đòi hỏi tỉnh phải có quỹ đất lớn dành cho công nghiệp.
Đồng Nai kiến nghị xin thêm
Thực tế đòi hỏi như vậy nhưng theo ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh Đồng Nai, quỹ đất dành cho công nghiệp đang… hạn hẹp. Văn bản báo cáo UBND tỉnh về việc phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 của sở này cho thấy nhu cầu đề xuất của các địa phương về quy hoạch đất KCN là hơn 23.300 ha. Trong khi đó, quyết định về việc phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ ban hành vào tháng 3-2022 thì đất dành cho KCN đến năm 2025 của Đồng Nai là hơn 12.400 ha, năm 2030 hơn 18.500 ha. "Như vậy, so với diện tích đất KCN được Chính phủ phân bổ chỉ tiêu và nhu cầu thực tế về đất phát triển KCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, Đồng Nai vẫn cần thêm hơn 4.700 ha đất" - ông Nguyên tính toán.
Bình Dương đã tạo được quỹ “đất sạch” rộng lớn để phát triển hạ tầng, tạo nên những KCN tốt, hiệu quả trong mắt nhà đầu tư. Ảnh: THẢO NGUYỄN
Trong một cuộc họp mới đây, ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, nhìn nhận việc phân bổ chỉ tiêu đất phát triển KCN đối với tỉnh như hiện nay là chưa hợp lý. Bởi thời gian tới, hàng loạt địa phương trên địa bàn tỉnh sẽ có đường cao tốc cũng như các tuyến đường mà tỉnh đầu tư mở mới đi qua. Tuy nhiên, tỉnh lại không còn chỉ tiêu đất phát triển KCN để đáp ứng nhu cầu.
Từ thực tế cấp bách trên, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Đồng Nai cho hay đã kiến nghị UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét phân bổ thêm chỉ tiêu sử dụng đất KCN. "Riêng phía Sở KH-ĐT tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh đẩy nhanh lập phương án phát triển KCN để làm rõ việc bố trí và phân bổ chỉ tiêu KCN trên địa bàn tỉnh bảo đảm hình thành các khu kinh tế chuyên biệt, KCN sinh thái đạt hiệu quả" - lãnh đạo Sở KH-ĐT tỉnh Đồng Nai cho hay.
Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Đồng Nai đánh giá khoảng cách phát triển công nghiệp giữa các địa phương trên toàn tỉnh có sự chênh lệch lớn. Trong trường hợp Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung chỉ tiêu đất KCN, Sở KH-ĐT kiến nghị UBND tỉnh bổ sung quy hoạch phát triển KCN tại các địa phương gồm huyện Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Tân Phú, Định Quán và TP Long Khánh; không bổ sung các KCN tại huyện Vĩnh Cửu, Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom và TP Biên Hòa.
Bình Dương đã tính trước
Tại Bình Dương, dù một số địa phương như TP Dĩ An, TP Thuận An đã cạn kiệt quỹ đất dành cho công nghiệp nhưng lãnh đạo tỉnh vẫn khẳng định không ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển các KCN của tỉnh này.
Ông Nguyễn Trung Tín, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương, cho biết theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh có 34 KCN với tổng diện tích quy hoạch khoảng 15.450 ha. So với cả nước, Bình Dương hiện chiếm 9% về số lượng và 13% về diện tích KCN. Tính đến thời điểm hiện nay, tỉnh đã thành lập 29 KCN, với tổng diện tích quy hoạch trên 12.662 ha. Trong đó có 27 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 10.962 ha, các KCN cho thuê đất với tổng diện tích 6.695 ha, tỉ lệ lấp đầy 87%; 2 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư (VSIP III và Cây Trường) với tổng diện tích 1.700 ha. Ngoài ra, các KCN khác đang thực hiện thủ tục mở rộng như Rạch Bắp, Nam Tân Uyên… Đặc biệt, Bình Dương đang khẩn trương nghiên cứu và thành lập KCN khoa học - công nghệ tại huyện Bàu Bàng do Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP (Becamex IDC Corp) làm chủ đầu tư.
Có được "bức tranh tươi sáng" như vậy, theo ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương, khi quỹ đất công nghiệp tại các khu vực như Dĩ An, Thuận An gần cạn kiệt, tỉnh đã lập tức chuyển hướng quy hoạch các KCN lớn sang những địa phương còn nhiều đất trống như Tân Uyên, Bến Cát, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên. "Chủ trương chuyển hướng phát triển công nghiệp về phía Bắc với các KCN làm đòn bẩy của tỉnh đang phát huy hiệu quả, giúp các địa phương phát triển công nghiệp nhanh" - ông Dũng nói.
Tiếp tục phát huy kết quả đạt được, theo ông Mai Hùng Dũng, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh tập trung quỹ đất phát triển công nghiệp ở huyện Phú Giáo và Dầu Tiếng. "Bình Dương tiếp tục xác định lấy công nghiệp làm nền tảng, mà hạt nhân chính là xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN gắn với đô thị hóa. Quan điểm nhất quán của tỉnh là xây dựng các KCN nhằm tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội để phục vụ nhân dân. Chính nhờ thế mà Bình Dương đã tạo được quỹ "đất sạch" rộng lớn để phát triển hạ tầng, tạo nên những KCN tốt, hiệu quả trong mắt nhà đầu tư" - ông Dũng nói.
Theo ông, để ngành công nghiệp phát triển căn cơ theo hướng nhanh và bền vững, hiện Bình Dương đang tập trung thực hiện đúng lộ trình xây dựng thành phố thông minh với các định hướng phát triển cụ thể. Theo đó, tập trung thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào ngành công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường; đổi mới công nghệ hiện đại, tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp để tăng sức cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Nhanh nhạy chuyển dịch
Theo ông Phạm Văn Bảy - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương - khi không còn quỹ đất phát triển công nghiệp, địa phương đã lập tức chuyển hướng tập trung phát triển. "Cụ thể, Đại hội Đảng bộ TP Dĩ An nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định cơ cấu kinh tế của địa phương chuyển từ công nghiệp - thương mại - dịch vụ sang thương mại - dịch vụ - công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao" - ông Bảy nói.
Bình luận (0)