Với Quy định 181, sau 4 năm thực hiện đã bộc lộ những bất cập, chưa bao quát hết phạm vi và các khuyết điểm, vi phạm của đảng viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao.
Nhiều điểm rất đáng chú ý trong quy định này như quy định thời hiệu xử lý kỷ luật và không dùng "cho thôi chức" để thay khái niệm "cách chức". Đáng chú ý, quy định mới bổ sung các trường hợp vi phạm bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng, trong đó có hai trường hợp: Phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nguyên tắc tập trung dân chủ, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đòi thực hiện thể chế "tam quyền phân lập", "xã hội dân sự", "đa nguyên, đa đảng". Kích động tư tưởng bất mãn, bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ. Lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng.
Đặc biệt, theo Quy định 102, đảng viên kê khai tài sản, thu nhập không trung thực sẽ bị cách chức.
Trả lời báo chí hôm 11-12, ông Hà Quốc Trị, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra trung ương, cho biết vừa rồi, phải xem xét kỷ luật những đảng viên kê khai không trung thực. Ví dụ trường hợp bà Hồ Thị Kim Thoa, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, được cơ quan kiểm tra xác định nhiều lần kê khai tài sản, thu nhập không đúng, không đầy đủ, vi phạm những điều đảng viên không được làm. Vi phạm tương tự còn có không ít cá nhân có chức vụ khác...
Trước đó, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Quy định số 85 về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Bộ Chính trị cũng giao cấp ủy địa phương xây dựng quy định tương tự để triển khai ở cấp dưới.
Tất cả những quy định trên cho thấy Đảng đang siết chặt kỷ luật, đặc biệt đẩy mạnh chống tham nhũng.
Thực tế trong thời gian qua, nhiều đảng viên cấp cao để lộ tài sản khủng, trong đó có trường hợp để vợ con đứng tên tài sản. Nhiều trường hợp không lý giải thuyết phục nguồn gốc tài sản từ đâu mà có. Điển hình là trường hợp ông Phạm Sỹ Quý, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái. Thanh tra Chính phủ đã công bố hàng loạt vi phạm của ông Quý, trong đó có việc kê khai tài sản thiếu và sai sự thật. Ông Quý từng lý giải nguồn gốc tài sản "khủng" của mình một cách hài hước là từ việc buôn chổi đót, bán lá chít!
Nước ta đang có một nền kinh tế ưa chuộng tiền mặt rất bất cập trong nhiều vấn đề, trong đó có việc tạo điều kiện cho hối lộ, đầu cơ, rửa tiền… Kinh nghiệm ở các quốc gia sử dụng các giao dịch chủ yếu qua ngân hàng, lên đến hơn 90% như Bỉ, Pháp, Canada, Anh, Thụy Điển…, công tác phòng chống tham nhũng rất hiệu quả, vì kiểm soát được thu nhập công dân.
Phòng và chống tham nhũng là công tác rất quan trọng. Muốn làm tốt công tác này, không chỉ hoàn thiện về mặt luật pháp mà phải siết chặt kỷ luật. Quy định 102 mà Bộ Chính trị vừa ban hành là với mục đích đó.
Bình luận (0)