Khoảng 1 giờ ngày 12-10, nhiều người tại xóm Khanh đang say giấc ngủ thì bất ngờ hàng ngàn mét khối đất đá sạt xuống vùi lấp 4 căn nhà và 18 người.
Lực lượng cứu hộ tìm được nạn nhân thứ 9 trong số 18 người bị vùi lấp
Ngay sau tai họa xảy ra, lực lượng chức năng đã khẩn cấp đến hiện trường cứu người. Đại tá Nguyễn Anh Dũng, Trưởng Phòng Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn (Bộ Quốc phòng), cho biết Bộ Quốc phòng đã huy động hơn 300 chiến sĩ tham gia công tác tìm kiếm cứu hộ các nạn nhân từ lúc 2 giờ sáng. Khó khăn lớn nhất là địa hình tại hiện trường có nguy cơ sạt lở cao nên không thể cùng lúc triển khai toàn bộ lực lượng đào bới, mà chỉ có thể chia từng tốp nhỏ.
Bộ Công an cũng đã huy động phương tiện gồm máy dò, chó nghiệp vụ, xe chữa cháy… để khẩn trương tìm kiếm nạn nhân. Ngoài ra, hàng trăm cán bộ chiến sĩ công an, quân đội, dân quân tự vệ, dự bị động viên, cùng các phương tiện máy móc của tỉnh Hòa Bình cũng đã được huy động đến hiện trường. Đến tối 12-10, lực lượng chức năng đã tìm thấy 9 thi thể.
Thi thể đầu tiên được đưa ra khỏi đống đất đá là anh Đinh Công Sinh (41 tuổi, trưởng xóm Khanh). Vật vã trong căn nhà sàn cũ cùng 3 đứa con quỳ bên thi thể chồng, chị Đinh Thị Xuân khóc không nên tiếng. Trong nước mắt, chị Xuân kể lại mấy hôm nay trời mưa lớn, anh Sinh phải đi khảo sát ở các khu vực có thể xảy ra sạt lở. Vào đêm định mệnh, khoảng gần 1 giờ, anh Sinh sang nhà một số người dân gần thác Khanh để vận động họ ra khỏi vùng nguy hiểm.
Đến khoảng 1 giờ 30 phút, anh Sinh vừa về đến nhà thì mặt đất ầm ầm rung chuyển. Sau đó, anh lập tức chạy đến những ngôi nhà dưới thác để gọi mọi người thức dậy. Lúc đó chị Xuân gọi điện cho chồng thì không thể liên lạc, bởi anh đã bị đất đá vùi lấp dưới chân núi. "Nếu anh Sinh không phải vì mọi người thì các con anh ấy đã không phải sớm mồ côi. Không ngờ anh ấy lại ra đi nhanh như vậy" - chị Xuân nghẹn lời.
Chứng kiến vụ sạt lở đất, anh Đinh Công Ương (27 tuổi, trú tại thôn Khanh), kể lúc 1 giờ sáng anh đang ngủ thì nghe tiếng động ầm ầm… Mở cửa ra thấy nước và đất đá từ thác Khanh tràn xuống đến gần khu nhà ở bên dưới. Anh Ương vội chạy ra để xem tình hình thì thấy một số người già trẻ đang chạy tán loạn khỏi khu nhà kêu cứu thảm thiết.
"Chạy được nửa đường tôi thấy 3-4 người già lẫn trẻ chạy vội vàng, kêu thất thanh: "cứu với, cứu với"... Khối đất đá vẫn tiếp tục dồn xuống đuổi theo sát và có những người may mắn thoát nạn. Thấy thế, tôi đã vào kêu mẹ và vợ đang ngủ chạy ra khỏi khu vực nguy hiểm. Mọi thứ chỉ xảy ra chưa đầy 5 phút" - anh Ương kể.
Tại thôn Khanh, giờ đây nhiều gia đình đang tất bật lo hậu sự cho những người bị nạn. Tiếng khóc của người thân mất cha, mất mẹ lan qua từng nhà trong xóm nhỏ.
Hỗ trợ gia đình người bị nạn
Ngay sau khi thảm họa xảy ra, UBND tỉnh Hòa Bình đã hỗ trợ ban đầu cho gia đình có nạn nhân tử vong 5 triệu đồng/người; UBND huyện Tân Lạc hỗ trợ 3 triệu đồng/người. Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tổ chức cứu hộ và thăm hỏi động viên gia đình, thân nhân các nạn nhân. Đoàn đã trao 250 triệu đồng giúp đỡ các gia đình nạn nhân.
Bình luận (0)