Ngày 3-9, ông Bùi Hữu Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Triệu (trụ sở ở TP Hải Phòng), cho biết đơn vị đã hoàn tất sửa chữa 2 tàu vỏ thép hư hỏng nhưng chưa đưa vào hoạt động do ngư dân chờ ngày tốt mới hạ thủy.
Theo kế hoạch, ngày 5-9, ngư dân sẽ hạ thủy tàu đầu tiên. Đến ngày 15-9, tất cả 7 tàu sửa chữa trong đợt đầu sẽ hạ thủy hết. Sau đó, lần lượt 8 chiếc còn lại được đưa lên đà để tiếp tục sửa chữa, khắc phục. Đến ngày 15-10, "chắc chắn 15 tàu hư hỏng do công ty đóng sẽ được sửa chữa xong" để ngư dân ra khơi hoạt động.
Trong khi đó, 5 tàu vỏ thép do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (trụ sở ở tỉnh Nam Định) đóng, hư hỏng phải nằm bờ nhiều tháng qua nhưng hiện chỉ có 1 chiếc của ngư dân Võ Tuân (ngụ huyện Phù Mỹ) làm bằng thép đạt chuẩn mác A nên được đưa vào sửa chữa. Bốn chiếc còn lại đang chờ kết luận của chuyên gia về chất lượng vỏ thép. Theo ông Tuân, bên đóng tàu cam kết đến ngày 30-8 tàu sửa xong nhưng khi đang sửa chữa dở dang, công nhân của họ bất ngờ ngưng làm, rút về quê.
"Tàu mới sơn được 1 lớp, còn 4 lớp nữa. Tàu hư hỏng, nằm bờ 5 tháng qua khiến gia đình kiệt quệ vì nợ gần 1 tỉ đồng, ngân hàng đòi suốt ngày nhưng lấy gì trả? Chắc chúng tôi trả tàu chứ sống sao nổi..." - ông Tuân bức xúc.
Năm tàu vỏ thép do Công ty Đại Nguyên Dương đóng đã nằm bờ từ nhiều tháng qua
Giải thích về việc trên, ông Nguyễn Xuân Nguyên, Giám đốc Công ty Đại Nguyên Dương, cho rằng do thời tiết nóng bức, nước ngọt không có, ăn uống thất thường nên nhiều công nhân bệnh. Khi công nhân khỏe lại, họ sẽ vào Bình Định để tiếp tục sửa tàu.
Nhắc đến tàu vỏ thép, ông Nguyễn Văn Lý (ngụ huyện Phù Mỹ), chủ một tàu do Công ty Đại Nguyên Dương đóng, ngao ngán: "Ngư dân nản lắm rồi!". Ông Lý cho biết cuối năm 2016, ông nhận bàn giao chiếc tàu vỏ thép trị giá gần 16 tỉ đồng. Sau 5 chuyến biển, tàu hư hỏng liên tục nên ông lỗ hơn 500 triệu đồng. Từ tháng 4 đến nay, tàu nằm bờ khiến gia đình kiệt quệ.
Ông Trần Minh Vương (ngụ huyện Phù Cát), cũng là nạn nhân của Công ty Đại Nguyên Dương, than thở: "Từ khi nhận tàu, gia đình tôi không trả được nợ cũ mà còn phát sinh nợ mới do thua lỗ vì tàu hư hỏng và nợ quá hạn ngân hàng. Gia đình lục đục, nợ nần chồng chất cũng từ tàu vỏ thép mà ra".
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, cho biết trong 20 tàu vỏ thép trên địa bàn bị hư hỏng, có 5 tàu do Công ty Đại Nguyên Dương đóng. Trong đó, 4 tàu hiện vẫn chưa có phương án sửa chữa do phải chờ các chuyên gia kết luận phần thép sử dụng có bảo đảm chất lượng để đi biển hay không rồi mới có hướng xử lý tiếp theo.
Sẽ yêu cầu bồi thường
"Đối với các chủ tàu vỏ thép hư hỏng, không hoạt động được trong thời gian dài, tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các địa phương hỗ trợ ngư dân thống kê thiệt hại để có cơ sở yêu cầu doanh nghiệp đóng tàu bồi thường. Các địa phương đang khẩn trương làm việc với từng chủ tàu để giúp họ thống kê, xác định thiệt hại cụ thể. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ thu thập chứng cứ xác thực và chứng từ kèm theo rồi chính thức yêu cầu bồi thường" - ông Phan Trọng Hổ cho biết.
Bình luận (0)