Vùng trung du - miền núi Bắc Bộ là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Vùng này gồm 14 tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái, Hòa Bình và 21 huyện, 1 thị xã phía Tây 2 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An; chiếm hơn 35% diện tích và khoảng 15% dân số cả nước.
Tạo đột phá về hạ tầng giao thông
Nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng, mở đường cho những chính sách, cơ chế mới để thu thút nguồn lực, Bộ Chính trị ngày 10-2 đã ban hành Nghị quyết 11-NQ/TW về "Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Giữa tháng 4 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện nghị quyết quan trọng này.
Nghị quyết 11 nêu rõ: Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, vùng trung du - miền núi Bắc Bộ là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện, trên cơ sở tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết nội vùng và với vùng đồng bằng sông Hồng, thủ đô Hà Nội. Cùng với đó, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng, kinh tế cửa khẩu, du lịch...
Một trong những điểm nghẽn hiện nay của vùng này cần được khơi thông là hạ tầng giao thông. Một số tỉnh trong vùng nếu kết nối giao thông thuận tiện với các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là Hà Nội, thì có sự phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội. Điển hình là Thái Nguyên, một điểm sáng về thu hút đầu tư những năm qua. Tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đã mang lại nhiều cơ hội kêu gọi đầu tư, giúp địa phương này trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư, nhất là dòng vốn FDI.
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng cần hoàn thiện các quy hoạch phát triển, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là về giao thông, cho vùng, đặc biệt là kết nối đến các tỉnh còn khó khăn như Bắc Kạn, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La... Theo ông, cần ưu tiên nguồn lực đầu tư đường cao tốc và đường nối cao tốc với các địa phương trong vùng, bảo đảm kết nối thuận lợi từ Hà Nội, vùng đồng bằng đến các tỉnh trong khu vực. Chuyên gia này nhận xét kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các địa phương vùng trung du - miền núi Bắc Bộ.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ huy động tối đa, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để thực hiện các định hướng quy hoạch phát triển vùng trung du - miền núi Bắc Bộ. Trong đó, ưu tiên các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để đầu tư những công trình hạ tầng kinh tế - xã hội lớn, quan trọng, thiết yếu; hạ tầng kết nối theo các trục, tạo thành mạng lưới liên thông giữa các địa phương trong vùng và kết nối với những cảng biển, sân bay.
Hạ tầng giao thông khá đồng bộ đã tạo thuận lợi cho tỉnh Bắc Giang trong việc thu hút đầu tư. Ảnh: MINH PHONG
Liên kết chuỗi sản xuất
Ngoài việc đầu tư hạ tầng, liên kết giao thông để thúc đẩy phát triển kinh tế vùng trung du - miền núi Bắc Bộ, cần phát triển vùng động lực để lan tỏa, kích thích kinh tế các khu vực lân cận. Theo TS Lê Đăng Doanh, với trục các tỉnh Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ có hạ tầng giao thông khá đồng bộ, công nghiệp phát triển, thu hút đầu tư, nếu được xây dựng để trở thành vùng động lực thì sẽ tác động tích cực đến toàn vùng.
Nghị quyết 11 còn nhấn mạnh nhiệm vụ liên kết vùng, liên kết trong phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị sản phẩm. Theo đó, liên kết các địa phương trong vùng nhằm hình thành những vùng chuyên canh sản xuất tập trung quy mô lớn.
Hiện nay, Sơn La được biết đến là địa phương có nhiều nông sản giá trị như mận, xoài, nhãn, bơ... với vùng trồng ngày càng được mở rộng. Tuy nhiên, việc hình thành chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm đang là điểm hạn chế của vùng này.
Ông Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, nhìn nhận việc phát triển công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh còn một số hạn chế, khó khăn khi chưa gắn với các khu, cụm công nghiệp; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa khai thác hết lợi thế vùng nguyên liệu. Do công nghệ, dây chuyền sản xuất còn hạn chế nên sản phẩm chế biến có tính cạnh tranh chưa cao. Định hướng của Sơn La là sẽ đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Theo ông Nguyễn Hữu Đông, Sơn La sẽ kết hợp chặt chẽ với các địa phương trong vùng mở rộng vùng nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy sản xuất, chế biến trên địa bàn, giao thương xuất khẩu nông sản giữa các tỉnh. Ngoài ra, Sơn La còn có định hướng hình thành một số khu, cụm công nghiệp phục vụ sản xuất nông sản, gắn vùng sản xuất với chế biến, thương mại.
Sơn La cũng kiến nghị Chính phủ xây dựng đề án phát triển hành lang kinh tế Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên. Trong đó, cần có các giải pháp, cơ chế, chính sách đặc thù giúp Sơn La trở thành một cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của tiểu vùng Tây Bắc và trở thành trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp vùng trung du - miền núi Bắc Bộ.
Hình thành cực tăng trưởng quan trọng
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, định hướng phát triển quy hoạch vùng trung du - miền núi Bắc Bộ trong thời gian tới sẽ tập trung phát triển du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường và kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh.
Bên cạnh đó, tổ chức, sắp xếp hợp lý không gian phát triển vùng theo hướng hình thành tiểu vùng nhằm phát triển công nghiệp, du lịch sinh thái, nông lâm nghiệp, phát triển các dịch vụ thương mại, logicstics, vận tải, công nghệ thông tin; hình thành và phát triển các hành lang kinh tế, từ đó tập trung nguồn lực đầu tư, hình thành, phát triển các cực tăng trưởng quan trọng trong vùng.
Bình luận (0)