xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tổng Bí thư: Thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực

Bảo Trân

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhìn nhận công tác cán bộ còn nhiều khe hở, có hiện tượng đề bạt, cất nhắc người nhà, người thân quen không đủ tiêu chuẩn

Ngày 19-1, Ban Tổ chức Trung ương (viết tắt là Ban Tổ chức) tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 với 2 nội dung chính: Tình hình, kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2017 và chuyên đề Kiểm soát quyền lực và phòng chống chạy chức, chạy quyền trong công tác tổ chức cán bộ.

Bầu cử, điều động 5 ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Phạm Minh Chính cho biết hội nghị năm nay có ý nghĩa rất quan trọng nhằm đánh giá tình hình, kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng thời gian qua và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2018 và các năm tiếp theo, tạo tiền đề, cơ sở từng bước chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng.

Tổng Bí thư: Thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra công tác cán bộ còn nhiều khe hở, chưa có cơ chế để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền hiệu quả Ảnh: VĂN Ý

Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức, ông Nguyễn Thanh Bình, cho biết năm 2017 đã tham mưu luân chuyển 471 cán bộ, điều động, biệt phái 1.467 cán bộ đối với cấp tỉnh; luân chuyển 2.378 cán bộ, điều động biệt phái 3.500 cán bộ đối với cấp huyện; riêng ở cấp trung ương đã tiến hành quy trình bầu cử, điều động, luân chuyển 424 nhân sự, trong đó có 5 ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; 3 bộ trưởng và tương đương; 6 trưởng ban cơ quan Đảng, đoàn thể trung ương; 8 bí thư tỉnh, thành...

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, về công tác bảo vệ chính trị nội bộ, Ban Tổ chức đã rà soát, thẩm định tiêu chuẩn chính trị đối với 1.122 cán bộ diện trung ương quản lý; trong đó loại bỏ 47 trường hợp không đủ tiêu chuẩn, điều kiện.

Vi phạm kỷ luật đáng báo động

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá thời gian qua, Ban Tổ chức và các cấp đã khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự sau Đại hội XII. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích, ngành Tổ chức xây dựng Đảng vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm cần phải khắc phục. Đơn cử như vi phạm kỷ luật của cán bộ, đảng viên còn diễn biến phức tạp, đáng báo động; tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị còn cồng kềnh; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu. Chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo, trùng lắp giữa các bộ, ngành. Số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách rất lớn dẫn đến chi thường xuyên ngày càng tăng, chiếm tỉ trọng cao trong tổng chi ngân sách…

Đặc biệt, Tổng Bí thư chỉ ra công tác cán bộ còn nhiều khe hở, tồn tại nhiều yếu kém; chưa có cơ chế để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền hiệu quả. "Tại sao có hiện tượng đề bạt, cất nhắc nhiều người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn? Vì sao cứ nói bổ nhiệm đúng quy trình nhưng kết quả thực tế bố trí cán bộ sai?... Vậy vai trò, trách nhiệm và sự đóng góp của ngành Tổ chức xây dựng Đảng trong việc này thế nào?" - Tổng Bí thư đặt vấn đề.

Tổng Bí thư giao nhiệm vụ cho toàn ngành Tổ chức xây dựng Đảng phải khẩn trương củng cố, kiện toàn bộ máy hoạt động của mình một cách tinh gọn, phù hợp; đồng thời gắn với tinh giản biên chế, xây dựng cơ chế vận hành hiệu lực, hiệu quả; xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của từng tổ chức, cơ quan; cái gì chưa phù hợp thì phải kịp thời thay đổi, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện. "Chúng ta phải có dũng khí, dám thẳng thắn bảo vệ cái đúng, kiên quyết can ngăn cái sai, chống cho được tệ bè phái, cục bộ, cá nhân chủ nghĩa, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ và không để bị lợi ích cám dỗ, chi phối bởi quan hệ cá nhân, thân quen nào không trong sáng" - Tổng Bí thư chỉ đạo.

Trưởng Ban Tổ chức Phạm Minh Chính nhấn mạnh 6 bài học kinh nghiệm rút ra sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII. Trong đó đáng chú ý là phải thường xuyên tranh thủ ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo của thường vụ cấp ủy, đặc biệt là của bí thư cấp ủy. Theo ông Chính, làm nhân sự cấp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt là bố trí lại các ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng phải tham khảo ý kiến rất nhiều kênh. Theo người đứng đầu ngành Tổ chức, phải mạnh dạn phân cấp, phân quyền. Ông Chính cho biết một vụ tổ chức cơ sở Đảng của Ban Tổ chức có 7-8 cán bộ phải nghĩ ra cho mười mấy ngàn tổ chức cơ sở Đảng. "Phân cấp, phân quyền chính là chỗ này, kiểm soát quyền lực cũng chính là chỗ này" - ông Chính nhấn mạnh. 

Cấp trên "đốt lửa to", cấp dưới "chậm đốt"

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân thẳng thắn đánh giá về phòng chống suy thoái, tham nhũng còn hạn chế ở khâu rút kinh nghiệm của Đảng, nhà nước. Định kỳ hằng năm đánh giá một cách toàn diện chưa được nên sai phạm cũ chưa được khắc phục đã xuất hiện sai phạm, suy thoái, tham nhũng mới. "Đây là nguyên nhân từ tình trạng cấp trên "đốt lửa to", cấp dưới "chậm đốt lửa" hoặc "đốt lửa nhỏ" trong khi suy thoái, tham nhũng hằng ngày, hằng giờ hủy hoại niềm tin của nhân dân, tài sản của nhà nước, sức chiến đấu của Đảng và sức mạnh tổng hợp của đất nước" - ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo