Nấm hầu thủ - còn gọi là nấm đầu khỉ, tua gai, bờm sư tử, lông nhím... - có nguồn gốc từ Nhật Bản, tên khoa học là hericium erinaceus. Nấm hầu thủ được nuôi trồng ở Trung Quốc đầu tiên, sau đó là Nhật Bản và các nước Bắc Mỹ, châu Âu. Việc nuôi trồng và sử dụng nấm hầu thủ hiện phát triển rất mạnh ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... và lan rộng nhiều nơi trên thế giới.
Thực phẩm ngon, dược liệu quý
Quả thể của hầu thủ hình cầu hoặc ê-lip, mọc riêng rẽ hoặc thành chùm. Tua nấm dày đặc rũ xuống như đầu khỉ, càng già càng dài và chuyển sang màu vàng như bờm sư tử. Quả thể khi non có màu trắng hay trắng ngà, khi già ngả sang màu vàng hay vàng sậm.
Hầu thủ là loại nấm ôn đới, nhiệt độ thích hợp sinh trưởng là 20-25 độ C. Nấm hầu thủ chứa nhiều vitamin với hàm lượng khá cao, như niacin (B3), thiamin (B1), riboflavin (B2), provitamin D (hàm lượng đặc biệt cao trong nấm khô của Nhật Bản) và cả vitamin A.
Nấm hầu thủ còn chứa các axít béo - thành tố có giá trị dinh dưỡng và phòng bệnh tim mạch, ung thư. Ngoài ra, nấm này còn chứa hàm lượng P khá cao, đặc biệt là Ge - một kim loại cực hiếm, có hoạt tính chống ung thư.
Không chỉ là loại thực phẩm ngon, nấm hầu thủ còn là nguồn dược liệu quý. Trong dân gian, nấm hầu thủ được biết đến với vai trò làm thuốc trị bệnh hơn là thức ăn. Người mắc bệnh về rối loạn chức năng gan, thận khi dùng hầu thủ tươi, khô hoặc các sản phẩm chức năng chiết xuất từ loại nấm này có biểu hiện cải thiện rất rõ rệt.
Bên cạnh đó, nấm hầu thủ còn giúp nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể, phục hồi niêm mạc dạ dày, chữa thủng loét ruột, nâng cao khả năng đề kháng với tình trạng thiếu ôxy, chống mệt mỏi, chống ôxy hóa, chống đột biến, làm giảm mỡ máu, xúc tiến việc tuần hoàn máu, chống lão hóa, ức chế sinh trưởng của tế bào ung thư. Trong quả thể và sợi của nấm hầu thủ đều thể hiện các đặc tính dược lý khác nhau.
Vì là loại nấm có giá trị dược liệu cao nên ở Trung Quốc hay Nhật Bản, người ta đã tiến hành nuôi cấy chìm để thu sinh khối hầu thủ trong các hệ thống lên men. Các loại thuốc chữa bệnh dạ dày, ruột hay các loại nước uống tăng lực hầu hết được bào chế từ nguồn nguyên liệu sinh khối lên men.
Mới đây, các nhà khoa học thuộc Phòng Sinh học thực nghiệm - Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên (TP Hà Nội) đã nghiên cứu, bào chế thành công heriglucan - một loại thực phẩm chức năng từ nấm hầu thủ. Heriglucan được xem là có khả năng tăng cường hệ miễn dịch; tăng trí nhớ, phòng chống Alzheimer; chống lão hóa; tăng cường sức khỏe sau phẫu thuật, chống phóng xạ; hỗ trợ phòng và điều trị ung thư đường tiêu hóa, nhất là gan và dạ dày... Đây là hướng đi nhằm tăng giá trị sản phẩm cho nấm hầu thủ trong nước.
Quả thể của nấm hầu thủ chẻ đôiẢnh: Phương Anh
Từ vụ thứ 2 có thể thu lời
Việt Nam có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sự phát triển của nghề trồng nấm nói chung và hầu thủ nói riêng. Giá thành sản xuất ở Việt Nam thường thấp do nguồn nguyên liệu sẵn có từ các phụ phẩm, phế phẩm nông - lâm nghiệp. Vì vậy, việc nuôi trồng nấm không những góp phần sử dụng có hiệu quả các phụ, phế phẩm này mà còn giải quyết được việc làm cho nông dân, làm giàu cho đất nước.
Với tiềm năng về sản lượng nuôi trồng cùng hương vị thơm ngon và giá trị dược tính quý, hầu thủ đang mở ra hướng phát triển mới cho ngành trồng nấm nước nhà. Đây sẽ là thực phẩm cung cấp nhiều chất bổ dưỡng và là nguồn dược liệu có giá trị cho y học. Việc xuất khẩu nấm hầu thủ cũng sẽ mang lại nguồn lợi rất lớn.
Đến nay, hầu thủ đã được nuôi trồng và sản xuất thử nghiệm ở một số nơi tại Việt Nam, cho kết quả rất khả quan về năng suất cũng như chất lượng nấm. Tuy nhiên, nấm hầu thủ vẫn còn khá xa lạ với nhiều người dân nên việc nuôi trồng vẫn còn nhỏ lẻ, sản lượng còn ít, chủ yếu phục vụ bào chế dược phẩm. Hơn nữa, việc nuôi trồng loại nấm này phải trong điều kiện mát mẻ nên đòi hỏi cần có sự hướng dẫn từ các nhà chuyên môn thì nông dân mới tiếp cận được công nghệ.
Việc chuyển giao công nghệ, giúp người dân tiếp cận đã và đang được triển khai rộng rãi. Một số trung tâm nghiên cứu nấm hầu thủ đã triển khai cho các hộ dân ở TP HCM, Lâm Đồng, Bến Tre... phát triển mô hình trồng loại nấm này.
Anh Nguyễn Minh Thuận (ngụ TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) đã đầu tư trồng thử nghiệm nấm hầu thủ trên diện tích 1.000 m2 và thu được năng suất bất ngờ. Mỗi đợt, gia đình anh thu hoạch được 400 - 500 kg nấm, giá bán ra thị trường gần 200.000 đồng/kg.
Anh Thuận cho biết các đối tác cũng đã tới thăm trang trại trồng nấm hầu thủ của gia đình anh. Sau khi kiểm tra chất lượng nấm, họ đã đặt vấn đề nhận bao tiêu sản phẩm lâu dài với sản lượng thu mua mỗi ngày 1 tấn. Để đáp ứng nhu cầu trên, gia đình anh đang tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô trang trại sản xuất nấm hầu thủ.
Sau khi đầu tư nhà trồng nấm gồm nhà xưởng, thiết bị…, người dân có thể khấu hao được hết chỉ sau vụ thu hoạch đầu tiên và có thể thu lời từ vụ thứ 2 trở đi. Đây là một mô hình kinh tế rất có tiềm năng.
Theo PGS-TS Lê Mai ở Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, Phòng Sinh học thực nghiệm cũng đã nghiên cứu thành công phương pháp nuôi trồng nấm hầu thủ trên môi trường dịch thể. Phương pháp này có thể rút ngắn thời gian nuôi trồng từ 8 xuống 6 tuần mà sản phẩm nấm vẫn giữ được giá trị dinh dưỡng, các chất vẫn có đủ hoạt tính sinh học. Công nghệ này còn có thể giúp người dân tăng năng suất, giảm giá thành, tiết kiệm được thời gian, chi phí trong quá trình nuôi trồng nấm nhằm gia tăng lợi nhuận.
1-3 triệu đồng/kg nấm khô
Không chỉ bán ra thị trường ở dạng tươi, hầu thủ còn có lợi thế hơn các loại nấm khác ở chỗ có thể xuất khẩu dạng khô hoặc bào chế thành phẩm.
Giá nấm hầu thủ khô ở thị trường trong nước hiện dao động khoảng 1-3 triệu đồng/kg, đa số ở phân khúc từ 2 triệu đồng/kg trở lên.
Bình luận (0)