Nhận lời mời của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức nước Cộng hòa New Zealand từ ngày 11 đến 14-3.
Chuyến thăm chính thức New Zealand đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra trong bối cảnh quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - New Zealand ngày càng phát triển tốt đẹp. Chuyến thăm nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, đưa các mối quan hệ quốc tế đi vào chiều sâu.
Chuyến thăm cho thấy Việt Nam coi trọng và mong muốn không ngừng tăng cường quan hệ song phương với New Zealand, tạo động lực thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực.
Đây sẽ là nguồn động lực để làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước, được xác lập năm 2009, ngày càng đi vào thực chất, tạo đà để mở rộng các lĩnh vực hợp tác trong tương lai, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên mà hai bên có nhu cầu và thế mạnh.
Đây cũng là dịp để hai bên thúc đẩy, tăng cường hơn nữa sự tin cậy về chính trị, tạo nền tảng vững chắc để đưa quan hệ hợp tác hai bên cùng có lợi đi vào chiều sâu theo các định hướng được đề ra trong Chương trình Hành động Việt Nam - New Zealand giai đoạn 2017-2020, được ký tháng 11-2017 nhân dịp Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern thăm và tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên đường thăm chính thức New Zealand.Ảnh: TTXVN
Về đối ngoại, New Zealand xem Việt Nam là nhân tố quan trọng trong chính sách đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, còn về kinh tế, New Zealand đánh giá Việt Nam là một đối tác tiềm năng. Hằng năm, hai bên thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao, có cuộc gặp bên lề các hội nghị như: Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).
Những năm gần đây, kim ngạch thương mại 2 chiều tăng đều qua các năm, từ 300 triệu USD năm 2009 lên 750 triệu USD năm 2013 (tốc độ tăng bình quân khoảng 20%/năm). Năm 2017, kim ngạch thương mại 2 chiều đạt hơn 900 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất hơn 425 triệu USD và nhập hơn 401 triệu USD. Khả năng đạt được mục tiêu kim ngạch thương mại 2 chiều về hàng hóa và dịch vụ giữa hai nước lên mức 2,5 tỉ NZD (tương đương 1,7 tỉ USD) vào năm 2020 như mục tiêu lãnh đạo cấp cao hai nước đã đề ra là hoàn toàn hiện thực.
New Zealand là đối tác thương mại lớn thứ 31 của Việt Nam và Việt Nam là đối tác lớn thứ 17 của New Zealand. Việt Nam hiện là nhà xuất khẩu đứng thứ 19 vào thị trường New Zealand. Đến nay, New Zealand có 28 dự án còn hiệu lực ở Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 101,94 triệu USD, đứng thứ 41/120 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.
Việt Nam có 6 dự án liên doanh đầu tư tại New Zealand với tổng vốn đăng ký là 25,62 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực: công nghiệp chế biến, chế tạo; khách sạn và ăn uống; nông - lâm nghiệp và thủy sản…
Trong khi đó, New Zealand là một trong những nước dành vốn ODA cho Việt Nam ổn định và tăng dần theo từng năm, tập trung vào các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, giáo dục - đào tạo, phát triển nông nghiệp - nông thôn bền vững; cam kết trong giai đoạn từ tháng 7-2015 đến 6-2018 sẽ cung cấp cho Việt Nam 26,66 triệu NZD (tương đương 18,6 triệu USD).
Theo TTXVN, bên cạnh những bước phát triển vượt bậc trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, hai nước cũng hợp tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực. Trên các diễn đàn khu vực, quốc tế, hai nước đều là thành viên của Liên Hiệp Quốc (LHQ), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), APEC, Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM) và một số cơ chế hợp tác của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Hai nước ủng hộ, phối hợp chặt chẽ trong đàm phán, ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thúc đẩy sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
New Zealand ủng hộ Việt Nam ứng cử làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ; Ủy ban Kinh tế - Xã hội LHQ; Hội đồng Chấp hành UNESCO và tổ chức thành công APEC 2017.
Bình luận (0)