Tên sản phẩm và nhà sản xuất: Đây là những thông tin mà người tiêu dùng cần lưu ý chính xác vì ngày càng có nhiều sản phẩm có tên nhãn hiệu và mẫu mã bao bì gần giống nhau, thí dụ như La Vie, La Ville...
Thành phần dinh dưỡng: Nên chọn các sản phẩm có nêu thành phần và thông tin dinh dưỡng càng cụ thể càng tốt. Đôi khi, cùng là một chất axit linolenic nhưng ở sản phẩm này thì ghi tên khoa học (axit linolenic), sản phẩm khác lại ghi tên rút gọn ((-3) và nơi khác lại ghi tên quảng cáo (tiền tố DHA)..., dễ làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn.
Hướng dẫn sử dụng và bảo quản: Mỗi sản phẩm có hướng dẫn cách sử dụng pha chế và bảo quản khác nhau như dùng nước sôi, nước ấm, nước nguội... hay cất trong tủ lạnh, trong hộp kín, trút sang hộp khác... Người tiêu dùng cần hiểu rõ các thông tin này, tránh trường hợp làm sản phẩm bị hư hỏng hay mất chất do sử dụng bảo quản không đúng.
Đối tượng sử dụng, lứa tuổi: Do nhu cầu dinh dưỡng của từng lứa tuổi có khác nhau hoặc có những sản phẩm chỉ dành riêng cho một số đối tượng đặc biệt như sữa có hàm lượng canxi cao dành cho người lớn nhưng do không được đọc kỹ hướng dẫn, người tiêu dùng mua cho trẻ nhỏ.
Ngày sản xuất và hạn sử dụng: Trên nguyên tắc, chất lượng của các sản phẩm công nghiệp vẫn được bảo đảm cho đến ngày hết hạn. Thời gian sử dụng không phải càng dài càng tốt mà tùy theo tính chất của từng loại sản phẩm và hàm lượng chất bảo quản có trong sản phẩm đó. Đôi khi sản phẩm có thời gian sử dụng ngắn hơn giúp người tiêu dùng luôn có sản phẩm mới để sử dụng.
Địa chỉ liên hệ của nhà sản xuất: Đối với các nhà sản xuất chân chính và uy tín địa chỉ liên hệ với khách hàng thường rõ ràng và dễ liên lạc. Các ý kiến đóng góp và khiếu nại của khách hàng sẽ được giải quyết nhanh chóng và hợp lý. Bạn nên liên hệ với nhà sản xuất khi có điều gì chưa rõ trước khi quyết định dùng sản phẩm.
Hiểu rõ các kiến thức về dinh dưỡng và cách đọc bao bì sản phẩm thực phẩm sẽ giúp người tiêu dùng an tâm hơn khi chọn lựa đúng loại sản phẩm.
Bình luận (0)