xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Cuộc chiến" phí tác quyền: RIAV tung “đòn” cạnh tranh

Thùy Trang

Nếu ủy quyền cho VCPMC, các nhạc sĩ phải trích 25% tiền tác quyền cho VCPMC còn RIAV sẽ không thu đồng nào từ các nhạc sĩ ủy quyền cho mình

Hôm qua, 6-5, tại TPHCM, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) đã có buổi họp báo, do ông Trần Chiến Thắng, Chủ tịch RIAV, chủ trì nhằm thông báo những thông tin xung quanh việc Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) tăng 100% phí tác quyền đối với các chương trình sản xuất băng đĩa của hiệp hội này và tìm sự chia sẻ từ các cơ quan truyền thông.

Em ngã, chị không nâng?

Ban Điều hành RIAV thông báo kết quả buổi làm việc không thành giữa họ với VCPMC về việc kiến nghị tổ chức này áp dụng nguyên biểu giá thu tiền nhuận bút tác giả trong năm 2011 y như  mức cũ đối với CD (500.000 đồng/bài), VCD và DVD (1 triệu đồng/ bài). Lý do mà RIAV xin kiến nghị giữ nguyên mức tiền tác quyền cũ bởi hiện nay, chi phí sản xuất dành cho một sản phẩm âm nhạc đến được người nghe, xem là quá cao. Nếu mọi thứ đều đội lên, nhà sản xuất không thể kham nổi.

Bà Trương Thị Thu Dung, Phó Chủ tịch Thường trực RIAV, cũng cho biết phía VCPMC không hề có bất kỳ thông báo nào cho RIAV về việc tăng tiền tác quyền cho đến khi các nhà sản xuất lên trung tâm ký hợp đồng sử dụng tác phẩm, đóng tiền mới biết được VCPMC áp dụng giá thu phí mới. Mọi kế hoạch sản xuất băng đĩa nhạc của các trung tâm đã được lên từ lâu với mức chi cho khoản tiền tác quyền mỗi album trung bình ở mức 25 triệu đồng.
Nay phải chi phí tiền tác quyền lên 50 triệu đồng sẽ đẩy tình trạng khó khăn của các nhà sản xuất vào chỗ bế tắc. Đó cũng là lý do tất cả hội viên của RIAV đều đồng loạt quyết định sẽ tạm ngưng các hoạt động sản xuất vì làm sẽ lỗ nặng. RIAV cũng khẳng định đây không phải hành động đình công mà là cách làm thích ứng với quy luật hoạt động kinh doanh.

“Vấn đề nằm ở chỗ văn hóa ứng xử của các bên đều chưa đúng mực nên dẫn đến lùm xùm như hiện nay” - ông Trần Chiến Thắng nhận định.

VCPMC không chịu tính %

RIAV nói căn cứ vào phương thức tính nhuận bút đã được quy định trong Nghị định 61 của Chính phủ ban hành năm 2002 về chế độ nhuận bút áp dụng đối với sản phẩm băng đĩa thì rõ ràng VCPMC đang vi phạm luật.

Tiền nhuận bút đối với các sản phẩm băng đĩa nhạc quy định trong Nghị định 61 được tính theo công thức:  Tỉ lệ % (4%-5% đối với băng đĩa âm thanh và 6%-8% đối với băng đĩa hình) x giá bán lẻ xuất bản phẩm x số lượng bản in.

Với cách tính này, số tiền nhuận bút sẽ tăng lên theo số lượng bản in được phát hành. Nếu tuân thủ theo công thức tính như trên, rõ ràng các bên liên quan đều không ai chịu thiệt thòi (Báo Người Lao Động đã đề cập và phân tích trong loạt bài “Cuộc chiến” phí tác quyền. Tuy nhiên, công thức này đã không được hai bên áp dụng ngay từ đầu (tính từ thời điểm RIAV ký kết với VCPMC vào năm 2001).

img

Quang cảnh buổi họp báo ngày 6-5. Ảnh: HOÀNG NGHĨA

Đại diện của RIAV cho biết sở dĩ hai bên đưa ra mức thỏa thuận như lâu nay là bởi VCPMC cho rằng không ai có thể kiểm soát được số lượng bản in mà các nhà sản xuất phát hành. Có khi nhà sản xuất bán được 10.000 bản nhưng chỉ báo cáo mức vài ngàn bản thì tác giả thiệt thòi. Chính vì vậy, hai bên thấy đưa ra mức giá thỏa thuận là hợp lý nhất.

Nhưng qua lần tăng giá này của VCPMC, RIAV thấy việc áp dụng công thức tính nhuận bút được quy định trong Nghị định 61 là hợp lý và có đủ cơ sở khoa học chứ không nên làm theo cách cảm tính như vừa qua. Tuy nhiên VCPMC vẫn không đồng ý.

Khẳng định quyền được giao dịch trực tiếp

Các thành viên RIAV bức xúc vì nếu không thỏa thuận được mức giá tác quyền với VCPMC đồng nghĩa các thành viên của RIAV không xin được giấy phép phát hành sản phẩm từ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TPHCM, bởi sở này quy định chỉ cấp phép khi hồ sơ đăng ký của các nhà sản xuất đã có được hợp đồng cho phép sử dụng tác quyền của tác giả do VCPMC đại diện. Song muốn được ký hợp đồng cho phép sử dụng tác phẩm thì buộc phải đóng tiền trước theo giá tổ chức này đề ra.

Bà Trương Thị Thu Dung cho biết: “Chúng tôi đã làm văn bản kiến nghị Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TPHCM cho phép các đơn vị sản xuất phát hành trước sản phẩm rồi sẽ đóng tiền tác quyền cho tác giả sau 3 tháng phát hành sản phẩm nhưng Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TPHCM không chấp thuận kiến nghị này”.

Ông Trần Chiến Thắng nói: “Nếu việc thỏa thuận với VCPMC không thành, RIAV sẽ tiếp tục kiến nghị lên cấp thẩm quyền cao hơn cho đến khi mọi gút mắc được tháo gỡ”. Tuy nhiên, ông Thắng cũng cho biết: “Trong cuộc làm việc với Hội Âm nhạc Việt Nam sắp tới, RIAV sẽ khẳng định quyền  được giao dịch trực tiếp với tác giả mà không qua VCPMC.
Nếu ủy quyền cho VCPMC, các nhạc sĩ phải trích 25% tiền tác quyền của họ do VCPMC thu được thì RIAV sẽ không thu đồng nào từ các nhạc sĩ ủy quyền cho mình. nếu đề xuất của RIAV được các nhạc sĩ hưởng ứng, VCPMC không còn là tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả tác phẩm âm nhạc độc quyền như hiện nay, vì đã có thêm một tổ chức đại diện tập thể về bản quyền tác giả âm nhạc khác cạnh tranh.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo