xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Một đời với nghiệp trồng người

Bài và ảnh: Huỳnh Nga

Trong 50 năm, GS-TS Đặng Đình Áng đã đào tạo cho Việt Nam nhiều thế hệ tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân toán học

Đưa cho tôi quyển sách mang tên Trong ngần bóng gương viết về GS-TS Đặng Đình Áng, TS Dương Minh Đức, Chủ tịch Hội Toán học TPHCM, tự hào nói: “Đó là những gì mà thầy tôi đã đóng góp cho ngành toán học. Chủ nhật này (ngày 13-3), chúng tôi sẽ tổ chức mừng lễ thượng thọ 86 cho thầy như sự tri ân người đã dìu dắt chúng tôi, đưa nền toán học  nước nhà phát triển”.

img
GS Đặng Đình Áng (thứ 3 từ trái qua, hàng trước) với nhiều thế hệ học trò
 
“Quê hương ở đây, làm sao đi được!”
 
Với nhiều GS-TS toán học ở Việt Nam, GS-TS Đặng Đình Áng không chỉ là người thầy mà còn là tấm gương để họ noi theo bởi niềm đam mê nghề nghiệp cũng như nhân cách thanh cao của  một nhà giáo đã chọn con đường trồng người trong suốt 50 năm qua. Trong ngôi nhà của ông nằm tại số 162 Điện Biên Phủ, quận 3 - TPHCM, những đồ vật đơn sơ được bài trí gọn gàng. Bộ bàn ghế mây dành để tiếp khách suốt hơn 20 năm nay vẫn không hề thay đổi. TS Dương Minh Đức nói: “Thầy tôi là thế, luôn thanh bần, không coi trọng vật chất. Thầy luôn lạc quan, yêu đời”.
 
Cách đây 51 năm, Việt Nam đón một TS về toán cơ học tại Học viện Kỹ thuật California (Mỹ) trở về mang tên Đặng Đình Áng. “Sau 7 năm trời xa cách, tôi cũng không tin ông ấy sẽ trở về. Vừa thấy chồng ở sân bay, tôi đã òa khóc. Đứa con thứ hai lần đầu tiên thấy bố cũng tỏ ra dè dặt nhìn ông. Tôi hỏi ông có đi nữa không, ông cười và nói: Quê hương tôi ở đây, làm sao mà đi được” - bà Bùi Thị Minh Thy, vợ ông, bồi hồi kể lại. 
 
Cũng trong năm ấy, TS Áng vừa tròn 34 tuổi, được bổ nhiệm làm Trưởng Ban Toán tại Trường ĐH Khoa học Sài Gòn. Ông đã mạnh dạn bắt tay vào việc cải tổ đại học, hiện đại hóa chương trình dạy toán. TS Dương Minh Đức nhớ lại: “Lúc ấy, chứng chỉ toán đại cương là cửa ải khó khăn nhất đối với hàng trăm sinh viên mới và mỗi năm chỉ có vài người lọt qua bởi những môn học bắt buộc. Bấy giờ, tất cả GS ngành toán đều là người Pháp, chỉ có mình thầy là người Việt. Nhưng với tài năng của mình, thầy đã thuyết phục được các GS chấp nhận việc cải tổ đại học, đưa những môn học mới như tôbô, đại số hiện đại, giải tích hàm… vào chương trình giảng dạy. Nhờ thế mà hàng loạt cử nhân toán học được tốt nghiệp”.
 
Sự thay đổi của môn toán lúc bấy giờ đã tạo ra luồng gió mới đối với những sinh viên toán. Toán học phía Nam nhanh chóng lan dần ra như một đóm lửa giúp sinh viên không còn bỡ ngỡ khi tiếp cận với nền toán học thế giới. Năm 1965, một lần nữa, GS-TS Áng mở chứng chỉ “toán học thâm cứu” cho bậc sau cử nhân để nâng cao trình độ và hướng vào nghiên cứu sớm dành cho sinh viên. Nhờ vậy mà các sinh viên giỏi có thể ghi danh học chứng chỉ này trước khi hoàn thành cử nhân. 
 
Vì nền toán học nước nhà
 
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, giữa lúc nhiều trí thức lần lượt xuất ngoại thì GS-TS Đặng Đình Áng là một trong số ít người từng học ở Mỹ trụ lại Việt Nam. Ông cho biết: “Thực ra, lúc đó tôi cũng phân vân giữa việc đi hay ở nhưng cuối cùng, tôi quyết định ở lại vì ở đây tôi tìm thấy niềm vui trong công việc”. Đây cũng là lần thứ hai ông quyết tâm ở lại quê nhà sau lần được một trường đại học danh tiếng ở nước ngoài mời tham gia giảng dạy.
 
Không mặc cảm là người sống giữa hai chế độ, GS-TS Áng đã tiếp tục cống hiến, phát triển nền toán học nước nhà. Năm 1976, lần đầu tiên một hội thảo toán học giữa hai miền Bắc-Nam được tổ chức nhằm thống nhất chương trình giảng dạy toán mà trong đó công lao to lớn thuộc về ông. GS-TS Nguyễn Duy Tiến nhớ lại: “Khi ấy, GS Lê Văn Thêm vào Sài Gòn phối hợp với GS Đặng Đình Áng tổ chức hội thảo. Đấy là lần gặp gỡ đầu tiên của hai nền toán học Bắc - Nam. Vài hôm sau, tôi thấy ông Áng chở ông Thêm đi trên đường phố Sài Gòn bằng chiếc xe máy Suzuki cũ kỹ. Hai người đang nói chuyện tâm đắc thì xe dừng lại. Hóa ra là xe hết xăng. Tôi nhớ mãi hình ảnh hai nhà toán học Nam và Bắc vừa cùng nhau đẩy xe đi tìm nơi đổ xăng vừa trò chuyện sôi nổi”.
 
Thời ấy, tuy cuộc sống khó khăn nhưng GS Đặng Đình Áng vẫn vui vẻ chấp nhận. Nhà thơ Trần Việt Phương chia sẻ những kỷ niệm về người bạn học của mình: “Năm 1975, tôi vào Sài Gòn, người bạn tôi gặp đầu tiên là Áng. Bấy giờ, Áng cùng vợ sống ở một căn hộ xuềnh xoàng trong chung cư trên đường Phạm Ngọc Thạch. Gặp nhau, chúng tôi ôm chầm lấy, Áng nói: “Mình vẫn luôn theo dõi cậu chặt chẽ”. Tôi vẫn nhớ những năm khó khăn trước thời đổi mới, thỉnh thoảng Áng tự đưa hoặc nhờ người khác chuyển cho tôi một gói quà, lần thì mấy lọ đầy các loại vitamin, lần thì một bịch mì chính. Bao giờ tôi cũng chia cho các bạn cùng lớp, dành phần nhiều hơn cho những bạn thiếu thốn. Đó là tấm lòng của Áng đối với bạn học cũ”.
 
Không ngừng cống hiến
 
Năm 1982, dưới sự hướng dẫn của GS Đặng Đình Áng, TS toán học đầu tiên ở phía Nam tốt nghiệp. Từ đó đến nay, ông cũng đã đào tạo 12 TS  trong nước có trình độ quốc tế cùng hàng loạt thạc sĩ, cử nhân toán học. Ngoài ra, ông còn có hơn 130 bài báo trong lĩnh vực phi tuyến và cơ học được công bố trên các tạp chí toán học trong và ngoài nước. Ông cũng là tác giả của 6 sách chuyên đề về giải tích và cơ học, trong đó có một quyển với tác giả nước ngoài do NXB Khoa học Springger (Đức) xuất bản.
 
Năm 1988, Hội Toán học TPHCM được thành lập mà ông là chủ tịch đầu tiên. Hội Toán học lúc bấy giờ là nơi để những nhà toán học chia sẻ kinh nghiệm. Liên tiếp sau đó, vào năm 1995, một hội nghị toán học quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại TPHCM đã thu hút nhiều nhà toán học lớn đến từ Mỹ, Đức, Nga, Trung Quốc, Pháp… Điều này càng cho thấy uy tín của GS Đặng Đình Áng trong cộng đồng toán học thế giới không nhỏ.
 
GS-TS Nguyễn Hữu Anh, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, vốn là học trò của ông, cho rằng thầy Áng không chỉ dạy về toán mà còn giới thiệu và truyền thụ cho ông nhiều kiến thức khác trong cuộc sống. “Nếu không có sự giúp đỡ của thầy, tôi đã không qua Viện Địa vật lý thuộc ĐH Califonia, Los Angeles - một trong những trường xếp trong 20 trường hàng đầu ở Mỹ - để học. Ngoài ra, nhờ những kiến thức cập nhật kịp thời của thầy mà tôi và các bạn khác sau này đã được nhận học thẳng vào bậc TS, trong khi các bạn khác phải học một số môn ở năm thứ ba hay năm thứ tư”.

Dù là một người hấp thu nền giáo dục phương Tây nhưng thầy Đặng Đình Áng vẫn nguyên vẹn một tâm hồn Việt với những bản sắc tốt đẹp nhất.

TS Dương Minh Đức (Chủ tịch Hội Toán học TPHCM)

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo