Con số này phản ánh tuổi thọ ngày càng cao ở một xã hội đang già đi, với hơn 1/3 dân số dự kiến sẽ bước vào độ tuổi 65 hoặc hơn vào năm 2050, tăng so với mức 1/5 hiện nay. Chính phủ xứ sở hoa anh đào đang lo ngại viễn cảnh thiếu lao động để duy trì sức mạnh kinh tế hiện nay của nước này.
Bộ Y tế Nhật cho biết con số năm nay, bao gồm những người Nhật sẽ bước sang tuổi 100 vào cuối tháng này, đã vượt xa con số 20.561 người được ghi nhận trong năm qua. Cũng trong năm 2003, phụ nữ Nhật đã lập kỷ lục mới về tuổi thọ, với tuổi thọ bình quân là 85,3. Đàn ông Nhật có thể thọ đến 78,3 tuổi. Tại Mỹ, theo báo cáo năm 2002 của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh và Trung tâm Thống kê Sức khỏe Quốc gia Mỹ, tuổi thọ của phụ nữ Mỹ là 79,9 và tuổi thọ của đàn ông Mỹ là 74,7.
Theo các chuyên gia, chế độ ăn uống chủ yếu là cá và ít mỡ của người Nhật là bí quyết giúp họ sống lâu. Con số người ở độ tuổi 100 hoặc hơn ở Nhật đã tăng hầu như mỗi năm kể từ khi chính phủ bắt đầu thống kê vào năm 1963, khi nước Nhật nỗ lực hiện đại hóa để nâng cao mức sống của người dân. Người già nhất Nhật Bản hiện nay là cụ bà Ura Koyama, 114 tuổi, thấp hơn 2 tháng tuổi so với người giữ kỷ lục sống thọ nhất thế giới theo sách Guinness là một phụ nữ Hà Lan tên Hendrikje van Andel-Schipper.
Koyama sinh vào tháng 8-1890 ở Hiroshima, hiện đang sống trong bệnh viện và vẫn ăn đủ 3 bữa ăn/ngày bằng đôi đũa của mình. “Bà thích mọi thứ và không có những suy nghĩ bi quan, tiêu cực. Tôi nghĩ chính tính cách của bà đã giúp bà sống thọ” – Takeshi, cháu trai 59 tuổi của bà, cho biết. “Tôi hy vọng một ngày nào đó bà sẽ trở thành người sống thọ nhất thế giới”.
Theo Bộ Y tế Nhật, quần đảo Okinawa phía Nam Nhật có nhiều người trên 100 tuổi nhất, 635 người, với tỉ lệ 47/100.000 dân, cao hơn nhiều so với mức bình quân toàn quốc là 18/100.000.
Bình luận (0)