L.T.S: Nhằm cụ thể hóa một trong những nội dung quan trọng trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP HCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025, UBND thành phố quyết định phê duyệt Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020-2030.
Để công tác góp phần hướng tới phát triển xanh này hiệu quả, thành phố còn nhiều việc phải làm, trong đó có chuyện chuyển đổi, nâng cấp công nghệ xử lý rác.
Xoay sở sinh kế
Sống bên lượng rác khổng lồ, người dân buộc phải thích nghi trong chật vật, từ chuyện sinh hoạt đến xoay xở về sinh kế…
Mệt mỏi, chật vật
Những ngày cuối tháng 3-2024 nắng gay gắt, theo Quốc lộ 22, chúng tôi đến trung tâm huyện Củ Chi, TP HCM.
Rẽ trái vào Tỉnh lộ 8, đến cầu Thầy Cai rồi rẽ phải xuôi theo đường Tam Tân, trước mặt chúng tôi là Khu Liên hợp Xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi).
Đây cũng là đường đi của hàng ngàn tấn rác mỗi ngày từ trung tâm thành phố đưa về 2 nhà máy trong khu liên hợp là nhà máy xử lý chất thải rắn Vietstar (1.800 tấn/ngày) và nhà máy xử lý, tái chế chất thải rắn Củ Chi của Công ty CP Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa (1.000 tấn/ngày). Càng tới gần, mùi hôi càng nặng, "núi" rác dần hiện ra.
Theo ghi nhận, người dân 2 xã Thái Mỹ, Phước Hiệp bị ô nhiễm nặng nề nhất. Gia đình bà N.T.M sống ven kênh 18, ngay phía sau bãi rác nên hứng chịu mùi hôi hằng ngày. Từ nhà bà M. phóng tầm mắt chỉ vài chục mét là thấy rõ "núi" rác được che bạt.
Để bảo đảm vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân, TP HCM đặt chỉ tiêu tỉ lệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt rác phát điện và tái chế đến năm 2025 đạt ít nhất 80%, hướng tới năm 2030 đạt 100%.
Mỗi ngày phải hứng chịu mùi hôi nên vợ chồng bà M. không tránh khỏi những cơn ho, bệnh về đường hô hấp. Việc hằng ngày của bà là chăm sóc đàn gà, nấu cơm nhưng mệt nhất là quét nhà xong lại bụi. Cũng vì ô nhiễm từ bãi rác mà gia đình không thể trồng lúa được, nuôi bò nhưng thiếu cỏ xanh, nhiều lúc đành mua thêm rơm.
Cách đó không xa là nhà ông D.V.L. Ông D.V.L kể trước đây con kênh trong xanh, mọi người rửa rau, nấu ăn, tắm gội từ nguồn nước này nhưng nay nước chuyển sang đục rồi đen nên việc sinh hoạt không còn như cũ.
Ngoài ra, vì mùi hôi mà căn nhà rộng của ông trước có 8 người nay chỉ còn 3 thành viên sinh sống bởi phần lớn dời tới nơi khác trong lành hơn. "Sinh hoạt hằng ngày thì gia đình dùng nước giếng khoan nhưng có mùi lạ, dính phèn nên mất thời gian lọc thủ công, rất vất vả" - ông L. ngao ngán.
Trong khi đó, gia đình ông T.T.S (ngụ ven kênh 19) cho hay dù ít bị ảnh hưởng hơn so với người dân ở kênh 18 nhưng cuộc sống cũng chật vật không kém. Từ khi có bãi rác, kênh xuất hiện nhiều bèo, tràn ra cả cánh đồng, không cách gì xử lý hết.
"Vành đai xanh" đội vốn hơn 2.000 tỉ đồng
Tình trạng ô nhiễm môi trường ở những khu vực trên nhiều lần được người dân phản ánh đến đại biểu HĐND TP HCM, đại biểu Quốc hội.
Mới đây, tại buổi tiếp xúc cử tri của Tổ Đại biểu Quốc hội đơn vị số 10, người dân huyện Củ Chi kiến nghị về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn. Cử tri Nguyễn Trường Sơn cho rằng dự án trồng cây xanh cách ly (giai đoạn 2) thuộc Khu Liên hợp Xử lý chất thải rắn Tây Bắc tại xã Phước Hiệp và Thái Mỹ nhằm giảm mùi hôi từ chất thải của 2 nhà máy kéo dài nhiều năm và ông muốn biết khi nào tiến hành.
Phản hồi ý kiến cử tri, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ cho biết sẽ đeo bám giải quyết kiến nghị, trong đó tiếp tục giám sát việc thực hiện dự án trồng cây xanh cách ly. Chủ tịch HĐND TP HCM đề nghị UBND huyện Củ Chi phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường cùng đôn đốc, nhắc nhở đối với dự án.
Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo HĐND TP HCM về kết quả thực hiện pháp luật đầu tư công trên địa bàn thành phố và hiệu quả, tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách.
Trong đó, dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư (giai đoạn 2 - gần 200 ha) để trồng cây xanh cách ly thuộc Khu Liên hợp Xử lý chất thải rắn Tây Bắc do Ban Quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải rắn TP HCM (MBS) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 526 tỉ đồng.
Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Củ Chi tổ chức trao thông báo thu hồi đất cho người dân bị ảnh hưởng vào tháng 5-2019. UBND huyện Củ Chi cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ trong dự án, tiến hành thành lập hội đồng bồi thường. Tiếp đó, MBS trình Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định hồ sơ đề nghị thẩm định nội bộ điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư lên 2.529 tỉ đồng do chính sách pháp luật về đất đai thay đổi làm tăng kinh phí bồi thường.
Trong khi đó, dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư để trồng cây xanh cách ly thuộc Khu Liên hợp Xử lý chất thải rắn Tây Bắc giai đoạn 3 có quy mô 67 ha. Dự án này cũng do MBS làm chủ đầu tư với kinh phí 350 tỉ đồng. Năm 2016, HĐND TP HCM đã chấp thuận chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 07/NQ-HĐND. Dự án chưa triển khai được là do giai đoạn 2 chưa thực hiện xong…
Chờ đợi
Tại buổi làm việc giữa Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi với huyện Củ Chi về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết các kiến nghị, đề xuất của địa phương vào tháng 8-2022, lãnh đạo huyện cũng phản ánh về dự án trồng cây xanh thuộc Khu Liên hợp Xử lý chất thải rắn Tây Bắc bị ngưng.
Bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cho biết địa phương rất chia sẻ với thành phố về việc xây dựng dự án xử lý chất thải rắn. Tuy vậy, lãnh đạo huyện thông tin trên 240 hộ dân gần 20 năm qua bị ảnh hưởng rất lớn do hoạt động của Khu Liên hợp Xử lý chất thải rắn Tây Bắc. Nhiều người dân rất cơ cực, không trồng trọt được gì dù trước đây mỗi năm có thể làm 2-3 vụ lúa.
Chủ tịch UBND huyện Củ Chi kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường sớm triển khai dự án trồng cây xanh vì giai đoạn 1 đã thực hiện xong 14 năm qua. Theo bà, nếu dự án kịp làm để kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thì sẽ là niềm vui không thể tả đối với người dân huyện Củ Chi.
(Còn tiếp)
Bình luận (0)