Ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT, Trưởng Phân ban rủi ro Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, viết tắt là BIDV) đã nhờ luật sư tham gia tố tụng đại diện cho mình tại phiên xử đại án Trầm Bê.
"Không thể đến tòa"
Luật sư này cũng khẳng định ông Trần Bắc Hà đang điều trị bệnh nên không thể đến tòa. Luật sư của ông Trần Bắc Hà cũng xác nhận với phóng viên Báo Người Lao Động đã nộp hồ sơ cho tòa trong sáng 9-1. "Tôi đã đến tòa làm thủ tục để tham gia tố tụng thay ông Trần Bắc Hà và có lẽ tòa sẽ sớm cấp giấy chứng nhận cho luật sư thôi", vị luật sư nhấn mạnh.
Ông Trần Bắc Hà
Trước đó trong quyết định đưa vụ án ra xét xử, thẩm phán Phạm Lương Toản (Chánh tòa Hình sự TAND TP HCM) ký triệu tập ông Trần Bắc Hà với hai tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và là người làm chứng.
Chiều 8-1, đại diện VKSND TP HCM yêu cầu phải triệu tập bằng được ông Trần Bắc Hà và nhiều người liên quan khác để vụ án được xét xử một cách khách quan, công bằng.
Bộ Công an xác định ông Trần Bắc Hà đã ký 12 báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Phân ban rủi ro trên cơ sở các thành viên Phân ban rủi ro tín dụng đầu tư đánh dấu đồng ý vào Phiếu lấy ý kiến về chủ trương cho 12 công ty vay vốn mua vật liệu xây dựng theo mô hình 4 nhà, ký 12 quyết định phê duyệt chủ trương cho 12 công ty vay mua vật liệu xây dựng với số tiền 4.700 tỉ đồng, giao thẩm quyền cho 4 chi nhánh: Gia Định, Bến Thành, Sở Giao dịch 2 và Nam Sài Gòn thực hiện cho vay và thu nợ theo quy trình của BIDV.
Đến nay xác định ông Trần Bắc Hà đồng ý chủ trương cho 12 công ty vay vốn theo giới thiệu của VNCB chứ không cho Phạm Công Danh vay và không biết các công ty do Danh thành lập. BIDV đã thu đủ gốc, lãi các khoản vay từ chính khách hàng vay vốn, ngân hàng này không bị thiệt hại.
Không có lý do khách quan thì sẽ bị dẫn giải đến tòa
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Điểm a Khoản 1 Điều 66 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định người làm chứng có nghĩa vụ "Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải".
Đồng thời, Điều 293 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về sự có mặt của người làm chứng tại phiên tòa như sau:
"1. Người làm chứng tham gia phiên tòa để làm sáng tỏ những tình tiết của vụ án. Nếu người làm chứng vắng mặt nhưng trước đó đã có lời khai ở Cơ quan điều tra thì chủ tọa phiên tòa công bố những lời khai đó. Nếu người làm chứng về những vấn đề quan trọng của vụ án vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử.
2. Trường hợp người làm chứng được Tòa án triệu tập nhưng cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc xét xử thì Hội đồng xét xử có thể quyết định dẫn giải theo quy định của Bộ luật này."
Bình luận (0)