Chiều 19-10, Bộ Quốc phòng chính thức bàn giao khu đất dọc đường Trường Chinh, quận Tân Bình cho UBND TP HCM. Khu đất này khá hẹp - dài 700 m, trước kia là nơi kinh doanh của 50 ki-ốt, 3 cây xăng.
Phần màu xanh da trời là diện tích đất vừa được Bộ Quốc phòng bàn giao cho TP HCM (Đồ họa: Tấn Rin)
Trước thông tin này, rất nhiều cử tri quận Tân Bình đã lên tiếng. Trong đó, ông Lê Văn Sang (75 tuổi), người từng gửi 3.200 lá đơn đến các cơ quan chức năng đề đạt nguyện vọng "bứng" sân golf Tân Sơn Nhất, thất vọng: "Giải tỏa khu đất này chẳng giúp sân bay bớt quá tải".
Để chứng minh lời nói của mình, ông Sang lấy ra một tấm bảng đồ do chính ông đi khảo sát, đo đạc hiện trạng xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo đó, khu đất mới bàn giao cho UBND TP HCM chỉ bằng 2/10 tổng diện tích ngã ba Trường Chinh - Cộng Hòa do Bộ Quốc phòng sở hữu. "Kế bên khu đất giải tỏa là công trình do Bộ Quốc phòng xây dựng trạm sửa chữa, sân tennis, bóng đá… Cái này sao không bàn giao luôn để mở rộng thêm một cửa sân bay mới?"- ông Sang đặt vấn đề.
Theo ông Sang, khu đất bàn giao so với diện tích sân golf chỉ bằng 4%-5%. Điều mà người dân mong muốn là giải tỏa sân golf chứ không phải khu đất đường Trường Chinh.
Sau nhiều tháng ròng rã ghi chép, đo đạc, ông Sang đã vẽ tấm bảng đồ cho thấy xung quanh rất nhiều sân bóng, hồ bơi, sân tennis, quán nhậu nằm trong đất quốc phòng kế bên sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: Lê Phong
Ông Lê Văn Sang (75 tuổi; cử tri quận Tân Bình, TP HCM) bày tỏ ý kiến.
Cùng chung ý kiến, ông Đào Khắc Khởi (80 tuổi) cho rằng đất Bộ Quốc phòng bàn giao là vỉa hè đường Trường Chinh và chẳng có ý nghĩa gì giúp sân bay Tân Sơn Nhất giảm tải.
Theo ông Khởi, suốt 7 năm qua, nhiều người liên tục phản ánh khắp các nơi, chỉ mong di dời sân golf để giải quyết việc mở rộng sân bay, tránh kẹt xe như hiện nay.
Ông Đào Khắc Khởi cho rằng đất Bộ Quốc phòng bàn giao là vỉa hè đường Trường Chinh và chẳng giúp gì cho sân bay Tân Sơn Nhất giảm tải .
Đồng tình, ông Nguyễn Văn Diệp (80 tuổi; nguyên giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM) cho biết sẽ có ý kiến đến cùng, cho đến khi sân golf không còn tồn tại. "Cuộc đời tôi từng trải qua nhiều chiến trường, chịu nhiều vết thương nhưng không khi nào cảm thấy đau lòng như hiện nay, khi ngoài sân golf, nhiều sân bóng, sân tennis cũng lấn đất sân bay"- ông Diệp bức xúc.
Ông Sang (trái) và ông Khởi là những người từng giả làm người chạy xe ôm đột nhập sân golf Tân Sơn Nhất để ghi nhận hiện trạng 54 căn biệt thự.
Ông Phan Tương, nguyên giám đốc sân bay Tân Sơn Nhất, cho rằng đất quốc phòng phục vụ cho nhà nước và không được dùng làm sân golf như ở Việt Nam.
Thời ông còn làm lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất, hành lang và diện tích của sân bay rất rộng chứ không chật chội; bị nhà dân, cao ốc bủa vây như hiện nay.
Bình luận (0)