Không thiếu gì nhà xuất bản có uy tín ở Hà Nội sẵn sàng in tác phẩm của anh, tại sao tiểu thuyết Cõi người rung chuông tận thế lại được cấp giấy phép từ Nhà Xuất bản Đà Nẵng?
- Cuộc gặp gỡ giữa Nhà Xuất bản Đà Nẵng với tiểu thuyết của tôi có thể coi như cơ duyên. Tôi vẫn thích những nhà xuất bản có uy tín nhưng khiêm nhường đứng khuất. Từ cơ duyên này, từ nay tôi sẽ đặc biệt trân trọng gửi in ở những nhà xuất bản như vậy.
Thực ra, người ta “sẵn sàng in” chỉ là sẵn sàng với những gì ngòn ngọt xi rô. Còn sách của tôi đã có hơn mười nhà xuất bản ở Hà Nội lẫn TPHCM treo biển “xin miễn vào” suốt sáu năm qua. Nếu quả thực họ vẫn sẵn sàng thì tôi vẫn còn ba bản thảo đắp chiếu nằm chờ đã lâu đấy.
Một thời gian thấy Hồ Anh Thái chỉ viết về thanh niên sinh viên, một thời gian viết về Ấn Độ, rồi lại thấy xoay sang viết về trí thức công chức, dí dỏm hài hước, chua cay đau xót... Bây giờ với Cõi người rung chuông tận thế, anh lại đổi giọng, vừa chua xót vừa hư ảo, yêu thương căm hận bày tỏ tận cùng. Anh thích làm mới mình bằng cách đổi giọng vậy sao?
- Hiện thực và không gian nghệ thuật của mỗi cuốn sách đòi hỏi một cách xử lý riêng, một giọng điệu riêng, văn phong riêng. Tôi tránh lặp lại người khác và lặp lại chính mình. Tôi cho rằng người có phong cách chính là không khư khư bám lấy một phong cách cố định, bất biến. Có phong cách tức là phải đa giọng điệu, dù anh có đổi giọng đến thế nào thì vẫn là trên cái nền tảng văn hóa của anh, trên tầm nhìn của anh vào thế giới và nhân sinh mà thôi. Cho rằng thay đổi giọng điệu sẽ làm loãng phong cách của chính mình là một cách hiểu đơn giản và làm cho người sáng tạo lười biếng, ngại làm mới mình.
Không dày lắm, khoảng 260 trang nhưng đủ cả xấu tốt, mánh lới, hận thù, những cuộc đấu tranh sinh tử giữa Thiện và Ác, cảm động mà cũng rất hãi hùng. Anh đã bắt đầu Cõi người rung chuông tận thế bằng những ý tưởng như thế nào và kết thúc công việc trong bao lâu?
- Khúc cuối cùng trong Kinh Thánh Tân ước, Thánh Gioan báo trước cho đồ đệ về ngày phán xử cuối cùng, ngày cái ác tràn lan sẽ bị trừng phạt, ngày tận thế của cái ác. Nhiều năm gần đây, hình như không chỉ cõi người phẫn nộ với cái ác mà cả trời đất cũng nổi giận, thiên tai khắp nơi như lời cảnh báo con người đang hủy diệt môi trường, hủy hoại cuộc sống và tâm hồn nhau. Cũng nhiều năm rồi, tôi muốn viết một cuốn sách về ngày phán xử cái ác. Hận thù sinh ra hận thù trong một cái vòng luẩn quẩn, hận thù trong chiến tranh, trong thời bình, sang thời làm ăn kinh tế, hận thù ấy phải được hóa giải trong một nhãn quan yêu thương và bao dung. Đã đến lúc cõi người phải thanh lọc cho hết hận thù. Vẫn biết điều đó là không tưởng, nhưng là nhà văn, tôi phải mơ ước. Kẻo không, tiếng chuông cảnh báo đang điểm...
Điều này day trở trong tôi nhiều năm, cho đến mùa hè năm 1996, khi đã chín, tôi ngồi vào bàn viết liền mạch hơn một tháng trời, viết sau thời gian làm việc hàng ngày ở công sở.
Ba chương đầu cuốn tiểu thuyết là ba cái chết nối tiếp nhau, mỗi kẻ một kiểu chết thảm khốc. Rải rác trong tiểu thuyết là năm bảy mạng người. Cái ác phải bị truy kích quyết liệt như vậy sao? Còn có cách nào khác hay không?
- Kẻ làm ác ở đây bị tiêu diệt bằng chính điều ác mà chúng định gây ra cho người lương thiện, một thứ hình phạt tự thân. Nhưng cõi người cũng bao dung lắm. Bạn hãy để ý nhân vật chính, dọc theo cuốn sách là hành trình hướng thiện của anh ta cho đến khi trút bỏ được cái ác. Triết học Phật giáo không tin vào định mệnh: Kẻ làm ác vẫn còn cơ hội được giác ngộ, được đón nhận trở lại cõi người, chứ không phải bao giờ cũng bị trừng phạt.
Có một điều độc giả yêu văn anh dễ nhận thấy, đó là anh ít khi sử dụng phương pháp hiện thực thuần túy. Anh muốn lảng tránh, anh cảm thấy thoải mái khi được bay bổng trong bút pháp ấy hay còn lý do gì khác?
- Tôi quan niệm tiểu thuyết như một giấc mơ dài, gấp sách lại người ta vừa mừng rơn như vừa thoát khỏi một cơn ác mộng, lại vừa tiếc nuối vì phải chia tay với những điều mà đời thực không có. Nếu tôi chỉ dùng phương pháp hiện thực thuần túy thì sẽ không có được giấc mơ ấy đâu.
Trong văn của anh, lại là trong văn, tốt - xấu, giả dối - chân thật, yêu -ghét... đều rõ ràng. Vậy văn có phải là người không, trong trường hợp của anh?
- Tôi ghét nhất thói đạo đức giả. Với người không thân, tôi đều thành thực và thiện chí, dù luôn giữ khoảng cách để không quá gần gũi và suồng sã. Với người thực thân thì khác, bạn thân thì hiếm hoi lắm...
Xưa nay giới viết văn hiếm khi chọn một người tuổi bốn mươi ngồi vào ghế tổng thư ký hội. Bạn bè và đồng nghiệp nhìn anh ngồi trên chiếc ghế ấy ở Hội Nhà văn Hà Nội mà vẫn làm nghề ngoại giao, lại nghiên cứu văn hóa phương Đông nữa... Có điểm gì khác khi họ nhìn một nhà văn thuần túy?
- Hiếm có nhà văn thuần túy lắm, kể cả ở những nước có mức sống cao. Tôi đã học được cách sống bình thản trước mọi sự ở đời. Cách sống ấy quan tâm đến cách nhìn của mình với thế giới bên ngoài, chứ không bận tâm lắm xem bên ngoài nhìn mình ra sao.
Có vẻ như các văn nghệ sĩ ít khi phục tài nhau, ví dụ như năm nào cũng có một vài cuốn sách đọc được, nhưng chính giới chuyên môn các anh lại hô lên là chưa có tác phẩm “xứng tầm”?
- Không phải chỉ có giới văn nghệ sĩ đâu. Tôi biết tình trạng ấy còn nặng trong cả giới khoa học, giới kinh doanh nữa. Hình như một môi trường khó khăn trì trệ là mảnh đất tốt cho loại cỏ dại ghen ghét phát triển. Bảy chú lùn chắc chắn không thích chú lùn bên cạnh cao hơn mình, dù chỉ một phân. Trong 100 cuốn sách có vài ba cuốn hay, đó là một tỉ lệ hợp lý và lành mạnh. Và tôi thấy đó là những cuốn “xứng tầm”. Đừng có lây nhau cái luận điệu đố kỵ, lây cả từ những giới không cùng chuyên môn, mà nhai đi nhai lại rằng chưa có tác phẩm xứng tầm. Nói như thế thì thử nhìn sang các lĩnh vực khoa học, văn hóa, xã hội... cũng chưa có công trình xứng tầm hay sao?
Có người coi văn chương chỉ là một cuộc chơi, lúc nào hứng thì viết. Có nhà văn lại bảo viết là công việc, tự buộc mình phải ngồi vào bàn. Còn anh thì sao?
- Việc công sở bận rộn, nhưng mỗi ngày tôi phải đều đặn viết ít nhất hai giờ. Người viết chuyên nghiệp phải thế, ngồi vào bàn và anh phải có đủ kỹ năng để huy động cảm hứng. Chờ cảm hứng tự dẫn thân tới là một thái độ lao động nghiệp dư và có chút thần bí hóa nghề văn.
Số cây bút trẻ đến với văn chương không ít, nhưng chỉ vài ba năm là ai nấy đều có một nghề, không dính dáng mấy đến nghề văn nữa. Anh hãy cho những người viết trẻ một lời khuyên, thậm chí là một kinh nghiệm sống và viết...
- Kinh nghiệm của một người thường không mấy có ích với người khác. Hình như ở đây có chút gì đó giống như tình yêu. Cần một chút mê đắm, một chút thành thực là có tình yêu. Nhưng để nuôi dưỡng tình yêu ấy lâu bền thì cần có hiểu biết, cần sự từng trải nữa. Hiểu biết không nhất thiết chỉ từ sách vở, sự từng trải không nhất thiết là chỉ đắm chìm trong cái đời thường. Người viết văn có muôn vàn cách khác nhau để tự trang bị hành trang cho mình, có phải không nhỉ?
Bình luận (0)