Cuộc đình công của hơn 6.000 công nhân (CN) Công ty Sam Yang (huyện Củ Chi - TPHCM) xảy ra vào sáng 13-2 liên quan đến thực hiện chính sách mới về bảo hiểm xã hội (BHXH) là phần quy định về trợ cấp một lần (TCML). Phóng viên Báo Người Lao Động đã trao đổi với ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, và ông Cao Văn Sang, Phó Giám đốc BHXH TPHCM, nhằm thông tin pháp luật và kiến giải rõ hơn về vấn đề này.
Vì lợi ích lâu dài của xã hội và bản thân
. Phóng viên: Nhận định chung của ông về vấn đề và sự kiện vừa qua, khi cuộc đình công xảy ra với vấn đề không thuộc phạm vi quan hệ lao động trong doanh nghiệp (DN) và thẩm quyền giải quyết của giám đốc DN?
- Ông Mai Đức Chính: Nghị định (NĐ) 01/CP của Chính phủ ban hành ngày 9-1-2003 sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 12/CP ban hành kèm theo điều lệ BHXH trước đây có điều khoản sửa đổi điều 28 NĐ 12/CP, chỉ cho phép một số đối tượng, trường hợp được nhận TCML. Do đó, CN Công ty Sam Yang lo ngại quyền lợi bị ảnh hưởng. Tôi hết sức chia sẻ tâm trạng bức xúc của họ. Xuất phát điểm của vấn đề là NĐ 12/CP cho phép người lao động (NLĐ) khi thôi việc được lựa chọn một trong hai cách: Hoặc bảo lưu thời gian tham gia BHXH (sau này làm việc tiếp, đóng tiếp thì được cộng dồn) hoặc nhận TCML theo mức mỗi năm làm việc một tháng lương. Quy định trên áp dụng thực tế lại nảy sinh tình trạng quá nhiều người thôi việc xin nhận TCML, làm ảnh hưởng sự cân đối nguồn quỹ và mục đích an sinh xã hội của sự nghiệp BHXH. Giả sử trước đây các nhà thiết kế chính sách tiên lượng được tình hình, hạn chế nhận TCML, chắc chắn không xảy ra tình trạng NLĐ thắc mắc như hôm nay. Nếu trước khi ban hành NĐ 01/CP, các cơ quan chức năng của Nhà nước, tổ chức Công đoàn (CĐ) và hệ thống BHXH có tuyên truyền sâu rộng hơn, phân tích lợi hại của vấn đề, hẳn khi thấu hiểu, thấy được bản chất, ý nghĩa hẳn không xảy ra vụ việc vừa qua.
Cảm nhận của tôi khi cùng đại diện các cơ quan chức năng đến công ty vào sáng 13-2 là xảy ra cuộc đình công thật đáng tiếc. Bởi vì đây là vấn đề không liên quan gì đến quan hệ lao động trong DN và trách nhiệm của người sử dụng lao động. Nếu chưa thông hiểu, thì cách tốt nhất là báo cho ban chấp hành CĐ cơ sở để cùng tập hợp ý kiến kiến nghị lên cấp thẩm quyền. Tôi có nói với CN là đình công như vậy, dù kéo dài thêm bao lâu, người sử dụng lao động cũng không giải quyết được, trong lúc sản xuất đình trệ, CN không có việc làm, không có lương, đó là thiệt hại cho cả DN và NLĐ. Đình công như vậy là không nên, mà nên kiến nghị và cấp thẩm quyền điều chỉnh là Chính phủ và Quốc hội.
. Thực tế có những trường hợp cũng phải tính đến việc cho phép nhận TCML. LĐLĐ TPHCM khi góp ý xây dựng sửa đổi NĐ 12/CP cũng đã từng đề cập?
- Theo thiết kế hiện hành, khoản lo cho hưu trí, tử tuất (dài hạn, tạm gọi chung là hưu trí) là 15% lương tháng (5% còn lại dành cho các chế độ ngắn hạn). Mỗi năm, NLĐ đóng 180% (1,8 tháng lương) cho quỹ hưu trí (15% x 12) và khi thôi việc sau một năm được nhận TCML là một tháng lương, như vậy NLĐ nghỉ việc sẽ bị thiệt 0,8 tháng lương/năm nếu nhận TCML. Rõ ràng, nếu cho nhiều NLĐ nhận TCML thì Nhà nước có lợi, nhưng Nhà nước không vì khoản lợi đó nên cần hiểu hạn chế TCML nhằm để cho NLĐ được bảo đảm hơn về quyền lợi (được cộng dồn để sau này đủ điều kiện hưu trí). Nếu không hạn chế, cứ thấy lợi trước mắt nên nghỉ việc là nhận trợ cấp, số tiền không lớn, sau này thấy mọi người đều được hưu trí, mình không được thì lại tiếc. Cũng cần hiểu không cho nhận TCML là để bảo lưu, quyền lợi BHXH vẫn được bảo đảm. Bảo lưu BHXH cũng nhằm ổn định nguồn quỹ, phục vụ mục tiêu an sinh xã hội, phương châm nhiều người cùng đóng góp, cùng xã hội chăm sóc cho người rủi ro. Không ai muốn mình bị rủi ro, song qua rủi ro được nhiều người đóng góp chăm sóc cho, thật là đáng quý; cùng góp sức vào sự nghiệp an sinh xã hội là vậy.
Cũng có những trường hợp Nhà nước cần xem xét lại để có thể cho nhận TCML. Chẳng hạn người bị bệnh nan y, hoặc lao động nữ tuổi trên 40 mà thời gian tham gia BHXH còn ít, họ không thể bảo lưu, đóng tiếp để đủ điều kiện hưởng hưu trí; hoặc NLĐ lập gia đình, về quê (làm ruộng), không tham gia bất kỳ loại hình BHXH nào. Nếu chưa có đồng bộ chế độ BHXH tự nguyện hoặc BHXH cho nông dân, thì sau 5 năm không tham gia làm việc trong DN nữa, nên cho NLĐ trường hợp này nhận TCML.
Công nhân lo ngại quyền lợi thiệt thòi Cuộc đình công của CN Công ty Sam Yang khởi phát vào chiều P.Hồ |
NLĐ được lợi nhiều hơn khi hưu trí
. Ông có thể đưa ra vài thông số để NLĐ hiểu rõ hơn bản chất vấn đề và ý kiến của ông qua sự việc này?
- Ông Cao Văn Sang: Muốn hưởng hưu trí hẳn phải tích lũy trong quá trình làm việc, cứ nhận TCML liên tiếp sẽ khó được hưởng hưu trí. Mấy năm qua xu thế nhận TCML gia tăng đến mức đáng báo động (ba năm 2000, 2001, 2002 số người nghỉ nhận TCML tại BHXH TPHCM là 4.000, 54.000, 62.000 người) trong lúc đa số người nhận là lao động trẻ, quỹ thời gian để làm việc còn dài. Duy trì như cũ sẽ thiệt cho NLĐ và ảnh hưởng nguồn quỹ, làm lệch mục tiêu an sinh xã hội, do đó Chính phủ hạn chế nhận TCML.
Tôi đưa ra hai bài toán để tham khảo. Giả sử một người đóng BHXH đủ 30 năm và hưởng hưu trí. Mức đóng vào quỹ BHXH cho chế độ hưu trí là 30 năm x 12 tháng x 15% = 54 tháng lương. Khi hưởng hưu trí (tức là lấy ra từ quỹ BHXH), với mức 75% lương tháng, để lấy lại hết số đã đóng (54 tháng lương nói trên) chỉ mất 6 năm (72 tháng). Nhưng điều tra của Bộ LĐ-TB-XH cho biết bình quân người hưu trí hưởng lương hưu sau 10- 12 năm. Như vậy NLĐ có lợi hơn, chưa kể có thêm các khoản lợi khác, như được bảo hiểm y tế; lương tối thiểu tăng, lương hưu cũng tăng theo, khi chết được thêm chế độ tử tuất.
Trường hợp thứ hai, có 20 năm đóng BHXH, chỉ còn vài tháng nữa là về hưu, nếu không chờ hưu mà xin nghỉ nhận TCML, thì sẽ được nhận TCML về BHXH là 20 tháng lương và 10 tháng lương trợ cấp thôi việc (tính chung là 30 tháng lương), nhưng nếu chờ để hưởng hưu trí, mức hưởng 55% tháng lương, hưởng trong 12 năm, tính ra 55% x 12 tháng x 12 năm = 79,2 tháng lương.
Như vậy có thể để lại chờ hưu lợi hơn nhận TCML, khi thôi việc nên bảo lưu quá trình vào sổ, sau này đóng tiếp được cộng dồn, nên nghĩ đến quyền lợi lâu dài, bảo đảm về sau.
Bình luận (0)