xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khi chồng nắm “tay hòm chìa khóa”

Huỳnh Tài

Ngày nay, không ít đức lang quân giành lấy việc quản lý ngân quỹ gia đình. Nhưng để chi tiêu hợp lý và vừa lòng bà xã không phải là chuyện dễ

Trong bài “Tiền anh - tiền tôi- tiền của chúng ta”, tác giả Tố Trâm có nêu một ý: “Gặp người chồng nắm giữ và quyết định toàn bộ chi tiêu trong gia đình, người vợ thường cảm thấy khổ sở, thiếu tự tin do phải sống một cách thiếu thốn, mất đi sự thoải mái tự do. Vì thế, hình ảnh người đàn ông lý tưởng cũng dần mất đi trong mắt người vợ và tình yêu cũng theo đó mà lụi tàn”.

img
Thỏa thuận chi tiêu hợp lý sẽ góp phần làm cho gia đình luôn đầm ấm (ảnh chỉ mang tính chất minh họa)

Theo tôi, điều này chỉ đúng một nửa. Trường hợp đức ông chồng giành quyền quản lý chi tiêu trong gia đình cần phải xét ở 2 khía cạnh. Tôi đồng ý với “lời luận tội” giới mày râu của tác giả Tố Trâm (chắc là nữ (?)) trong trường hợp các bà vợ gặp phải những ông chồng có tính đa nghi, lòng dạ hẹp hòi... Thông thường quý ông có tính này lúc nào cũng sợ vợ mình tiêu pha, sắm sửa cho bản thân quá nhiều nên tìm cách giành lấy trách nhiệm thủ quỹ của gia đình. Không ít các ông chồng cho rằng vợ mình dùng tiền để “dấm dúi cho bên ngoại”. Sự ngờ vực này chính là một trong những nguyên nhân gây ra mâu thuẫn vợ chồng và nếu người vợ không phải là một phụ nữ biết chịu đựng và biết giải tỏa mâu thuẫn thì không bao giờ trong nhà im tiếng cãi vã. Người đàn ông giành quyền giữ tay hòm chìa khóa loại này vì không tin vợ và hay đẩy những nghi ngờ thành chụp mũ cho vợ cũng thường là người hay soi mói và xấu tính. Anh ta sẽ không làm những việc nếu cảm thấy không có lợi cho bản thân và rất sợ nhờ vả, yêu cầu giúp đỡ của họ hàng, bè bạn thân quen.

Thế nhưng trong trường hợp khác cũng nên cho giới mày râu chúng tôi có vài lời phân bua. Dĩ nhiên, đa phần mấy anh em chúng tôi đều rất hiểu việc tính toán chi tiêu hằng ngày rất nên thuộc về các bà vợ, thế nhưng vẫn có không ít các anh buộc lòng phải nhận trọng trách này, đó là do (trước khi nói ra lời thật mất lòng, xin cho phép người viết xin lỗi trước): Bản thân quý bà có khi lại là người vợ... đoảng (?!). Trong thực tế có những bà vợ rất dở trong việc cân đối chi tiêu hằng ngày. Thậm chí có không ít phụ nữ mắc “bệnh” ghiền mua sắm và cứ tung tiền vô tội vạ vào mấy món đồ một cách lãng phí, mỗi tuần đi siêu thị vài ba lần, khiến ngân sách gia đình luôn thâm hụt cho đến ngày... cạn kiệt! Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống gia đình. Ngay lập tức người đàn ông sẽ hiểu rằng vợ mình không có khả năng của một bà nội trợ chu đáo và dù không muốn thì anh ta vẫn phải gồng mình gánh thêm trách nhiệm của vợ. Gặp trường hợp này mong quý bà “bình tâm” mà đánh giá chồng mình là mẫu ông chồng thông minh và có trách nhiệm với gia đình, rất đáng nhận được sự cảm thông và chia sẻ, chứ đừng đi nói “lão nhà tôi có tánh... đàn bà” thì cũng tội! Tôi nghĩ rằng, một khi người đàn ông rơi vào hoàn cảnh này họ sẽ rất có kinh nghiệm và có đầu óc hạch toán chi tiêu rất hợp lý. Họ sẽ là một ông chồng biết thông cảm cho vợ và hiểu vợ vì một lý do nào đó, một đặc tính nào đó chưa hoàn hảo ở người phụ nữ mà gắng chăm sóc cho tổ ấm. Với những ông chồng đầy trách nhiệm như thế, thương vợ như thế, tin rằng rất hiếm xảy ra những cãi vã nhỏ nhặt về chuyện cơm áo gạo tiền.

Cuối cùng, rút kinh nghiệm bản thân, tôi cho rằng trong chi tiêu trong gia đình không nên có chuyện tiền anh, tiền tôi mà cách tốt nhất là áp dụng phương châm tiền của chúng ta là lý tưởng nhất! Nói cụ thể như tôi, tất cả tiền lương hằng tháng (kể cả... nhuận bút viết báo là nghề tay trái) đều nộp tất tần tật cho “vợ mình mừng”, nhưng “két” của bà xã thì luôn là “cánh cửa không bao giờ khóa”, có nghĩa là cần chi tiêu gì thì tôi cứ tự nhiên và ngược lại, cô ấy cũng vậy (tất nhiên tháng nào thấy hao quá bả cũng chất vấn chút đỉnh rồi... thôi – vì biết tính chồng!). Trong chi tiêu hai vợ chồng tôi đều có ý thức tiết kiệm, chi xài đúng chỗ, đúng lúc, đúng việc – cũng là cách chúng tôi nêu gương cho con mình.

Cần sự thông cảm, chia sẻ

Quản lý tiền bạc gia đình như thế nào là tốt nhất? Trả lời câu hỏi này không dễ, vì mỗi nhà mỗi cảnh và mỗi người mỗi cách ứng xử riêng. Thường người phụ nữ trong gia đình quản lý quỹ tài chính là tốt nhất, vì ngoài công việc trong xã hội như nam giới, họ còn trực tiếp lo việc nội trợ trong gia đình. Tuy nhiên, cũng có một số các bà, các cô đã không chu toàn nhiệm vụ của mình trong gia đình như: không biết liệu cơm gắp mắm, mua sắm hợp lý v.v... thậm chí còn bài bạc khiến ngân quỹ gia đình luôn thiếu hụt. Khi gặp những bà vợ như thế này, thường các ông chồng không tin tưởng và lo lắng khi để các bà giữ quỹ. Ngược lại, nếu ông chồng đòi nắm giữ tài chính, hằng ngày phát tiền cho vợ đi chợ cũng khó ổn, vì như đã nói ở trên, việc nội trợ phù hợp với người phụ nữ hơn. Cách tốt nhất là phải “đồng vợ, đồng chồng” sống có trách nhiệm với mọi thành viên trong gia đình, có sự hiểu biết cao, biết chia sẻ, thông cảm giữa vợ chồng với nhau. Khi hiểu đúng vấn đề, việc ai quản lý tài chính gia đình sẽ không khó giải quyết và đời sống gia đình mới luôn êm ấm, cho dù ngân quỹ gia đình có eo hẹp.

Quốc Cường

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo