xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Phong lưu chợ tình

Mạnh Duy

(NLĐO) - Mỗi lần dự phiên chợ tình là một lần tôi được thổn thức với những câu chuyện tình yêu, dù đó là huyền tích hay có thực.

“Người ơi xuống núi cùng em/ Nhớ đem theo ngựa và đi một mình/ Em đây tuy chẳng còn xinh/ Có ô che nắng chợ tình phong lưu”. Tôi nghe những câu thơ ấy lần đầu tiên ở chợ tình Khau Vai. Đêm đó, tôi thức trắng, lang thang khắp khu chợ để mìm cười với những đôi tình nhân dập dìu đi chơi chợ, để bật cười với những gã thất tình say rượu và cả bật khóc với những thân phận tình yêu nghiệt ngã.


Buổi tối tại chợ tình Khau Vai

Buổi tối tại chợ tình Khau Vai

Mùa xuân, thượng sơn chơi Chợ Tình

Có một điều kỳ lạ và trùng hợp là cả ba phiên chợ tình ở miền Bắc đều là những địa danh vùng cao. Sapa, thị trấn trong sương có khí hậu mùa hè cũng se lạnh còn mùa đông thì là nơi lạnh giá nhất nước. Khau Vai, mảnh đất của cao nguyên đá, của núi đá tai mèo nhọn hoắc và Mộc Châu, vùng thảo nguyên bạt ngàn cỏ hoa.

Sapa có lẽ là nơi không ai không biết, nơi từng có phiên chợ tình họp vào tối thứ bảy hằng tuần. Người ta bảo chợ tình Sapa có nguồn gốc lâu đời nhất nhưng đến giờ nó chỉ còn là tàn tích. Người đến Sapa hôm nay không còn thấy cái không khí chợ tình nữa. Thào A Phình, một chàng trai người H”Mông sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Sapa quanh năm mây phủ, làm hướng dẫn viên du lịch cho khách nước ngoài ở thị trấn du lịch Sapa. A Phình nói: “Ông bà và bố mẹ tôi kể lại, trước đây, chợ Sapa chỉ họp mỗi tuần một phiên vào thứ bảy. Người từ khắp các bản làng xa xôi về đây họp nhưng sau phiên chợ thì trời đã về chiều, mọi người không thể băng rừng về nhà. Thế là đêm đó, trai gái đi chợ tụ họp lại ở chợ, dần dần phiên chợ thành nơi họ tìm hiểu, hẹn hò nhau”.

Các chàng trai vùng cao đều mong tìm thấy tình yêu ở chợ tình

Các chàng trai vùng cao đều mong tìm thấy tình yêu ở chợ tình

Vài năm trở lại đây, người ta bắt đầu biết đến chợ tình Mộc Châu. Phiên chợ mỗi năm chỉ họp một lần từ chiều mùng 1 đến trưa mùng 2 tháng 9 là tan. Người H”Mông ở vùng Tây Bắc coi đây là dịp Tết của họ. Sau này, người dưới xuôi lên cao nguyên Mộc Châu sống và làm ăn nhiều, coi dịp này là Tết độc lập của người H’Mông ở Tây Bắc. Nhưng ý nghĩa nguyên thủy của ngày Tết này chính là ngày hội tình yêu. Người H’Mông có quan niệm kỳ lạ về Tết. Đó là thời gian để đi tìm tình yêu cho mình, tìm người bạn đời kết chuyện trăm năm.

Nếu như chợ tình Sapa bị du lịch và thương mại làm lu mờ, chợ tình Mộc Châu đánh mất ý nghĩa nguyên thủy của nó thì chợ tình Khau Vai vẫn giữ được gần như là trọn vẹn cả chất “chợ” và chất “tình”. 

Đến chợ tình để say

Ở chợ tình miền núi, rất dễ bắt gặp cảnh đàn ông say, thậm chí phụ nữ say. Người vùng cao nổi tiếng với tửu lượng rất cao, họ uống rượu ít khi say nhưng lại đặc biệt thích say trong các phiên chợ.

Cứ đến chợ phiên hằng tuần, đám đàn ông tụ họp để nâng chén. Hầu như ai về cũng ngật ngưỡng. 

Trong đám say ở chợ tình tất nhiên không thiếu những kẻ thất tình vì cả phiên chợ không tìm lấy được cho mình một mảnh tỉnh vắt vai. Ở chợ tình Khau Vai, một phiên chợ tình diễn ra giống hệt như diễn biến của một tình yêu, đi qua những thăng trầm, đỉnh cao rồi đến lúc tan chợ, ai cũng ra về với tâm trạng “chết trong lòng một ít”.

Từ chiều hôm trước phiên chợ, các chàng trai cô gái xúng xính áo quần xuống núi. Họ đến chợ với những nụ cười, tay bắt mặt mừng gặp nhau và như đã hẹn trước, mỗi người tìm một góc chợ để đợi người bạn của mình. Tâm trạng buổi tối hôm trước của phiên chợ tình rất lạ, giống như trước khi yêu - khấp khởi đấy nhưng cũng đầy âu lo, hồi hộp.

Buổi sáng tan chợ tình, mọi người ra về với tâm trạng nặng trĩu

Buổi sáng tan chợ tình, mọi người ra về với tâm trạng nặng trĩu

Không phải ai cũng gặp được người yêu cũ trong phiên chợ tình, thế nên thời điểm nửa đêm về sáng có nhiều kẻ tìm lại tình yêu trong men say của rượu. Họ uống rượu một mình rồi thiếp đi lúc nào không hay.

Không hiểu sao có một điều kỳ lạ, các phiên chợ tình đều diễn ra vào ban đêm như để các đôi lứa có thể bí mật với tình yêu của họ. Thế nên, nếu ai đến chợ tình mà chỉ đi đến 12 giờ đêm, bỏ phí thời điểm nửa đêm về sáng thì chưa hiểu hết về những góc cạnh thú vị nhất của chợ tình.

Một kẻ thất tình nằm say ở chợ tình

Một kẻ thất tình nằm say ở chợ tình

Đó là thời điểm tình yêu có sự “phân hoá” mạnh, kẻ gặp được bạn tình hay người yêu như đã chạm được “thiên đường”, còn những kẻ thất tình lại đến một thái cực khác, vực sâu của tuyệt vọng.

Tôi nhớ cố nhà thơ, nhà báo Trần Hoà Bình, người nổi tiếng với bài thơ Thêm Một từng được chọn vào tuyển tập thơ tình hay nhất Việt Nam, đã viết một bài thơ về chợ tình Khau Vai với những câu da diết: “Nếu một mai mình không lấy được nhau/Em có đi tìm anh/Qua điệp trùng đá sắc/Những Khau Vai bầm dập dấu chân người”.

img

Các cô gái người H’Mông diện quần áo đẹp đi chơi chợ tình

Có trải nghiệm với Khau Vai mới thấy những chiêm nghiệm của nhà thơ Trần Hoà Bình là có lý: “Những cuộc tình vụng dại/Những cuộc tình khôn ngoan/Đã sống và đã chết ở nơi này/Không khôn ngoan, không vụng dại”.

Hoá ra, làm gì có tình yêu khôn ngoan hay vụng dại. Cuối cùng, người ta luôn phải tự hỏi mình đã dám “chết” vì cuộc tình của mình hay chưa…

 

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo