xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tiền anh- tiền tôi- tiền chúng ta

Tố Trâm

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, mỗi gia đình là một kiểu quản lý tài chính riêng phù hợp với hoàn cảnh của mình. Mục đích cuối cùng là làm sao để chồng và vợ đều thấy thoải mái, tương lai con cái được bảo đảm.

Của chồng công vợ

Do quan niệm “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” nên phụ nữ thường nắm “tay hòm chìa khóa”. Người đàn ông Việt Nam có thói quen nộp toàn bộ tiền làm ra vào ngân quỹ gia đình, còn tính toán chi tiêu như thế nào để gia đình không thiếu thốn, phụng dưỡng tốt cha mẹ hai bên, giải quyết các mối quan hệ xã hội khác và có những khoản dự trữ cần thiết là do người phụ nữ. T

uy nhiên, cuộc sống không chỉ có cơm ăn, áo mặc là đủ, nhất là trong cuộc sống hiện đại. Ngoài gia đình, người đàn ông còn có những mối quan hệ ràng buộc khác như: bạn bè, bà con, đối tác công việc... Khoản tiền nhỏ nhoi mà vợ dằn túi cho chồng hằng ngày, hằng tuần liệu có thể đáp ứng những nhu cầu tối thiểu ấy? Nếu thông cảm và hiểu biết, người vợ sẽ dành một khoản tiền riêng hợp lý cho chồng, “hòa bình thế giới” nhờ thế có thể không bị ảnh hưởng.

Nhưng không phải người vợ nào cũng chịu hiểu cho chồng, không ít bà vợ tiền thu vào thì dễ mà khi chồng cần một khoản tiền nào đó ngoài tiêu chuẩn lại khó tựa như chuyện... hái sao trên trời. Anh chồng phải giải trình hết lẽ mà chưa chắc phu nhân của họ chịu chi! Đó là chưa kể có những bà vợ tính toán thật chi ly từng đồng tiền tiêu vặt của chồng, nếu phát hiện trong túi chồng dư ra khoản tiền khác là tịch thu ngay.

LTS: Tiền bạc rất quan trọng trong cuộc sống gia đình. Nhưng tiền bạc cũng là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến rắc rối trong quan hệ vợ chồng. Dù khá giả hay khó khăn về kinh tế, dường như gia đình nào cũng đã từng hoặc đang đối đầu với vấn đề tế nhị này. Nếu không cẩn thận trong việc quản lý tài chính gia đình dễ dẫn đến những nghi ngờ, xung đột làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Diễn đàn “Quản lý tài chính gia đình” mở ra với mục đích nhận diện xu hướng quản lý tài chính trong gia đình hiện nay

Anh T.T có người vợ rất chu đáo với chồng con. Cả hai vợ chồng đều đi làm và bận bịu như nhau, nhưng lúc nào quần áo, giày dép của anh cũng phẳng phiu, sạch sẽ; một ngày đầy đủ ba bữa ăn sáng, trưa, tối do vợ lo, họa hoằn lắm anh mới phải ăn cơm quán.

Có điều, mỗi lần cơ quan kêu gọi đóng góp khoản tiền đột xuất nào thì anh đều khất đến hôm sau vì trong túi anh luôn chỉ có đúng một tờ... 50.000 đồng. Bây giờ, anh thăng chức, lương cao hơn, giao tiếp cũng nhiều hơn, nghe đâu vợ anh đã duyệt chi cho anh nới tay hơn một chút nhưng vẫn nằm trong vùng phủ sóng của vợ (dư ra đồng nào là sung ngay vào công quỹ).

Bị kiểm soát khắt khe như thế không biết anh T.T có thực sự ngoan ngoãn nghe lời vợ hay không (“ai biết ma ăn cỗ” ?!), nhưng đa số các ông chồng rơi vào trường hợp đó đều có cách ứng phó thích hợp. Họ lập “quỹ đen”. Không phải để tiêu xài vào những chuyện ăn nhậu, chơi bời gì, chỉ đơn giản như anh K.L nói: “Nhiều khi cần vài trăm ngàn cho người bạn túng thiếu, người bà con nghèo ở quê ra mà phải giải thích này nọ với vợ thì mệt quá.

Bà ấy không nói ra nhưng chắc cũng khó chịu, ấm ức trong lòng”. Dĩ nhiên, các bà làm sao biết được chồng có “quỹ đen”? Mà lại có không ít người đàn ông rất tích cực gầy “quỹ đen”, như trường hợp ông C.V, giám đốc một công ty công trình đô thị ở TPHCM. Khi ông này bất ngờ bị đột quỵ qua đời, vợ ông phát hiện trong tủ làm việc của ông tại cơ quan có khoản quỹ đen lên đến hàng trăm triệu đồng!

Hồn ai nấy giữ, tiền ai nấy xài

Phụ nữ ngày nay cũng đi làm và không ít người trong số họ giữ vai trò then chốt trong nhiều lãnh vực, thu nhập của họ vì thế cũng rất cao. Bình đẳng trong công việc nên việc chi tiêu, thu nhập, quản lý tài chính cũng trở nên bình đẳng hơn. Xu hướng sở hữu, quản lý tài chính riêng đang ngày càng phổ biến. Giữa hai vợ chồng thường có sự thỏa thuận trước khi bước vào cuộc sống chung: Tiền lương và các khoản thu nhập riêng của ai người đó biết, gia đình bên ai người đó lo; còn với gia đình chung, ai làm ra tiền nhiều thì chịu những khoản chi tiêu lớn, người làm ít tiền hơn chi trả cho những khoản nhỏ hơn. Con cái cả hai cùng lo và có một khoản tích lũy cho tương lai.

Cũng có gia đình, vợ lo mọi chi tiêu, mua sắm cho tổ ấm chung, chồng nộp lại cho vợ tiền lương thưởng và giữ lại những khoản thu nhập khác để chi xài cá nhân, phụng dưỡng cha mẹ mình. Xem ra, xu hướng “tiền anh- tiền tôi” có phần thuận lợi, thoải mái đối với những gia đình trẻ mà vợ chồng có thu nhập gần bằng nhau. Tuy nhiên, đôi khi tiền bạc quá rạch ròi làm cho tình cảm vợ chồng ít nồng đượm, gắn bó, thiếu hẳn trách nhiệm, sự quan tâm, chăm sóc lẫn nhau.

Như trường hợp vợ chồng một nghệ sĩ khá nổi tiếng. Tiền chồng, chồng biết; tiền vợ, vợ hay. Thế cho nên, khi kẹt tiền, anh chồng mượn vợ mà chưa trả đúng hẹn thì cũng... giường ai nấy ngủ! Có lần, chồng muốn mua cây đàn mà không có đủ tiền, mượn vợ thì bị từ chối vì nợ trước vẫn chưa thanh toán xong, chẳng còn cách nào khác, anh phải đi vay mượn của bạn bè. Anh thường nói vui: “Tối ngủ ôm đống vàng nhưng túi nhiều khi rỗng tuếch”.

Và những kiểu quản lý tài chính khác

Nếu bản tính của phụ nữ thích tính toán chi ly thì cũng có không ít đàn ông có tính “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”. Gặp người chồng nắm giữ và quyết định toàn bộ chi tiêu trong gia đình, người vợ thường cảm thấy khổ sở, thiếu tự tin do phải sống một cách thiếu thốn, mất đi sự thoải mái tự do. Vì thế, hình ảnh người đàn ông lý tưởng cũng dần mất đi trong mắt người vợ và tình yêu cũng theo đó mà lụi tàn.

Cũng có trường hợp, tài chính gia đình không phải do chồng hay vợ quản lý mà do mẹ chồng đảm nhiệm. Quan điểm, tuổi tác, thói quen chi tiêu khác nhau dẫn đến những mâu thuẫn ngấm ngầm. Trong khi đó, tiền nong là chuyện tế nhị nên đối sách mà các bà hay chọn là im lặng hoặc chỉ nói bóng gió. Từ đó, gây nên sự hiểu lầm và chiến tranh tất yếu xảy ra.

Quản lý chi tiêu chỉ là một trong rất nhiều mối quan tâm khác của hai vợ chồng. Tuy vậy, nếu bất đồng quan điểm, bạn cần phải ngồi lại với nhau để tìm cách phân bổ ngân quỹ gia đình cho phù hợp. Nếu không, lỗ nhỏ vẫn có thể làm đắm con thuyền hạnh phúc.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo