xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

TÔI LÊN TIẾNG: Nỗi đau từ một vụ án

Hà Giang

(NLĐO) – Tiếng khóc của một đứa trẻ bị "bảo mẫu" bạo hành ắt không hề nhỏ, có ai nghe thấy không mà để bé phải ra đi mãi mãi?

TAND TP HCM sắp đưa "bảo mẫu" Nguyễn Thị Ngọc Phượng (SN 1991; quê tỉnh Bình Phước) ra xét xử về tội "Giết người". Thông tin trên Báo Người Lao Động lại thêm một lần nữa làm khơi dậy nỗi đau của tất cả những người lớn có lương tri khi không thể bảo vệ được những đứa trẻ ngây thơ, vô tội.

Phượng thuê nhà trọ ở phường Phú Mỹ, quận 7, TP HCM và mở điểm trông giữ trẻ "chui". Phượng không có chuyên môn gì về sư phạm mầm non nhưng dám rao nhận giữ trẻ từ 3 tháng tuổi. Và cũng có nhiều phụ huynh tin lời rao của Phượng, mang con đến gởi. Một trong những đứa trẻ ấy, sau khi ở với Phượng khoảng 40 ngày đã ra đi mãi mãi vì bị bạo hành đến chấn thương sọ não.

Bé gái tên H., được cha là anh T.H.Đ đưa đến gởi cho Phượng khi mới 17 tháng tuổi. Mẹ bỏ đi, cha chạy xe ôm, bé H. không ai chăm sóc nên đành phải chịu cảnh ở với "bảo mẫu" Phượng cả ngày lẫn đêm.

TÔI LÊN TIẾNG: Nỗi đau từ một vụ án- Ảnh 1.

Khu nhà trọ nơi bé H. ở cùng Phượng và bị bạo hành đến chết

Bé H. được đưa đến ở với Phượng từ ngày 25-9-2022 và đến ngày 8-11-2022 thì qua đời trong tình trạng hôn mê sâu, xuất huyết dưới màng cứng trán, sốc tim, phù phổi cấp; có nhiều vết bầm rải rác vùng mắt phải, má trái, hai vai...

Trong hơn 40 ngày/đêm cuối đời đó, bé H. bị đối xử như thế nào? Theo cáo trạng, Phượng có rất nhiều ngày đánh đập bé H. vì bé hay quấy khóc. Chính anh Đ. cũng có lần thấy trên người con những vết bầm tím…

Phượng thuê nhà trọ, nhận giữ cùng lúc 4-5 đứa trẻ, suốt 1 thời gian dài, nhưng chính quyền, đoàn thể ở phường Phú Mỹ, quận 7, không ai hay biết. Hoặc nếu có biết tại sao không nhắc nhở, cảnh báo, yêu cầu giải tán?

Tiếng khóc của 1 đứa trẻ, nhất là khi tiếng khóc đó xuất phát từ việc bạo hành thì ắt hẳn không hề nhỏ. Vậy hàng xóm của Phượng có nghe thấy không? Nếu Phượng không xót xa với bé H. thì những người lớn xung quanh em ở đâu mà không ai nhận biết để tố giác hành vi của Phượng?

Sự vô cảm của Phượng, sự thờ ơ của mọi người đã khiến 1 đứa trẻ phải ra đi mãi mãi.

Điều đáng nói là sự thờ ơ, vô cảm đó không cá biệt bởi bé H. không là nạn nhân duy nhất của những điểm giữ trẻ "chui". Cách đây không lâu là vụ 1 bé trai cũng 17 tháng tuổi bị 2 "bảo mẫu" của một điểm giữ trẻ tự phát ở Hà Nội bạo hành đến chết.

Hai bảo mẫu trong vụ việc trên là Nguyễn Thị An và Nguyễn Thị Lành lần lượt bị tuyên phạt mức án chung thân và 20 năm tù về tội "Giết người". Nguyễn Thị Ngọc Phượng rồi đây cũng phải trả giá cho hành vi của mình, nhưng mạng sống của 2 đứa trẻ và cả nỗi đau của người thân, làm sao bù đắp được?

Bộ Y tế nói chung và TP HCM đang kêu gọi và có chính sách khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con thứ 2. Cụ thể, Sở Y tế TP HCM đã có đề xuất ưu tiên hỗ trợ mua nhà ở xã hội cho những cặp vợ chồng đã sinh đủ 2 con.

Nhưng không ít cặp vợ chồng cho biết đối với họ, nhà cửa không quan trọng bằng việc sinh con rồi không biết gởi ở đâu để đi làm sau khi người vợ hết 6 tháng nghỉ hậu sản.

Ở các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội, dân cư đông đúc nhưng rất đông trong số đó là người nhập cư. Với họ, ở nhà thuê, không hộ khẩu, việc xin cho con vào học các trường mầm non công lập là chuyện không dễ dàng. Đối với 1 đứa trẻ 6 tháng tuổi thì việc đó càng khó khăn bội phần.

Biết được nhu cầu gởi con để đi làm, các điểm giữ trẻ tự phát mọc lên. Tất cả các phụ huynh đều biết gởi con cho các điểm giữ trẻ tự phát là không an toàn nhưng họ cũng không còn cách nào khác vì miếng cơm manh áo.

Câu nói dân gian "trời sinh voi sinh cỏ" không còn phù hợp với cuộc sống ngày nay. Một đứa trẻ sinh ra cần được chăm sóc tử tế thì mới có thể phát triển toàn diện và lớn lên thành người có ích cho xã hội. Điều đó khó mà có được khi những điểm giữ trẻ tự phát còn tồn tại một cách công khai, không ai giám sát.

Trong bối cảnh thiếu trường, thiếu lớp, các điểm giữ trẻ tự phát cũng góp phần "chia sẻ" nỗi lo gởi con của nhiều người. Nhưng để không xảy ra nạn bạo hành ở các điểm giữ trẻ này, các cơ quan quản lý nhà nước cần thường xuyên giám sát, kiểm tra, xử lý và có những khuyến cáo phù hợp khi phát hiện các điểm giữ trẻ có vấn đề.

Còn về lâu dài, nhà nước cần có chính sách toàn diện, ưu tiên đặc biệt cho giáo dục mầm non để làm sao cung đủ cầu.

Trẻ em là tương lai của đất nước, nếu chúng ta không bảo vệ được trẻ em thì tương lai đất nước đi về đâu?

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo