Đường danh vọng của tướng Al-Hazraji thăng tiến rất nhanh mà rơi cũng không chậm. Sự nghiệp của ông ta bắt đầu ở Moscow với chức tùy viên quân sự đại sứ quán Iraq. Sau đó, ông ta làm tư lệnh quân đoàn 1 rồi tư lệnh quân đoàn 5 hỗn hợp. Đỉnh cao trên bước đường quân sự của ông là chức tổng tham mưu trưởng quân đội. Sau đó ông bị cách chức một cách đáng xấu hổ. Số là trong chiến tranh “thu hồi” Kuwait năm 1990, ông được phân công vây bọc biên giới. Thế nhưng chẳng hiểu bằng cách nào mà ông hoàng Kuwait cùng toàn bộ hoàng gia trốn thoát được ra nước ngoài. Al-Hazraji không chỉ bị cách chức, lột lon, mà còn bị đẩy ra khỏi nhóm chóp bu thân cận nhất của TT Saddam Hussein. Theo một nguồn tin khác, Al-Hazraji bị thất sủng từ trước vì chơi thân với Bộ trưởng Quốc phòng Adnan Hairulla, em rể của TT Hussein. Năm 1989, Hairulla công khai chống lại cuộc tình của TT Iraq với cô người mẫu Samira Shacbander. Kết quả là cô người mẫu thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay trực thăng hết sức bí ẩn. Giới thạo tin ở Baghdad lập tức đồn đại rằng thủ phạm của vụ tai nạn máy bay nói trên là Al-Hazraji.
Al-Hazraji chỉ bắt đầu được nhắc đến như một chính khách vào năm 1996 khi Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tổ chức cho một nhóm sĩ quan cao cấp trong quân đội âm mưu đảo chính lật đổ TT Hussein. Mặc dù Al-Hazraji phủ nhận tham gia vào cuộc chơi phiêu lưu ấy, nhưng giới quân sự cao cấp Iraq vẫn nghi ngờ chính ông là người được CIA lựa chọn kế vị TT Hussein. Sau khi âm mưu đảo chính bại lộ, Al-Hazraji lập tức mang toàn bộ gia đình chạy sang tị nạn tại Jordan.
Tháng 7-1999, Al-Hazraji đưa vợ con sang Đan Mạch xin tị nạn chính trị. Chính quyền nước này từ chối cho Al-Hazraji được hưởng quy chế tị nạn chính trị nhưng đồng ý cho vợ con ông ta ở lại Đan Mạch. Al-Hazraji không bị trục xuất về nước chỉ vì luật pháp Đan Mạch không cho phép chia rẽ gia đình. Hiện tại, Al-Hazraji sống ở thành phố Sara, phố Frederiksbergevo, nhà số 40, dưới sự quản thúc của 30 cảnh sát Đan Mạch.
Thêm một chi tiết nữa: CIA đảm bảo khoan hồng cho những tướng lĩnh Iraq lưu vong nếu họ chịu cung cấp thông tin về nội bộ chính quyền Iraq. Cũng theo nguồn tin của Itogi, CIA đang gây áp lực với Đan Mạch đòi nước này phải để cho Al-Hazraji được tự do đi lại. Cách đây không lâu, một quan chức cao cấp của CIA đã tới thăm Al-Hazraji. Cái khó nhất của Mỹ lúc này là làm sao chứng minh cho toàn thế giới thấy rằng Al-Hazraji ấy là “sự lựa chọn dân chủ duy nhất của nhân dân Iraq”.
Kỳ tới: Những đồng minh khó tập hợp
Bình luận (0)