Viêm amiđan là một trong những bệnh viêm đường hô hấp trên, thường xảy ra khi trời trở lạnh hay thời tiết thay đổi đột ngột. Trong tháng 7 và tháng 8, mỗi ngày khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Nhi Ðồng 1 TPHCM tiếp nhận lượng bệnh nhân đến khám và cắt amiđan cao gấp 3 lần so với những tháng trước.
Khi bị viêm, amiđan trở thành ổ vi trùng
Giải thích về hiện tượng gia tăng viêm amiđan, bác sĩ Ðặng Hoàng Sơn, Trưởng khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Nhi Ðồng 1 cho biết đó là do những ngày qua thời tiết thay đổi, trời trở lạnh. Mặt khác hè là thời gian rảnh, những em học sinh có điều kiện để cha mẹ đưa đi trị bệnh. Amiđan khẩu cái còn gọi là hạch nhân nằm ngay eo họng (ngã tư đường ăn và đường thở), có vai trò tạo ra kháng thể được xem là tuyến đầu trong việc giúp cơ thể chống nhiễm khuẩn. Amiđan bảo vệ đường hô hấp trên, giữ vi trùng lại, lọc sạch không khí trước khi đưa xuống phổi. Vì thế amiđan rất dễ bị viêm, đặc biệt khi môi trường ngày càng có nhiều khói bụi.
Thông thường, khi viêm amiđan, bệnh nhân cảm thấy đau rát ở cổ, ho khan, khạc liên tục và kèm theo chứng hôi miệng. Bệnh kéo dài và rất dễ tái phát vì khi bị viêm, amiđan trở thành ổ vi trùng gây rất nhiều biến chứng. Viêm amiđan kéo dài làm trẻ chậm tăng trưởng, còi cọc, thường uể oải vì thế ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hàng ngày như kém năng động, dễ cáu gắt... Amiđan sưng to còn làm trẻ bỏ ăn, không nói được hoặc nói ngọng do cổ họng bị nghẽn. Nguy hiểm hơn, viêm amiđan còn có thể làm trẻ ngưng thở trong lúc ngủ. Do vòm họng của trẻ còn nhỏ nhưng amiđan khi viêm lại phì to và sa xuống sẽ bít kín eo họng làm trẻ không thở được. Ở nước ta, đa số cha mẹ có con bị đột tử trong lúc ngủ thường không nghĩ đến nguyên nhân này. Ngoài những biến chứng trên, nếu bệnh nhân bị viêm amiđan lâu nhưng không điều trị có thể gây thấp khớp, tổn thương các van tim dẫn đến suy tim và bệnh nhân sẽ không làm được việc nặng hay những hoạt động cần nhiều đến sức. Ngoài ra, viêm amiđan lâu không điều trị còn có thể bị viêm cầu thận cấp, khi đó bệnh nhân sẽ đi tiểu ra máu. Ðây là những biến chứng rất khó chữa, tuy nhiên cũng khó xảy ra.
Dao điện - kỹ thuật cắt amiđan hiện đại
Nếu bệnh nhân bị viêm amiđan nhưng đã điều trị bằng thuốc 3 lần trong một năm mà vẫn còn rát cổ, ho khạc kéo dài thì các bác sĩ sẽ nghĩ đến việc cắt bỏ “ổ vi trùng” này. Vì rất khó chữa khỏi hẳn nên hiện nay chủ trương chính trong điều trị amiđan là cắt bỏ bằng dao điện. Bác sĩ Ðặng Hoàng Sơn, cho biết: “Cắt amiđan bằng dao điện là kỹ thuật mới được áp dụng. Với kỹ thuật mới này các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng chỉ mất từ 8 - 10 phút để lấy đi hạch nhân ở eo họng, trong khi với phương pháp bóc tách cổ điển phải cần đến 60 phút. Cắt amiđan bằng dao điện còn có nhiều ưu điểm vì không gây đau, không chảy máu cũng như không gặp tai biến trong và sau khi mổ. Có thể nói đây là phương pháp phẫu thuật trắng. Ngoài ra bệnh nhân ít tốn thời gian để dưỡng bệnh hơn, không cần phải nằm lại viện sau khi cắt amiđan. Và chi phí cũng ít hơn, chỉ bằng ½ so với cắt amidan bằng phương pháp cổ điển”. Tuy nhiên, những người mắc bệnh rối loạn đông máu hay bất kỳ một bệnh mạn tính nào cần phải điều trị cho những bệnh đó ổn định trước khi áp dụng cách này. Bác sĩ Ðặng Hoàng Sơn lưu ý bệnh nhân không nên kiêng cữ nhiều sau khi cắt amiđan. Trong 10 - 15 ngày hậu phẫu, bệnh nhân chỉ cần giữ gìn trong việc ăn uống như ăn thức ăn lỏng, nguội, mềm; không được ăn đồ chua, cay, cứng, nóng. Quan điểm bệnh nhân không được nói trong thời gian hậu phẫu là sai lầm vì bác sĩ Ðặng Hoàng Sơn cho rằng nếu không nói thường xuyên sẽ làm cơ vùng họng bị cứng, đến lúc tập nói lại sẽ rất khó khăn. Việc nói năng bình thường giúp máu lưu thông tốt, không gây tai biến, không chảy máu, giúp vết thương mau lành hơn.
Bình luận (0)