xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Trái ngọt” giao thông

THU HỒNG, ảnh: ĐÔNG GIANG

2023 là năm sôi động của ngành giao thông TP HCM khi hàng loạt công trình cấp bách được khởi công, dần hiện thực hóa giấc mơ cho thành phố và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đó là công trình xây dựng đường Vành đai 3, nút giao An Phú, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, mở rộng Quốc lộ 50, cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên... Khi hoàn thành, các công trình không chỉ giúp kết nối vùng, tạo thêm sức bật để phát triển kinh tế - xã hội mà còn góp phần chỉnh trang đô thị trong khu vực.

“Trái ngọt” giao thông- Ảnh 1.

Vành đai - cửa ngõ rộng mở

Khởi công tháng 6-2023, dự án đường Vành đai 3 đi qua TP HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An được các địa phương theo sát tiến độ.

Tại TP HCM, cuối tháng 11-2023, đoàn khảo sát do Phó Chủ tịch UBND thành phố Bùi Xuân Cường dẫn đầu đã thực địa các khu tái định cư và công trường. Theo ghi nhận, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đang dần khép lại - đây là một trong những khâu quan trọng nhất của dự án.

Những công trường tại cầu Cây Xanh, cầu Xáng (huyện Củ Chi), đường Nguyễn Văn Bứa (huyện Hóc Môn) rầm rập tiếng xe cẩu, xe xúc, hàng chục công nhân chỉn chu cho từng công đoạn. Không khí công trường tất bật, những công nhân khi được hỏi đều bày tỏ niềm vui vì được góp sức cho đường Vành đai 3.

Ông Lê Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (gọi tắt là Ban Giao thông) - chủ đầu tư dự án, cho biết đến đầu tháng 1-2024, mặt bằng cho dự án được bàn giao 399,1 ha/410,4 ha (đạt 97,23%).

Về tiến độ giải ngân, theo ông Hùng, đến nay dự án thành phần 1 đạt 4.752/7.600 tỉ đồng (62,5%); dự án thành phần 2 giải ngân 10.288/14.751 tỉ đồng (69,7%). Có 10/14 gói thầu xây lắp chính đã khởi công.

"Về công tác tái định cư, các khu tái định cư ở huyện Hóc Môn, Củ Chi và TP Thủ Đức đã sẵn sàng, riêng huyện Bình Chánh đang gấp rút sửa chữa khu tái định cư Vĩnh Lộc để người dân an tâm vào sinh sống" - ông Hùng thông tin.

Có mặt cùng đoàn khảo sát, chúng tôi ghi nhận không khí vui tươi không chỉ hiện hữu ở công trường mà tại các khu tái định cư của các huyện Hóc Môn và Củ Chi, sự tươi mới hiển hiện khi nơi đây trở thành những điểm vui chơi công cộng cho người dân.

Ngoài Vành đai 3, dự án xây dựng nút giao An Phú (TP Thủ Đức) với tổng vốn đầu tư 3.408 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành vào dịp 30-4-2025 góp phần khơi thông cửa ngõ phía Đông thành phố. Công trình không chỉ giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông cho khu vực mà còn kết nối với đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, đường Lương Định Của, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Thị Định…, giúp tăng năng lực giao thông cho cảng Cát Lái, tăng tính liên kết giữa TP HCM với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, miền Trung.

“Trái ngọt” giao thông- Ảnh 2.

Ở cửa ngõ phía Tây thành phố, dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỉ đồng góp phần hình thành hệ thống mạng lưới giao thông liên vùng xuyên suốt, giúp giảm ùn tắc và tai nạn giao thông cho tuyến hiện hữu, kết nối giao thông thuận tiện giữa TP HCM và các tỉnh miền Tây.

Sau gần 1 năm thi công, dự án đạt khoảng 40% khối lượng với đoạn song hành, riêng đoạn hiện hữu đang được mời thầu. Theo chủ đầu tư dự án - Ban Giao thông, tin vui là cuối năm 2023, công trình được bàn giao 100% mặt bằng, tăng tốc về đích tháng 12-2024.

Tương tự, nút giao hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), khởi công năm 2020, kỳ vọng kéo giảm ùn tắc giao thông tại khu vực phía Nam thành phố. Sau nhiều khó khăn về công tác di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đến nay dự án đạt khoảng 42% khối lượng, khẩn trương hoàn thiện công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, sớm bàn giao mặt bằng để thi công hầm chui HC1 và HC2. Dự kiến hoàn thành thông xe nhánh hầm HC2 trước ngày 30-6-2024 và thông xe nhánh HC1 trước ngày 31-12-2024.

Xanh hóa những dòng kênh

Một trong những dự án được hàng triệu người dân thành phố kỳ vọng là cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (qua 7 quận, huyện), được khởi công tháng 2-2023, dự kiến hoàn thành dịp 30-4-2025.

Dự án có chiều dài tuyến gần 32 km, khi hoàn thành sẽ trở thành trục động lực phát triển phía Tây TP HCM. Không chỉ kết nối giao thông khu vực, giảm áp lực cho tuyến Quốc lộ 1 mà còn góp phần phát triển các tuyến giao thông thủy, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, du lịch giữa TP HCM và khu vực miền Tây, miền Đông. Mặt tích cực nhất của dự án là sẽ góp phần chỉnh trang đô thị, tạo thêm mảng xanh, cải thiện môi trường sống cho hàng triệu người dân.

Bày tỏ niềm vui, bà Phan Thị Mai (ngụ khu phố 3, phường 13, quận Gò Vấp) nói: "Thấy công nhân tất bật trên công trường, người dân nơi đây rất vui vì tin rằng một ngày không xa, dòng kênh đen trước nhà sẽ thay da đổi thịt. Ngày nào chúng tôi cũng ra công trường ngắm nghía và vui vẻ cho công nhân câu nhờ điện, nước để vận hành máy móc khi cần".

Về tiến độ thi công, ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc quản lý dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên thuộc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, cho biết sau 10 tháng xây dựng, đến thời điểm hiện tại, đã giải ngân 100% vốn được giao trong năm 2023 theo kế hoạch, với 2.049 tỉ đồng. Công trình đã hoàn thành 37,6% khối lượng kè bờ kênh, 16% khối lượng cọc

bê-tông ly tâm cũng như các hạng mục lắp đặt hào kỹ thuật, ống nước các loại…

"Từ nay đến năm 2024, các nhà thầu sẽ tập trung hoàn thành những hạng mục công trình trên, cùng với đó là hệ thống thoát nước và hệ thống chiếu sáng toàn tuyến. Nếu mọi việc suôn sẻ, toàn bộ dự án sẽ hoàn thành vào dịp lễ 30-4-2025" - ông Tùng khẳng định.

Đô thị thông minh, hiện đại, bền vững

Bày tỏ niềm vui và sự tự hào, TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP HCM, nhận định những năm qua, TP HCM đã có nhiều chuyển biến rất rõ về hạ tầng giao thông và hạ tầng môi trường khi hàng loạt dự án được khởi động. Đây là những nỗ lực của chính quyền thành phố trong nhiều thời kỳ, góp phần mang lại bản sắc của một đô thị thông minh, hiện đại và bền vững.

“Trái ngọt” giao thông- Ảnh 3.

Đoạn đường Mỹ Phước - Tân Vạn, qua địa bàn TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương hiện hữu trùng với đường Vành đai 3 TP HCM Ảnh: Thảo Nguyễn

"Các công trình như cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ cải thiện môi trường nước bị ô nhiễm hàng thập kỷ qua mà còn góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân, tăng mảng xanh cho thành phố. Cùng với đó, hàng loạt công trình như xây dựng Quốc lộ 50, nút giao An Phú, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, Vành đai 3… sẽ khơi thông các cửa ngõ của TP HCM, kết nối các tỉnh, thành Đông Nam Bộ, tạo nên hạ tầng kiến trúc đô thị bền vững" - TS Phạm Viết Thuận nhấn mạnh.

Theo ông Thuận, khi các công trình hoàn thành, chắc chắn TP HCM sẽ mang một vẻ đẹp rất khác, cùng với việc triển khai Nghị quyết 98, thành phố xứng vai là địa phương dẫn đầu cả nước trong phát triển kinh tế - xã hội, mang lại niềm tự hào cho người dân thành phố.

Gắn bó và tâm huyết với sự phát triển đô thị của TP HCM, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng những dự án đang triển khai tại thành phố có ý nghĩa rất lớn cho sự phát triển bền vững đô thị trong thời gian tới. Trong giai đoạn hậu dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế gặp nhiều khó khăn, nguồn vốn ngân sách có hạn nhưng chính quyền thành phố đã nỗ lực khởi công hàng loạt công trình, đó là tín hiệu tốt.

"Không chỉ là những dự án giao thông liên kết vùng như Vành đai 3, nút giao An Phú, hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ… mà thành phố còn chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông khu vực sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, giải tỏa áp lực cho cảng Cát Lái. Song song đó, việc cải tạo môi trường, mỹ quan đô thị, tạo khoảng xanh cho thành phố cũng được quan tâm qua dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên" - kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nhận định.

Là chủ đầu tư của hàng loạt dự án giao thông trọng điểm, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông, cho biết 2023 là năm khởi đầu và chuẩn bị cho những điều mới mẻ, chưa có tiền lệ đối với ngành giao thông thành phố khi áp dụng những cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98. Hứa hẹn năm 2024-2025 sẽ bội thu những trái ngọt đầu mùa khi nhiều công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng. "Những công trình này mở ra giai đoạn mới cho TP HCM, lần đầu tiên hệ thống hạ tầng giao thông dần được hiện thực hóa theo quy hoạch. Ngoài ra, TP HCM đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2040 và ngành giao thông đề xuất đưa vào quy hoạch những tuyến đường trên cao, đường sắt nối dài, không chỉ 200 km metro mà có thể là 300 km…, tạo tiền đề phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới" - ông Phúc thông tin.

Tuyến metro số 1: Sẵn sàng khai thác thương mại

Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TP HCM - chủ đầu tư tuyến metro số 1 - thông tin mốc tiến độ đưa tuyến này khai thác thương mại vào tháng 7-2024.

Đến nay, tuyến metro số 1 đã đạt tổng khối lượng 96%, các nhà thầu và tư vấn đang tập trung hoàn thiện các phần việc còn lại. Trước đó, 17 đoàn tàu đã chạy thử toàn tuyến, lộ trình dài gần 40 km. Đây là cột mốc quan trọng cho 10 năm chờ đợi.

Về tiến độ, công tác thi công và lắp đặt cơ bản hoàn thành trong năm 2023. Năm 2024, dự án vẫn còn một số hạng mục cần thực hiện như xây dựng cầu vượt bộ hành trên cao, đánh giá an toàn hệ thống và đào tạo nhân viên vận hành.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo