xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trào lưu làm việc kiểu "digital nomad"

Bài và ảnh: TRUNG NAM

Họ di chuyển khám phá nhiều vùng miền nhưng vẫn làm việc thông qua máy tính, điện thoại có kết nối internet để trang trải chi phí

Hơn 5 tháng ở Măng Đen (tỉnh Kon Tum), 3 tháng ở đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận), 6 tháng ở Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) và chuẩn bị cho chuyến ra đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) vào mùa hè này. Đó là những mốc thời gian đáng nhớ của Lê Thị Mỹ Phương (26 tuổi, quê Thanh Hóa), một cô gái trẻ thuộc type "du mục kỹ thuật số" (digital nomad).

Thỏa ước mơ trải nghiệm

Phương cho biết đã đi làm sớm và tích lũy tài chính từ cuối năm 3 đại học. Thay vì làm tại văn phòng, cô đề xuất được làm tự do để có điều kiện sáng tạo nội dung (vì công ty chuyên về mảng du lịch). Được sự đồng ý của lãnh đạo công ty, Phương trở thành thủ lĩnh nhóm 3 người phiêu bạt khắp nơi. Làm việc trong môi trường mở, năng động và thu nhập cao nên Phương thỏa ước mơ trải nghiệm tại những điểm du lịch nổi tiếng, nhất là các đảo của Việt Nam.

Mỹ Xuân (bìa trái) và Kiến Quốc (bìa phải) dành một năm rưỡi xuyên Việt làm dân “du mục kỹ thuật số”

Mỹ Xuân (bìa trái) và Kiến Quốc (bìa phải) dành một năm rưỡi xuyên Việt làm dân “du mục kỹ thuật số”

"Được đến nhiều địa phương có những địa danh du lịch và hòa mình vào đời sống, văn hóa, ẩm thực… rất đáng nhớ. Nhiều nơi chúng tôi đến đều có thời gian lưu trú vượt xa mục tiêu ban đầu vì ở đó rất nhiều thứ để làm" - Phương bày tỏ. 

Dự định về chuyến đi đảo Cồn Cỏ 2 tuần sắp tới, Phương cho hay sẽ dành phần lớn thời gian để viết về hòn đảo xinh đẹp này. Theo Phương, điều quan trọng nhất mà một "digital nomad" cần có là sức khỏe đủ tốt, tài chính vững và đam mê xê dịch. Nhưng phải tự kỷ luật mình để hoàn thành công việc được giao, bên cạnh làm nhiều video cho các nền tảng mạng xã hội để tăng nguồn thu nhập.

Mỹ Xuân (28 tuổi, quê Trà Vinh) và Kiến Quốc (25 tuổi, quê Tây Ninh) đặt mục tiêu đi khắp Việt Nam trước 30 tuổi. Cặp đôi này làm freelancer (tự do) vào năm 2020. Thấy công việc thuận lợi, lại cùng đam mê xê dịch nên cả hai quyết định trở thành digital nomad. Quốc cho rằng khi sống một thời gian như dân bản địa, chắc chắn sẽ có nhiều góc nhìn mới và thú vị hơn là chỉ làm khách du lịch. Tuy cũng gặp nhiều khó khăn trong những chuyến đi nhưng cả hai luôn tìm cách vượt qua. Xuân cho biết kỷ luật là 2 từ quan trọng nếu chọn làm "du mục kỹ thuật số".

Còn Robin Van Wyk (TikToker Bisko, 27 tuổi, người Nam Phi) đã rong ruổi khắp các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên để khám phá văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam. Robin vừa đi vừa làm video đăng lên YouTube, TikTok, Instagram và nhận được sự tương tác rất lớn từ bạn bè quốc tế và cả ở Việt Nam. "Có lẽ tôi sẽ còn nhiều thời gian ở đây, bởi đất nước và con người Việt Nam rất tuyệt vời" - Robin nói.

Việt Nam: Điểm đến ưa thích

Chuyên trang du lịch toàn cầu Travel off Path (Mỹ) mới đây đưa ra nhận định Việt Nam đang là điểm đến của dân "du mục kỹ thuật số". Travel off Path nêu 4 lý do khiến Việt Nam là điểm đến yêu thích, đó là: thuận tiện về visa, những điểm đến hấp dẫn, chi phí sinh hoạt thấp, người dân địa phương thân thiện.

Theo Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội (Social Life), những năm gần đây nước ta ghi nhận một bộ phận người ngoại quốc sau khi về hưu chọn lối sống làm chuyên gia trực tuyến và đi du lịch Việt Nam. Nhất là sau đại dịch COVID-19, số lượng dân "du mục kỹ thuật số" đến Việt Nam ngày càng đông. Thống kê của Digital Nomad Report, thế giới hiện có hơn 35 triệu người chọn lối sống "du mục kỹ thuật số". Vì số lượng tăng nhanh, dần trở nên phổ biến nên đã có 52 quốc gia cấp thị thực dành riêng cho họ với thời hạn từ 6 tháng đến 10 năm.

Việt Nam là một trong những điểm đến ưa thích của cộng đồng "du mục kỹ thuật số". Phân tích cơ sở dữ liệu về những người làm việc từ xa trên toàn thế giới, mới đây các chuyên gia tại Nomad List đã công bố 10 điểm đến có lượng "digital nomad" tăng trưởng nhanh nhất 2023. Trong đó, TP Đà Nẵng, TP Hà Nội và TP HCM lần lượt xếp thứ 2, 7 và 9 trong danh sách này. 

Ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Công ty TNHH TM-DV Thiện Mekong Travel, cho rằng "du mục kỹ thuật số" là xu hướng dành cho những người yêu thích du lịch và khám phá thế giới. Với sự phát triển của công nghệ, ngày càng nhiều công việc dành cho dân "du mục kỹ thuật số". Điều này mở ra cơ hội cho những ai muốn thoát khỏi sự gò bó trong văn phòng và trải nghiệm cuộc sống thú vị. Theo ông Thiện, những công việc phù hợp cho dân "du mục kỹ thuật số" là viết blog, sách, báo, bài quảng cáo; thiết kế đồ họa, website, hình ảnh; tham gia các dự án cộng đồng...

Ông Thiện đánh giá sau Work from home (làm việc từ xa), thì "du mục kỹ thuật số" là bước tiếp theo của mô hình làm việc linh hoạt trong bối cảnh thị trường lao động thay đổi liên tục. Điều quan trọng trong xu hướng mới này là giữa doanh nghiệp và người lao động phải có độ tin tưởng, trách nhiệm cao. 

Tuy nhiên, đây vẫn là nhóm lao động không có giao ước hợp đồng nên cũng rất rủi ro. "Hãy xem digital nomad là trải nghiệm ngắn hạn để phát triển bản thân, mở rộng tầm nhìn, tích lũy kinh nghiệm sống. Từ đó vạch ra hướng đi tốt hơn cho sự nghiệp bền vững hơn" - ông Thiện nhắn nhủ. 


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo