Cú “đột phá khẩu” của Ban Tư vấn chiếu sáng
Ai cũng thấy hiện nay số học sinh - ngay từ các lớp tiểu học - đã phải mang kính cận khá nhiều. Nguyên nhân của hiện tượng này đã được nêu lên không ít: Bàn ghế không đủ tiêu chuẩn, các cháu quá say mê với trò chơi điện tử hoặc đọc những cuốn truyện tranh in chữ nhỏ li ti và những hình vẽ rối mắt... Tuy nhiên, một nguyên nhân quan trọng và khá phổ biến là lớp học của các cháu không đủ ánh sáng cần thiết, kể cả các lớp học ban ngày chứ chưa nói gì đến những lớp “ca ba” hoặc học thêm vào buổi tối. Những ngày mưa gió hoặc giá rét (đặc biệt ở các tỉnh miền Bắc), phải đóng cửa ra vào và các cửa sổ cho các cháu, tình trạng ánh sáng sẽ còn thê thảm hơn.
Nhiều cuộc hội thảo, hội nghị gồm cả các nhà khoa học ở Viện Vật lý, Khoa học Công nghệ, Bộ và Sở Giáo dục - Đào tạo... đã được tổ chức để tìm cách tháo gỡ, nhưng có một khó khăn muôn thuở, đó là kinh phí. Muốn đủ ánh sáng thì ai cũng biết là phải mắc thêm đèn, phải trả thêm tiền điện... nhưng lấy đâu ra tiền? Các thầy, cô giáo tâm huyết với nghề biết rất rõ chuyện ánh sáng cần thiết như thế nào cho đôi mắt trẻ thơ, nhưng vấp ngay cái “thủ tục đầu tiên” là “tiền đâu” ?!
Rất may là trong lúc bế tắc, đã có một đơn vị đứng ra tình nguyện “mở đột phá khẩu”: Lập một Ban Tư vấn chiếu sáng gồm đầy đủ kỹ sư, công nhân kỹ thuật, đến các trường học “xin” lắp đặt thiết bị chiếu sáng hợp lý và tiết kiệm, trước hết là lắp đặt ở một lớp mẫu và tặng các cháu, nghĩa là hoàn toàn miễn phí, kể cả tiền công.
Thầy và trò khát khao ánh sáng
Mới nghe thì tưởng chuyện đơn giản, bởi muốn sáng hơn thì lắp thêm bóng đèn chứ có gì đâu mà phức tạp? Nhưng “nói vậy chứ không phải vậy”, có tiếp xúc với những người trực tiếp đi khảo sát và thiết kế, mới thấy cái rắc rối của kỹ thuật! Các lớp học hiện nay thường là mắc bóng đèn ống trên tường, 6 đèn không đủ sáng thì lắp thêm thành 8 đèn, 10 đèn... và “cứ thế mà làm”. Tuy nhiên, các kỹ sư của đơn vị đã phải đến tận nơi đo đạc diện tích phòng (lớp học), tính toán thiết kế có bài bản hẳn hoi: đèn treo cách đầu của các cháu bao nhiêu, dùng bóng đèn loại tiết kiệm (trong nghề gọi là “bóng đèn gầy”), chóa đèn (máng đỡ) loại gì, chấn lưu loại nào... để vừa hợp lý, vừa tiết kiệm. Nhờ lắp đặt đồng bộ như vậy, nên cũng số bóng như cũ nhưng độ chiếu sáng tăng được 20% và tiết kiệm điện được 10% (số liệu này đã được Viện Vật lý kiểm tra và công nhận). Tuy nhiên, điều đáng nói là số lượng bóng đèn cần lắp lại giảm gần một nửa mà độ sáng lại khá lý tưởng: Tại một lớp học ở Hà Nội trước đây lắp 7 bóng đèn ống và đặt máy ở bàn học sinh đo được 150 lux. Nay giảm đi còn 4 bóng, nhưng độ sáng nâng lên 300 lux. Các thầy cô và học sinh đã... vỗ tay reo lên vì từ nay có đủ ánh sáng, lại giảm được tiền điện (mà yếu tố này mới là quan trọng!).
Đã có 38 trường cải thiện hệ thống chiếu sáng
Cho đến hôm nay, đơn vị đã tặng 30 phòng mẫu như vậy ở 30 trường của các địa phương: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thái Nguyên, Vinh, Khánh Hòa... kể cả các trường ở vùng xa, hẻo lánh. Được “nhìn tận mắt” nên nhiều trường đã quyết định nhanh chóng: Xin lắp đặt cho tất cả các lớp (bởi các cháu học sinh đã “thắc mắc” một cách đáng yêu và hợp lý: “Tại sao lớp nọ sáng thế mà lớp mình thì tối thui?”). Hiện số trường được lắp đặt thiết bị chiếu sáng hợp lý và tiết kiệm đã lên tới 38 trường, với 119 phòng học ở 21 tỉnh và thành phố. Không chỉ lắp đặt mà điều đáng quý là đơn vị còn bảo hành 6 tháng cho nhà trường: Một cái đèn chưa sáng đúng độ, một cái chấn lưu bị kêu... chỉ cần gọi điện thoại là có người đến sửa ngay miễn phí.
Mỗi phụ huynh chỉ góp 20.000 - 25.000 đồng là đủ
Những trường hợp lắp đặt cho tất cả các lớp, đơn vị này cũng quyết định: Thiết bị và vật liệu được bán theo giá gốc (giá thành xuất xưởng) chứ không “lấy lời” từ các cháu. Bởi toàn đơn vị đều nhất trí rằng đây là một công tác xã hội, một việc làm “vì đôi mắt trẻ thơ”, không ai được phép tính toán lời lỗ. Đơn vị vốn có truyền thống về công tác xã hội, đã từng được Nhà nước tặng Huân chương Lao động riêng về thành tích này.
Xin nói ngay "giá cả" để các ban giám hiệu đỡ phân vân: Một lớp học như vậy tốn chừng 1,2 triệu đồng. Mỗi lớp có khoảng trên dưới 50 cháu học sinh, gia đình mỗi cháu góp 20.000 đến 25.000 đồng là “thừa sức” đem lại ánh sáng cho các cháu - mà không phải “động” đến kinh phí, ngân sách của bộ.
Bình luận (0)