Theo giới chuyên môn của lĩnh vực ĐTDĐ: Đầu tiên dịch vụ nâng cấp ĐTDĐ chỉ là các dịch vụ đơn giản như cài những giai điệu của bài hát để tạo tiếng chuông cho máy, cài hình ảnh các nhân vật yêu thích, gắn thêm đèn báo sóng dành cho các loại ĐTDĐ có ăng-ten ngầm, màn hình ba chiều để tránh người bên cạnh thấy được số điện thoại gọi đến và thông tin của tin nhắn. Nhưng càng ngày dịch vụ này càng trở nên phong phú hơn như việc nâng cấp được thực hiện bằng cách thay hình dáng bên ngoài hoặc thay các linh phụ kiện bên trong, tuy nhiên không thay đổi được chức năng chuẩn của ĐTDĐ. Trong các loại ĐTDĐ thì các máy ĐTDĐ của Motorola là khó nâng cấp nhất, máy Siemens chỉ nâng cấp được phần nhạc, ngược lại ĐTDĐ Nokia là dễ tân trang nhất. Từ một máy 8210 có thể thay đổi thành máy 8250 bằng cách thay đèn màn hình màu xanh lá cây của máy 8210 thành đèn màu xanh dương của máy 8250. Từ máy 8250 lại có thể nâng cấp thành máy 8850 với thao tác thay đèn màn hình từ màu xanh dương chuyển thành màu trắng và thay bàn phím trượt. Có những loại máy mới chưa xuất hiện chính thức tại Việt Nam những cũng đã được lên đời bằng cách thay vỏ máy và bàn phím. Nếu tân trang máy bằng cách thay bàn phím sẽ xuất hiện hiện tượng thay đổi các nút nhấn phím và mất đi một số chức năng chuẩn. Mỗi máy có thể thay đèn màn hình hoặc thay thêm đèn bàn phím từ 6 đến 12 bóng đèn... Có 4 màu đèn hình như đỏ, xanh dương, trắng, xanh lá cây để thay theo mỗi đời máy, nhưng thu hút khách hàng nhất vẫn là máy 8210 lên đời thành máy 8250 có màn hình xanh dương. Giá thay mỗi bóng khoảng từ 15.000 đồng đến 20.000 đồng. Nếu tân trang hoàn chỉnh một máy giá khoảng từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng.
Coi chừng ĐTDĐ nâng cấp bán thành ĐTDĐ mới
Điều đáng lưu ý là mặc dù dịch vụ nâng cấp ĐTDĐ được nhiều khách hàng ưa thích, nhưng các hãng ĐTDĐ lại không khuyến khích việc thay đổi hình thức bằng cách can thiệp vào bo mạch máy. Ông Nguyễn Hợp Kỳ, trưởng tiếp thị của Công ty Đông Nam – nhà phân phối chính thức của Nokia, Panasonic, Motorola, cho biết: Mỗi loại máy đều đã có linh kiện hoàn thiện, chỉ cần một thao tác nhỏ cũng có thể làm ảnh hưởng chất lượng của máy. Vì vậy, cần hạn chế tối đa kể cả việc mở máy ra và thay các linh kiện không phải của chính máy, nhất là những nhân viên kỹ thuật không chuyên nghiệp. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tất cả các trung tâm chăm sóc khách hàng của các hãng ĐTDĐ đều không mở dịch vụ này.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn vẫn là từ các dịch vụ tân trang này đã xuất hiện một số trường hợp mua phải ĐTDĐ “lên đời”. Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng đã nhận được khiếu nại của khách hàng Nguyễn Xuân Oanh, ngụ tại 8/12A Lê Văn Thọ, quận Gò Vấp - TPHCM. Bà mua một máy ĐTDĐ giá 6,5 triệu đồng, sau khi sử dụng một thời gian thấy máy bị trục trặc nhiều lần, bà liền đem đi sửa tại một cửa hàng quen. Tại đây, nhân viên kỹ thuật cho bà biết đây là máy 8210 giá chỉ khoảng 3 triệu đồng những được thay vỏ và lên đời thành máy 8310, mà thực chất loại vỏ này chỉ mới được nhập ngoài luồng, ngay máy xách tay hay của chính hãng cũng chưa có tại thị trường Việt Nam.
Bình luận (0)