xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trứ danh rồng thời Nguyễn

TS. PHAN THANH HẢI - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế

Trời lập xuân, những cành mai vàng trước Đại nội Huế đua nở khoe sắc. Trước Ngọ Môn - cổng chính vào Hoàng thành, nhiều du khách nước ngoài thích thú ngắm nghía những con rồng đắp nổi trên nóc.

Từ cung đình đến dân gian

Hình tượng rồng chẳng hề xa lạ với người Việt, nhất là trong nghệ thuật truyền thống. Linh vật này là một trong những biểu tượng văn hóa quan trọng bậc nhất, gắn liền với nguồn gốc ra đời của dân tộc Việt - "con Rồng cháu Tiên".

Hơn ngàn năm trước, rồng đã xuất hiện ở cung điện thời Đinh, Tiền Lê. Đầu thời Lý, việc vua Thái Tổ tìm đến và xây dựng kinh đô mới của nước Đại Việt cũng gắn liền với hình ảnh rồng bay lên. Tên gọi Thăng Long bắt nguồn từ đó.

Trứ danh rồng thời Nguyễn- Ảnh 1.

Vào thời Lý, Trần, hình tượng rồng xuất hiện nhiều nơi và mang đặc trưng riêng, dễ phân biệt. Rồng thời Lý thon dài, không vảy, gọi là "rồng giun", kỳ thực chưa thoát khỏi hình tượng rắn. Rồng thời Trần to khỏe hơn, có vảy, cách thể hiện phóng khoáng, mạnh mẽ. Nhiều tác phẩm điêu khắc trên đá, phù điêu gốm hình tượng rồng thời Lý, Trần được tìm thấy đều là kiệt phẩm.

Từ thời Hậu Lê về sau, hình tượng rồng được thể hiện ngày càng phong phú cả về hình dáng lẫn chất liệu. Không chỉ thon dài như rắn, rồng còn được thể hiện với nhiều dạng khác nhau, song điểm dễ nhận ra là chiếc mũi to và vẻ uy nghi, mạnh mẽ khác hẳn các thời trước.

Trứ danh rồng thời Nguyễn- Ảnh 2.

Rồng dần dần thoát khỏi chốn cung đình để phổ biến trong nghệ thuật dân gian. Còn trong hoàng cung, rồng đã trở thành biểu trưng của quyền lực tối thượng. Những tác phẩm điêu khắc rồng đá ở cung điện thời Lê tại Lam Kinh, điện Kính Thiên trong Hoàng thành Thăng Long đều là tuyệt phẩm của nghệ nhân Việt thời kỳ này. Ngày nay, chúng đã được công nhận là bảo vật quốc gia.

Sinh động mà oai nghiêm

Có thể nói rằng tới thời Nguyễn, hình tượng rồng mới đạt đến sự phong phú tối đa về đề tài, chất liệu lẫn phương thức thể hiện.

Đứng đầu trong tứ linh (long, lân, quy, phượng), rồng thường được thể hiện với dáng vẻ uy nghi, mạnh mẽ trong chốn cung đình. Còn trong nghệ thuật dân gian, rồng lại có nhiều biến thể lạ, đôi khi hài hước, vui nhộn.

Trứ danh rồng thời Nguyễn- Ảnh 3.

Linh vật rồng đúng chuẩn phải là sự hội tụ đầy đủ các đặc điểm được cho là tiêu biểu nhất của 9 con vật có thật: Thân rắn, vảy cá chép, đầu lạc đà, sừng hươu, chân hổ, móng vuốt đại bàng, tai trâu, mũi - bờm sư tử, đuôi gà trống. Nếu là rồng tượng trưng cho hoàng đế thì thân phải có 81 vảy dương, 36 vảy âm; thân uốn 9 khúc, chân đủ 5 móng.

Thiếu các yếu tố trên, rồng không còn là linh vật đích thực nữa mà là những biến thể, được xem là "em út, con cháu" của rồng. Những biến thể này thường được dùng tượng trưng cho hoàng tử, hoàng thân, quan lại; hay đơn giản chỉ dùng để trang trí như mãng long, giao long, long mã…

Trứ danh rồng thời Nguyễn- Ảnh 4.

Đến nay, nhiều tác phẩm nghệ thuật gắn liền với hình tượng rồng thời Nguyễn vẫn được bảo tồn. Trên những chiếc ấn báu của hoàng gia hay những chiếc bình phong, trấn phong… bằng chất liệu vàng bạc, rồng được điêu khắc rất tinh xảo. Rồng được tạc thành núm ấn với nhiều kiểu dáng như uốn khúc, ngồi xổm, nằm sấp, nằm ngửa…, dù sinh động nhưng vẫn đầy oai nghiêm. Trong đó, tiêu biểu là hình tượng "rồng đoanh" uốn khúc oai vệ trên chiếc ấn Hoàng đế Chi bảo vừa hồi hương.

Cuối hành trình tham quan Hoàng thành Huế, du khách thường được giới thiệu 9 cửu đỉnh đặt trước tòa Thế miếu. Trong đó, Cao đỉnh được vua Minh Mạng cho đúc từ năm 1835, đặt chính giữa và cao hơn 8 chiếc đỉnh còn lại. Đây được xem là kiệt tác đặc trưng nhất về hình tượng rồng khắc trên chất liệu đồng thời Nguyễn.

Trứ danh rồng thời Nguyễn- Ảnh 5.

Đó là hình tượng "phi long tại thiên" với khí thế hiên ngang, ung dung tự tại giữa mây lành. Thân rồng lẫn vào mây, chỉ lộ rõ đầu, đuôi và bàn chân 5 móng vuốt. Cao đỉnh là chiếc đỉnh đồng lớn nhất, nặng hơn 2,6 tấn, ứng với gian thờ vua Gia Long - người sáng lập triều Nguyễn - ở tòa Thế miếu.

Tại các di tích nhà Nguyễn, trên chất liệu đá, rồng thường được tạc thành khối riêng hoặc dạng phù điêu, trang trí hai bên bậc cấp lối đi, trên bình phong hay bia đá quan trọng ở lăng tẩm. Những đôi rồng điêu khắc trên bình phong lăng Thiên Thọ Hữu (Thuận Thiên Cao hoàng hậu, vợ vua Gia Long) hay lăng Hiếu Đông (Tá Thiên Nhân hoàng hậu, vợ vua Minh Mạng) được xem là đạt đến vẻ đẹp kinh điển. Rồng chầu hai bên thành bậc cung điện, lăng tẩm thường được thể hiện trườn từ trên cao xuống, thân uốn nhiều khúc, đầu ngẩng cao, mắt nhìn thẳng.

Trứ danh rồng thời Nguyễn- Ảnh 6.

Trên nóc mái cung điện, rồng đắp vữa gắn sành sứ rất phổ biến. Cung điện càng quan trọng thì rồng trang trí càng nhiều, kích thước càng lớn. Tiêu biểu là nóc mái Ngọ Môn và điện Thái Hòa - nơi có ngai vàng nhà vua. Nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật nhận xét đứng ở phía nào của điện Thái Hòa cũng đều thấy hình ảnh 9 con rồng đang bay lượn trên nóc mái, khiến công trình trở nên nhẹ nhàng, thanh thoát.

Kiệt phẩm ở điện Long An

Điện Long An là một trong những công trình kiến trúc cung đình đẹp nhất Việt Nam tồn tại đến nay.

Ngôi điện này được xây dựng năm 1845 dưới thời vua Thiệu Trị (1841-1847), là một trong những di tích được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới từ năm 1993. Đây là công trình mang phong cách kiến trúc cung đình Huế theo kiểu nhà kép (trùng thiềm điệp ốc), được trang trí rất tinh xảo.

Trứ danh rồng thời Nguyễn- Ảnh 7.

Từ khi điện Thái Hòa hạ giải trùng tu thì chiếc ngai vàng và bức bửu tán che bên trên được di dời sang điện Long An để bảo quản, phục vụ du khách. Bảo vật quốc gia này thể hiện sự tinh tế của hình tượng rồng trên chất liệu gỗ.

Tuy nhiên, đạt đến trình độ nghệ thuật cao nhất phải là các bộ vì nóc chạm nguyên khối hình rồng ở điện Long An. Đó là những bức gỗ lim rất lớn được chạm lộng vô cùng khéo léo hình rồng lẫn trong mây nước, đầu đội đòn tay nóc, 4 chân vươn ra đỡ các đòn tay bên. Theo nhiều nhà nghiên cứu, đây là những kiệt phẩm của nghệ thuật điêu khắc gỗ Việt Nam thế kỷ 19.

Trứ danh rồng thời Nguyễn- Ảnh 8.

Rồng thời Nguyễn còn được thể hiện trên nhiều chất liệu khác, như đồ vải, sơn mài, sơn thếp vàng bạc, ngọc, ngà, xương, pháp lam, gốm sứ… Hình tượng rồng ngày càng phong phú, đặc sắc và trở nên quen thuộc bởi linh vật này đã trở thành một biểu tượng tiêu biểu, nổi bật, đặc trưng của văn hóa Việt ở thời Nguyễn.

Du khách tham quan lăng Khải Định ở xã Thủy Bằng, TP Huế đều không khỏi trầm trồ về sự nguy nga của di tích này. Ở điện Khải Thành, gian chính giữa có bức "Cửu long ẩn vân" vô cùng đẹp mắt và sinh động. Nhiều du khách rất thích thú khi nghe hướng dẫn viên giới thiệu về kiệt tác này.

Đây là tác phẩm do "đệ nhất xảo thủ" Phan Văn Tánh, một nghệ nhân cung đình nổi tiếng, thực hiện. Tương truyền, khi ông đang vẽ bức tranh này thì gặp lúc vua Khải Định đến khảo sát công trình. Để châm chọc, ông kẹp bút vào chân vẽ, cố tình cho nhà vua trông thấy. Vua rất giận dữ khi thấy nghệ nhân vẽ rồng (tượng trưng cho hoàng đế) bằng chân nhưng vẫn không thể làm gì được ông!


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo