Nên viết nhiều những kinh nghiệm thực tiễn
Nhiều đại biểu đều nhất trí rằng, thời quan qua, kể cả lúc tăng 6 kỳ/tuần, Báo Người Lao Động vẫn mang được hơi thở của cuộc sống, nhất là việc bảo vệ quyền lợi của người lao động. Ông Phạm Ngọc Đoàn, Chủ tịch LĐLĐ quận Gò Vấp, nói: “Trang Quyền và nghĩa vụ rất thiết thực với CNVC-LĐ, là tài liệu “gối đầu nằm” đối với cán bộ CĐ. Nhiều người cắt ra đóng thành tập. Ngay cả chúng tôi cũng phải đọc kỹ, trước khi tiếp CN-LĐ, kể cả khi giải quyết tranh chấp lao động”. Ông Cao Văn Phần, Chủ tịch LĐLĐ huyện Bình Chánh, cho biết trên địa bàn huyện Bình Chánh trước đây tìm mua tờ Báo Người Lao Động không dễ, thì nay sáng sớm đã thấy bày ở các sạp. Ông Phần nói: “Đợt bầu cử ĐBQH vừa rồi, 2 cán bộ CĐ của ta đều trúng cử, điều đó cho thấy uy tín của tổ chức CĐ, trong đó có uy tín của tờ Báo Người Lao Động. Nhưng Báo Người Lao Động cần đi sâu vào cơ sở hơn, viết cho được những kinh nghiệm thực tiễn của các CĐ cơ sở”. Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch LĐLĐ quận 2, cho rằng những ý kiến góp ý trên đều chính xác, song Báo Người Lao Động phải đa dạng hóa nội dung hướng tới công chúng rộng rãi hơn thì mới đáp ứng được lòng kỳ vọng của bạn đọc trước sự nghiệp đổi mới đất nước.
Chú ý đến vùng đô thị hóa
Ông Lê Đăng Hoành, Trưởng Ban Cán sự GD-ĐT, đòi hỏi: Báo Người Lao Động nên tiếp cận nhiều hơn, sâu hơn khối trường ĐH, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, dạy nghề. Nơi đây là những “lò” đào tạo nguồn nhân lực, nhân tài cho đất nước. Báo Người Lao Động phải làm được cầu nối giữa những “lò” này với các nhà máy, xí nghiệp; được vậy mới xứng đáng là “bạn đồng hành với đời sống, việc làm của bạn”. CĐ ở các nơi này hoạt động rất mạnh, rất có hiệu quả”. Ông Trương Lâm Danh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra LĐLĐ TP, nói thêm: “Báo ta chưa đề cập nhiều đến đội ngũ nông dân. Hướng tới, Ban Biên Tập nên xem lại làm sao để người đọc thấy được sự liên minh “công - nông - trí” trên mặt báo là thành công”. Theo ông Phan Văn Cường, Chủ tịch LĐLĐ quận 9, qua cuộc vận động bầu cử vừa rồi cho thấy Báo Người Lao Động có nhiều người đọc và nhiều người ủng hộ. Ông Cường nói: Theo tôi, Báo Người Lao Động nên chú ý đến những địa phương trên đường đô thị hóa nhanh, phản ánh trung thực cái được cái mất ở vùng đất này, hướng người lao động bước vào đời sống của thị dân; chú ý hướng nghiệp đội ngũ lao động mới, lao động nhập cư, kể cả việc góp phần hỗ trợ cho đội ngũ lao động này được học hành và có chỗ ở ổn định”. Bà Mai Thị Bích Vân, Trưởng Ban Nữ công LĐLĐ TP, khẳng định thời gian qua Báo Người Lao Động bằng biện pháp nghiệp vụ đã nhuần nhuyễn hóa luật pháp đến người lao động. Bà Bích Vân đề nghị, báo nên quan tâm hơn đến những hoạt động của lao động nữ, tuyên truyền nhiều hơn về những hoạt động công đoàn, nhất là những gương người tốt việc tốt để khơi gợi tính thiện, tính nhân văn trong mỗi con người trước những phức tạp của đời thường.
Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP, cho rằng từ khi báo tăng kỳ, tin có nhiều hơn, mở rộng hơn; đã có nhiều cố gắng phục vụ bạn đọc, phục vụ nhiệm vụ chính trị của tổ chức CĐ.
Bình luận (0)