Thế là chàng xin nàng được trở về thăm quê một lần. Giáng Hương đồng ý, gạt nước mắt tiễn Từ Thức ra đi. Nhưng, Từ Thức đâu biết rằng, một ngày ở tiên giới là bằng mấy chục năm ở trần gian, cho nên khi chàng về quê thì cảnh cũ, người xưa thay đổi hết, không còn ai biết đến mình. Buồn quá, Từ Thức tìm đường quay lại nhưng lối xưa đã lạc dấu, chàng đi mà không biết đi về đâu... Câu chuyện ấy như thực như mơ, mối tình ấy cũng như mơ, như thực; cũng chẳng biết Từ Thức có gặp nàng Giáng Hương thật không hay trước sau vẫn chỉ là một giấc mộng?
Anh Đ.G (23 tuổi, sinh viên ĐH KHXH-NV TPHCM) trả lời: “Mình cho là mộng. Từ Thức là mộng mà Giáng Hương cũng là mộng. Nhưng, nên nhớ rằng, câu chuyện với cái kết rất buồn đó dường như để đưa ra cho chúng ta một “bài học” rất thực tiễn là: “Dù thế nào cũng hãy quay trở về thực tế, sống với thế giới thực tại của mình, đừng luôn ở trong trạng thái lơ lửng...”. Không biết lập luận của anh Đ.G có vẻ tỉnh táo quá chăng? Nhưng, trong thực tế, khi con người ta bắt đầu thực hiện “phép” tình yêu thì cũng có nghĩa đồng thời họ đã thực hiện việc “tìm người trong mộng”. Nói cụ thể hơn về vấn đề này, chị B.V (27 tuổi, sinh viên ĐH Mỹ thuật TPHCM) cho biết: “Nói là “tìm người trong mộng”, nhưng thực chất là đặt ra những tiêu chuẩn cụ thể. Lấy bản thân mình làm ví dụ nhé. Mình rất thích người đàn ông tuổi trung niên, nhưng thân thể phải tráng kiện, phải biết chơi đàn guitar, biết chế biến vài món ăn “độc” khi gặp mặt bạn bè v.v... Nói chung, người ấy phải vừa thực tế vừa có chút nghệ sĩ...”.
Đồng sàng, dị mộng.- Tại các trung tâm tư vấn về tình yêu, hôn nhân, hằng ngày có không ít người đến để được nghe các “chiêu thức” làm thế nào tìm được người bạn đời tâm đầu ý hợp. Việc tìm người để cùng “xe tơ, kết tóc” ấy thật ra cũng chẳng khác là mấy so với việc “tìm người trong mộng”. Nhưng, các chuyên gia tâm lý cho biết: “Ngày nay có quá nhiều người tuy nói là “tìm người trong mộng” nhưng luôn đặt ra những điều kiện rất thực dụng. Chẳng hạn, có cô gái xinh đẹp muốn “người trong mộng của em dứt khoát phải có nhà lầu, xe hơi, còn không em không chịu...”.
Chị T.A (32 tuổi, kế toán) kể: “Thời sinh viên, khi biết yêu mình đã “loại” ra nhiều đối tượng để đưa vào “chung kết” hai người, cả hai đều tốt và yêu mình lắm, nhưng một người tính tình dịu dàng, còn người kia hơi nóng nảy. Mà, mình thì không thích ai “nặng nhẹ” với mình cả. Buổi chiều hôm đó, khi mình cùng hai anh bạn làm xong luận văn tốt nghiệp, lấy xe để đến nhà thầy nhờ đọc lần cuối.
Mộng dưới hoa: Chưa gặp em, tôi vẫn nghĩ rằng: Có người thiếu nữ đẹp như trăng Mắt xanh là bóng dừa hoang dại Thăm thẳm nhìn tôi không nói năng... Đinh Hùng
Nhưng, mình đã bỏ chìa khóa xe đâu mất. Anh bạn nóng tính tìm không ra thì làu bàu, rồi bất ngờ rầy mình là không cẩn thận. Còn anh bạn kia thì cứ im lặng tìm. Cuối cùng anh bạn nóng tính là người tìm ra chìa khóa xe nhưng mình đã không nói cảm ơn anh ấy, trái lại ngay lúc đó mình quyết định chọn người “dịu dàng” kia... Mãi cho đến bây giờ, mình mới hiểu không phải cứ dịu dàng mới là tình yêu mà tình yêu nhiều khi còn giông tố. Mình biết, anh bạn kia vẫn lặng lẽ yêu mình mà không lấy vợ, còn chồng mình thì đã thay lòng đổi dạ quá nhiều...”.
Như vậy, với nhiều trường hợp việc “tìm người trong mộng” hóa ra lại trở thành “đồng sàng, dị mộng”. Nhưng, cuộc sống sẽ tẻ nhạt biết bao nếu như khi yêu nhau mà người ta không biết đi “tìm người trong mộng”. Chỉ mong, chúng ta nên biết xây dựng mộng đẹp chứ đừng hoang tưởng và xa lạ với chính con người của mình.
Bình luận (0)