Năm 1990, bằng tài năng và thái độ nghiêm túc, Nguyễn Thành Trung đã chứng minh cho sự trong sạch của mình. Ông được chuyển qua bay cho hàng không dân dụng VN. Như một phi công bẩm sinh, Nguyễn Thành Trung bay loại máy bay TU rất nhanh, vượt tất cả những khoa mục dành cho một phi công chính thức một cách xuất sắc. Sau đó, ông nhận bay nhiệm vụ chở khách trên mọi tuyến đường, bay chuyên cơ chở các vị lãnh đạo nước ta công du các nước.
Người Úc kinh ngạc
Năm 1993, ngành hàng không dân dụng VN phát triển mạnh mẽ, cần loại máy bay mới cho những tuyến đường quốc tế. Nguyễn Thành Trung được cử đi Úc học loại máy bay mới, Boeing 767, cùng Nguyễn Đức Bình, phi công thuộc Trung đoàn bay 919. Từ tháng 5 đến tháng 8-1993, ông đã hoàn thành chương trình bay một cách ngoạn mục. Người Úc hết sức kinh ngạc. Đến khi họ biết Nguyễn Thành Trung là viên phi công đã tấn công Dinh Độc Lập và ném bom phi trường Tân Sơn Nhất mùa xuân năm 1975, họ càng khâm phục ông. Nhiều người còn bảo rằng, ông là một người VN có thể so sánh với bất kỳ phi công thượng hạng nào trên thế giới.
Ngay trong năm 1993, Nguyễn Thành Trung được bầu làm Đội trưởng Đội bay Boeing 767 đầu tiên của ngành hàng không dân dụng VN. Một năm sau, ngày 22-12-1994, Nguyễn Thành Trung được Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.
Điều mà tôi muốn nhấn mạnh trong bài viết này chưa phải là việc Nguyễn Thành Trung đã đấu tranh để tồn tại và khẳng định vị thế của một người sĩ quan tình báo khi gặp những thử thách, dằn vặt, đau khổ. Quan trọng hơn, sau khi được tuyên dương anh hùng, bằng tài năng và ý chí, ông đã liên tục chinh phục những đỉnh cao của ngành hàng không VN, tiếp tục thể hiện phẩm chất tuyệt vời của mình trên cương vị mới. Tôi muốn nói đến Nguyễn Thành Trung với loại máy bay Boeing 777 mà ngành hàng không VN đã có hôm nay.
Người Mỹ hoan nghênh
Boeing 777 là loại máy bay thế hệ mới nhất trên thế giới, loại sau cùng của Boeing cho đến nay được đưa ra để kinh doanh. So với Boeing 767, Boeing 777 có trên 20% cải tiến, với động cơ mạnh hơn, tốc độ nhanh hơn, tầm bay cao hơn, chở nhiều khách hơn... Điều bắt buộc là phải học nếu muốn sử dụng máy bay, học cách xử lý những hỏng hóc, cách vận hành và phi công phải bay chuyển loại (bay làm quen). Nguyễn Thành Trung được chọn đi Mỹ để học. Dường như cho đến bấy giờ, chẳng còn ai lo ngại về sự trung thành của ông. Ông đã chở các nhà lãnh đạo đi thăm nước Mỹ và các tổ chức quốc tế có trụ sở tại nước này nhiều lần.
Lần này, Nguyễn Thành Trung đến Mỹ với tư cách một học viên. Người Mỹ từng biết đến viên trung úy phi công Nguyễn Thành Trung phản chiến vào mùa xuân năm 1975. Còn bây giờ, họ biết ông là một đại tá Việt Cộng, một phi công siêu đẳng. Họ cũng thừa biết Nguyễn Thành Trung là một Anh hùng Lực lượng Vũ trang của VN. Tại TP Seatle, bang Washington, Tập đoàn phó và Giám đốc xưởng Boeing nồng nhiệt đón tiếp ông: “Hoan nghênh ông đã trở lại nước Mỹ. Chỉ cần ông ở đây, mọi việc đã xong”. Cần nhớ, cũng viên tập đoàn phó này trước đó 1 ngày đã tuyên bố sẽ phạt VN rất nặng vì tới giờ G vẫn không đáp ứng đầy đủ những điều ghi trong hợp đồng.
Người Mỹ không ngạc nhiên khi Nguyễn Thành Trung học nhanh, đạt tiến độ khá. Có điều, Nguyễn Thành Trung vừa học, vừa bay thử chiếc Boeing 777 đã làm họ ngạc nhiên, bởi phi công bay thử và phi công bay vận chuyển hành khách là hai ngạch khác nhau. Nhưng Nguyễn Thành Trung đã bay rất tốt.
Sau hai tháng học tập ở Mỹ, Nguyễn Thành Trung đã bay chiếc Boeing 777 chúng ta thuê về nước. Chiếc máy bay màu xanh, có bông sen vàng ở đuôi, thân, động cơ, cánh và cờ Tổ quốc ở đuôi, hạ cánh xuống sân bay Nội Bài- một cuộc hành trình vượt nửa vòng trái đất kiêu hãnh, dù phải chịu một luồng getstreme (luồng khí do trái đất quay tạo nên) Tây- Đông. Luồng getstreme cực kỳ lớn của trái đất cũng chỉ như một làn gió ngược, không sao ngăn cản bước nhảy thần kỳ đưa Nguyễn Thành Trung và chiếc máy bay hiện đại từ Mỹ trở về, góp phần làm giàu cho Tổ quốc.
Thời khắc lịch sử Tôi nhớ lại những ngày tháng 4 này cách đây 32 năm, nhớ thời khắc thiếu tá Huỳnh Công Anh, người chỉ huy phi đội 3 chiếc F-5E, giơ 4 ngón tay trái (nghĩa là HEFO- dầu, điện, khói và ôxy tốt), rồi vỗ lên trán báo hiệu cất cánh. Nguyễn Thành Trung nghe số 1 báo cáo Xin phép cất cánh và tiếng của đài chỉ huy Thần hổ 41 được phép cất cánh, rồi số 1 giơ ngón tay cái. Cả 2 chiếc F-5E báo hiệu máy bay tốt, cất cánh. Trung giơ bàn tay 2 ngón phía trước, 2 ngón phía sau co lại (báo hiệu hư điện), đồng thời giơ ngón tay cái lên chỉ ngược về phía sau, báo cho số 1 biết sẽ quay về. Đúng giây thứ 10 sau khi số 1 cất cánh, Trung tăng ga tối đa, thả phanh. Chiếc F-5E chở viên trung úy lao lên bầu trời nhắm hướng Dinh Độc Lập, kéo cao và bổ nhào ném 4 quả bom MK-81 trúng đích. |
Bình luận (0)