xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vai trò của Mỹ

THẢO HƯƠNG

Cuộc “đảo chính mềm” ở Honduras cách đây 3 tháng có dính líu gì đến Mỹ? Washington tuyên bố Mỹ vô can nhưng nhiều nhà phân tích nghi ngờ chuyện đó mặc dù trên diễn đàn quốc tế, Tổng thống Obama chính thức kêu gọi Honduras “tôn trọng các tiêu chí dân chủ và luật pháp”. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khẳng định chỉ công nhận tổng thống dân cử Manuel Zelaya

Lịch sử châu Mỹ La Tinh cho thấy Mỹ từng ủng hộ nhiều cuộc đảo chính và các chính quyền quân sự trong thời kỳ chiến tranh lạnh “nhằm ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản”. Nhưng lần này, Tổng thống Obama phản đối cuộc đảo chính ở Honduras khiến nhiều nước trong khu vực cảm thấy hài lòng, trừ Tổng thống Venezuela Hugo Chavez vì ông này từng là nạn nhân của một vụ đảo chính hụt được Mỹ ủng hộ hồi năm 2002, theo nhà báo Claudia Parsons của hãng tin Reuters.

img
Tổng thống Obama (bên trái) bắt tay Tổng thống Chavez ngày 18-4-2009 tại Hội nghị Cấp cao châu Mỹ. Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, các quan chức Mỹ đã có những lời tuyên bố chỏi nhau chan chát. Khi cựu tổng thống Zelaya bí mật vượt núi băng rừng 15 giờ từ Costa Rica về thủ đô Tegucigalpa hôm 21-9 và tá túc trong tòa đại sứ Brazil, ngoại trưởng Hillary Clinton bày tỏ hy vọng chuyến trở về này là một cơ hội để chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị ở Honduras. Thế nhưng hôm 28-9, Lewis Anselem, đại diện Mỹ trong Tổ chức Các nước châu Mỹ (OAS), lại chỉ trích hành động của ông Zelaya là “vô trách nhiệm và ngu xuẩn”.


SOA và tướng lĩnh Honduras


Vụ đảo chính ông Manuel Zelaya do tướng Romeo Vasquez, tư lệnh quân đội Honduras và tướng Luis Javier Prince Suazo, tư lệnh không quân, cầm đầu. Cả hai ông tướng này từng tham gia các khóa huấn luyện tại Học viện Tây bán cầu về hợp tác an ninh (viết tắt là WHINSEC). Tiền thân của học viện này là trường (quân sự) châu Mỹ (SOA) trụ sở đặt tại Fort Benning, bang Georgia, Mỹ, từ năm 1984.


SOA nổi tiếng là nơi đào tạo các chuyên gia đảo chính, các nhà độc tài, những người vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất ở châu Mỹ La Tinh, đặc biệt trong thập niên 1980. Nhiều người trong số họ dính líu đến các biệt đội tử thần, những vụ sát hại người tu hành và nhân viên cứu trợ, bắt cóc tống tiền, tra tấn kiểu thời trung cổ...


Năm 1996, phóng viên Dana Priest của nhật báo Mỹ The Washington Post từng tiết lộ các giáo trình của SOA giống hệt các giáo trình của cơ quan quân báo Mỹ dạy các sĩ quan quân đội Mỹ La Tinh cách tra tấn, thủ tiêu, bắt cóc tống tiền và nhiều thủ đoạn xấu xa khác đối với những người chống đối chính quyền.


Việc hai ông tướng thực hiện cuộc đảo chính ngày 28-6 từng tốt nghiệp SOA khiến nhiều người suy đoán rằng Mỹ có biết cuộc binh biến này nhưng làm ngơ. Ngay từ đầu Tổng thống Hugo Chaves tố cáo CIA (Trung ương Tình báo Mỹ) đứng đằng sau cuộc đảo chính. Vì ông tổng thống Venezuela này nổi tiếng chống Mỹ, lời tố cáo của ông không gây chú ý nhiều bởi thiếu chứng cứ.


 
Nhà báo Bill Van Auken, trên trang web WSWS, viết: “Theo những tài liệu đăng tải, các nhà ngoại giao Mỹ đã thảo luận với những người chống đối ông Zelaya về chuyện hất cẳng Tổng thống Zelaya. Do đó, khó mà tin rằng quân đội Honduras tiến hành cuộc đảo chính mà không được sự chấp thuận của các sếp Mỹ”.


Van Auken cho biết thêm, mục tiêu của Mỹ là thay thế ông Zelaya bằng một người khác, tạo ra một khung cảnh chính trị mới phù hợp với lợi ích Mỹ trong khu vực. Mỹ muốn chấm dứt các mối quan hệ kinh tế và chính trị mà ông Zelaya thiết lập với chính quyền ông Chavez ở Venezuela, với Cuba của ông Fidel Castro.


Mỹ thay đổi chính sách


Nhưng tại sao ông Obama không ủng hộ cuộc đảo chính ở Honduras? Nhà báo Etienne Bodard, trên tuần báo Pháp L’Express, nhận xét rằng tuy không ủng hộ nhưng ông Obama cũng không lên án một cách quyết liệt và rõ ràng những người cầm đầu cuộc đảo chính.


Ông Obama tỏ ra thận trọng vì những biến cố ở Tegucigalpa là một cơ hội để ông thực hiện lời cam kết trong bài diễn văn đọc tại hội nghị cấp cao các nước châu Mỹ hồi tháng 4 vừa qua. Ông đề cao quan hệ đối tác “vai bằng vai” giữa Mỹ và các nước châu Mỹ La Tinh đồng thời nhấn mạnh rằng Mỹ không có đối tác chính và đối tác phụ. Và ông đã thể hiện cụ thể chính sách mới bằng cái bắt tay với Tổng thống Venezuela Hugo Chavez. Tấm hình này đã được các phương tiện truyền thông đại chúng quốc tế phổ biến khắp thế giới.


Liên hệ cuộc đảo chính ở Honduras và cái bắt tay nói trên, nhà phân tích Miguel d’Escoto nhận xét: “Nhiều người tự hỏi phải chăng cuộc đảo chính là một một phần của chính sách mới (của ông Obama) bởi vì ai cũng biết quân đội Honduras từ lâu hợp tác hết sức chặt chẽ với Mỹ”.


Giải pháp hòa giải


Theo Eduardo Gamarra, nhà phân tích chính trị Bolivia, rất khó thay đổi tình thế hiện nay ở Honduras từ bên ngoài nếu không có đối thoại qua một trung gian đáng tin cậy. Và nhà lãnh đạo duy nhất có thể làm được việc này, trong bối cảnh địa chính trị hiện giờ ở châu Mỹ, chính là Tổng thống Obama.


Bởi vậy, ngay sau khi bị truất phế, ông Zelaya vội vã đến Washington ngay gặp bà ngoại trưởng Hillary Clinton. Nhưng bà Clinton từ chối lên tiếng yêu cầu phe đảo chính Honduras phục chức ông Zelaya. Mỹ chỉ ủng hộ “một giải pháp hòa bình” và “tái lập dân chủ ở Honduras” qua trung gian Tổng thống Costa Rica là Oscar Arias. Ông này, giải Nobel hòa bình năm 1987, từng nhiều lần đảm trách nhiệm vụ này mà điển hình là làm trung gian hòa giải giữa du kích và chính quyền El Salvadore thân Mỹ vào cuối thập niên 1990.


Nhưng cuộc đàm phán giữa đại diện cựu tổng thống Zelaya và tổng thống tạm quyền Micheletti do ông Arias tổ chức tại San Jose, Costa Rica, hồi tháng 7 vừa qua nhằm đưa ông Zelaya trở lại cầm quyền một chính phủ đoàn kết quốc gia, đã thất bại.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo