xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hụt hẫng ngành "hot"

Theo Nguyễn Quang (Sinh viên Việt Nam)

Năm năm trước, Công nghệ thông tin (CNTT) và Chứng khoán là 2 ngành “hot”, thu hút nhiều thí sinh. Thế nhưng giờ đây, khi tốt nghiệp, sinh viên rất khó tìm việc và đành chấp nhận đi làm trái ngành.


img

Đào tạo theo trào lưu


Theo thống kê của Bộ GD – ĐT, cả nước hiện có 133 trường đại học, 153 trường cao đẳng và 351 trường trung cấp chuyên nghiệp có đào tạo CNTT. Trong khi đó, vào năm 1995, cả nước chỉ có 7 khoa CNTT. Theo lý giải của lãnh đạo trường ĐH An Giang, khoảng 5 – 10 năm về trước, ngành CNTT rất “hot”. Trường nào mới thành lập cũng cố gắng xin mở ngành này để dễ tuyển sinh. Ngay cả ĐHQG TPHCM, các trường đại học thành viên đều có khoa CNTT nhưng vẫn thành lập trường ĐH CNTT để chiêu sinh đào tạo. Hay trường ĐH CNTT Gia Định, được thành lập ngày 30-7-2007 cũng là để đón đầu xu hướng này.

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế hiện nay thì ngành CNTT đã không còn thu hút thí sinh như trước. Điểm chuẩn của ngành CNTT, trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP. HCM) năm 2009, 2010 là 14,5 (NV1) thì đến năm 2011 chỉ còn 14 điểm. Tại trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), điểm chuẩn ngành này cũng giảm dần qua các năm: 2008 lấy 19,5 điểm, năm 2009 xuống còn 18,5 điểm, năm 2010 là 17,5 điểm và năm 2011 chỉ còn 16,5 điểm. Tương tự, năm 2007, điểm chuẩn ngành CNTT của trường ĐH Đà Lạt là 15 điểm, còn từ năm 2008 đến nay luôn lấy bằng mức sàn: 13 điểm.

Thậm chí, trường ĐH CNTT Gia Định chỉ mới hoạt động được hơn 4 năm đã phải xin đổi tên trường thành ĐH Gia Định và mở thêm ngành mới để thu hút thí sinh. Theo lãnh đạo nhà trường, nếu chỉ đào tạo chuyên về CNTT thì trong vài năm tới, sẽ không có đủ lượng thí sinh để trường tồn tại.

Chứng khoán cũng là ngành đào tạo chạy theo xu hướng ngành hot. Trường ĐH Ngân hàng TPHCM là nơi tiên phong đào tạo ngành Chứng khoán. Từ năm 1992, trường đã dạy về Chứng khoán. Đến năm 1998, trường bắt đầu đào tạo chuyên ngành Chứng khoán và năm 2004 thành lập khoa Thị trường Chứng khoán. Tiếp sau đó, hàng loạt trường cũng xin mở ngành này như các trường: ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Kinh tế TPHCM, Học viện Ngân hàng, Học viện Tài chính…

Học xong đi phát tờ rơi

Đào tạo ồ ạt nhưng không chú trọng công tác dự báo nguồn nhân lực nên sinh viên ra trường rất khó xin việc làm. Bạn M. D., tốt nghiệp khoa CNTT, trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM nhưng đã hơn 1 năm nay, vẫn chưa tìm được việc làm. M. D. xin đi làm nhân viên kinh doanh các dịch vụ của công ty FPT như mạng Internet, cáp quang, ADSL… Để có nhiều khách hàng, D. phải đi phát tờ rơi, dán tờ rơi trên các cột điện. Làm việc cả thứ Bảy, Chủ Nhật nhưng mỗi tháng, thu nhập của D. chỉ hơn 3 triệu đồng. Bạn cám cảnh cho biết: “Lúc nộp hồ sơ vào học, mình nghĩ, ra trường sẽ được các công ty săn đón với mức lương khủng. Ai ngờ, có được tấm bằng cử nhân mà phải đi phát tờ rơi!”.

Bạn K. S., tốt nghiệp khoa CNTT, trường ĐH CNTT Gia Định từ tháng 7-2011 nhưng đến nay vẫn chưa xin được việc. Bạn đành đi trông tiệm Internet trên đường số 15 quận 7 để có tiền trang trải chi phí sinh hoạt và chờ cơ hội tìm việc làm mới.

Bi đát hơn, ngành Chứng khoán đang trở thành nỗi “ám ảnh” với nhiều sinh viên. Theo bạn Thắng, có 80 sinh viên tốt nghiệp khoa Thị trường Chứng khoán (trường ĐH Ngân hàng) tháng 6-2011. Thế nhưng đến nay, chỉ có một nửa sinh viên trong lớp tìm được việc làm, số còn lại vẫn thất nghiệp hoặc miễn cưỡng học tiếp lên cao. Lớp của Thắng có 40 sinh viên tìm được việc nhưng hầu hết là nhờ người thân xin vào làm ngân hàng. Một số bạn khác đi làm môi giới chứng khoán với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Thắng chua chát nói: “Lúc học, tụi mình cũng dự các hội thảo, tham gia các cuộc thi, nào “Vòng quay chứng khoán”, “Hội chợ chứng khoán”, “Sàn giao dịch chứng khoán ảo”, nào “Bản lĩnh Nhà đầu tư chứng khoán”, “Đấu trường tài chính”… Cứ ngỡ, ra trường mình cũng được mặc áo vest, đeo cà vạt để tư vấn cho nhà đầu tư. Nhưng giờ ra trường, mình mới thấy vỡ mộng!”.

Bạn K. H., tốt nghiệp ngành Chứng khoán, khoa Ngân hàng (trường ĐH Kinh tế) vào năm 2010. Thế nhưng bạn đã “nhảy” qua 3 công ty chứng khoán vì bị sa thải hoặc mức lương không đủ sống. Đầu tiên, K. H. thực tập rồi làm việc tại công ty Chứng khoán Kim Eng. Sau đó, bạn qua Công ty CP Chứng khoán Đông Dương và hiện tại là nhân viên của Công ty Chứng khoán Rồng Việt. Công việc chính của K. H. là tư vấn, phân tích các loại cổ phiếu cho nhà đầu tư nên mua hay bán. Bạn tâm sự: “Lúc còn ở giảng đường, mình nghe nhiều thầy cô nói học ngành này ra trường làm việc với các khoản thu nhập cao ngất. Nhưng khi bước chân vào công ty, mình mới biết đó là chuyện của những năm về trước. Hiện nay, tụi mình phải đi o bế nhà đầu tư và kéo họ về sàn của mình”. K. H. cho biết thêm, thời điểm này năm ngoái, nhiều công ty chứng khoán sa thải nhân viên. Ai còn có được việc làm đã là may mắn. Vì thế, tranh thủ lúc thị trường im ắng, K. H. và các đồng nghiệp phải tranh thủ đi học phân tích cổ phiếu, từ nhóm ngân hàng, thủy sản, y dược đến cổ phiếu OTC để tư vấn chính xác cho nhà đầu tư.

Quá khó tìm được việc

Trao đổi với Sinh Viên Việt Nam về việc sinh viên học ngành CNTT ra trường rất khó tìm được việc làm, TS. LS Nguyễn Đăng Liêm, Hiệu trưởng trường ĐH CNTT Gia Định cho biết: “Bây giờ, các trường đào tạo về ngành CNTT quá nhiều. Thêm vào đó, chương trình ở các trường chỉ đào tạo cái chung chung. Vì thế, sinh viên không thể cạnh tranh với học viên của các trung tâm đào tạo chuyên sâu về tin học”. TS Liêm cho rằng, để lấy được tấm bằng cử nhân về CNTT, sinh viên mất 4 năm. Trong khi đó, chỉ cần 1 – 2 năm thì học viên tại các trung tâm tin học đã có được kiến thức chuyên sâu về một lĩnh vực nào đó trong ngành này. Hiện nay, nhà tuyển dụng thường yêu cầu phải có kiến thức chuyên sâu về một lĩnh vực nhất định như phần mềm, an ninh mạng, lập trình… Đó là lý do rất ít sinh viên có việc làm ngay sau khi ra trường.

Về việc sinh viên trường ĐH CNTT Gia Định ra trường đi trông tiệm Internet, TS Nguyễn Đăng Liêm cho biết: “Khóa tốt nghiệp đầu tiên của trường năm ngoái, đã có việc làm hết. Còn khóa tốt nghiệp năm nay thì tôi chưa nắm thông tin”. TS Liêm xác nhận, việc nhà trường đang chờ Bộ GD – ĐT chấp nhận để chuyển đổi tên trường thành ĐH Gia Định và đào tạo đa ngành là hoàn toàn đúng: “Ngành CNTT đã không còn “hot” như trước. Vì thế, nhà trường phải xin đổi tên, đào tạo đa ngành để thu hút sinh viên vào học”.

Sinh Viên Việt Nam cũng đã làm việc với lãnh đạo trường ĐH Ngân hàng TPHCM về chuyện nửa lớp của khoa Thị trường Chứng khoán, tốt nghiệp vào tháng 7-2011 còn đang thất nghiệp. TS Hồ Diệu, Phó Hiệu trưởng nhà trường, lý giải: “Đó là khó khăn chung, không chỉ xảy ra với ngành chứng khoán mà cả ngành Ngân hàng cũng vậy. Thị trường ảm đạm, công ty chứng khoán thua lỗ, không tuyển dụng nên sinh viên ra trường mới thất nghiệp”.

Tại trường ĐH Kinh tế TPHCM, TS Thân Thị Thu Thủy, Phó trưởng khoa Ngân hàng cho biết: “Vừa rồi, chúng tôi có đi xin thực tập cho sinh viên ngành Chứng khoán, khoá 33. Nhà trường xin 120 chỗ thì các công ty chứng khoán cho tới 170 chỗ. Tuy nhiên, việc làm sau khi thực tập thì tôi không dám chắc. Nhà trường cũng đang rất lo lắng với tương lai của các sinh viên học ngành này. Nếu các bạn không xin được việc làm thì những khóa sau, chúng tôi sẽ rất khó tuyển sinh”.

Theo TS Thủy, ngày 3-1-2012, khi dẫn sinh viên đi thực tập, nhà trường sẽ thăm dò khả năng tìm được việc làm tại các công ty chứng khoán. “Khóa 32, trường tuyển được 150 sinh viên nhưng đến khóa 33, 34 chỉ được 120 em. Có lẽ, các bạn thấy cơ hội việc làm khó nên đã không chọn ngành này”, bà Thủy nhận định.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo