xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ươm tài năng từ sân bóng học đường

TƯỜNG PHƯỚC

Nhiều danh thủ, cựu cầu thủ chuyên nghiệp có xuất phát điểm từ những giải bóng đá học đường

Những sân chơi có chất lượng chuyên môn cao như Giải Bóng đá Thanh Niên sinh viên Việt Nam được xem là cái nôi ươm mầm tài năng trẻ bóng đá quốc gia.

Được tập luyện chuyên nghiệp

Cựu tuyển thủ Nguyễn Minh Phương và Phan Thanh Bình là 2 trong số những tài năng bóng đá Việt Nam được phát hiện và đào tạo từ bóng đá học đường. Vì vậy, mỗi khi nhận được lời mời hỗ trợ huấn luyện, dẫn dắt các đội bóng tham dự những giải đấu dành cho học sinh, sinh viên, những danh thủ này đều đồng ý ngay.

Cựu tiền vệ "nhạc trưởng" Nguyễn Minh Phương, vô địch AFF Cup 2008, cũng rất tâm huyết với bóng đá học đường. Dù mê bóng đá từ nhỏ nhưng Minh Phương không hề bê trễ chuyện học hành vì nhận thức được hoàn cảnh gia đình lúc bấy giờ thuộc diện khó khăn. Lúc đó, ba mẹ Minh Phương luôn mong muốn các con học hành thành tài...

Ươm tài năng từ sân bóng học đường- Ảnh 1.

Cựu tuyển thủ Nguyễn Minh Phương luôn hết mình với bóng đá học đường. Ảnh: QUỐC AN

Đến năm 18 tuổi, Minh Phương lên TP HCM thi đại học nhưng bị trượt. Không nản chí, anh quyết tâm ở lại để rèn luyện thi lại. Trong thời gian này, chàng trai gốc Đồng Nai thi thoảng đến sân Thống Nhất để xem đội Cảng Sài Gòn thi đấu. Kể từ đó, tình yêu bóng đá trong Minh Phương trỗi dậy và thông qua sự giới thiệu của cựu trọng tài Bùi Như Đức, anh được nhận vào thử việc tại đội Cảng Sài Gòn, tập luyện ở Trường Năng khiếu Nghiệp vụ TP HCM rồi trở thành ngôi sao sáng của bóng đá Việt Nam.

Có mặt trong buổi họp báo công bố Giải Bóng đá Thanh Niên sinh viên Việt Nam 2024, Minh Phương bộc bạch: "Thời còn trẻ, chúng tôi không có những sân chơi phong trào chuyên nghiệp như hiện nay. Các cầu thủ sinh viên ngày nay có may mắn hơn, nhiều giải bóng đá trẻ, bóng đá học đường đã được tổ chức bài bản và thông qua những sân chơi ý nghĩa này, các em sẽ có cơ hội bộc lộ tài năng".

Còn theo cựu tiền đạo Phan Thanh Bình, năm 11 tuổi, khi tham gia một giải bóng đá thiếu niên nhi đồng ở địa phương, anh đã gây ấn tượng với các nhà tuyển trạch và sau đó gặt hái được thành công trên con đường bóng đá chuyên nghiệp.

Học theo mô hình của Nhật Bản, Hàn Quốc

Mới đây, 5 cầu thủ thi đấu xuất sắc tại Giải Bóng đá Thanh Niên sinh viên Việt Nam của đội bóng Trường Đại học Văn Hiến gồm Nguyễn Thành Vũ, Chiêm Hải Phương, Nguyễn Trần Phát Thịnh, Trần Duy Khánh, Nguyễn Ngọc Trường đã được tập luyện chuyên nghiệp và thử việc tại CLB Đồng Tháp.

Tất nhiên, cơ hội để nhóm cầu thủ sinh viên này được ký hợp đồng và thi đấu chuyên nghiệp cho CLB Đồng Tháp còn ở phía trước, nhưng đây là một cách tiếp cận với mô hình đào tạo trẻ ở những nền bóng đá tiên tiến trên thế giới.

Ươm tài năng từ sân bóng học đường- Ảnh 2.

Bóng đá dành cho sinh viên là dịp để các nhà tuyển trạch chọn lựa tài năng trẻ cho bóng đá Việt Nam. Ảnh: ĐỘC LẬP

Ở Nhật Bản, Hàn Quốc, một trong những nguồn cung cấp cầu thủ dồi dào cho các cấp đội tuyển là từ bóng đá học đường. Những ngôi sao bóng đá thế giới, đã hoặc đang thi đấu tại những đấu trường hàng đầu châu Âu như Kaoru Mitoma, Kazuki Nagasawa… đều xuất thân từ các trường đại học tại Nhật Bản.

Tuyển thủ Kaoru Mitoma sinh năm 1997, là một trong những trụ cột quan trọng trong đội hình tuyển Nhật Bản tham dự vòng chung kết Asian Cup 2023. Năm 19 tuổi, Mitoma đã từ chối một hợp đồng thi đấu chuyên nghiệp để có thể theo học ngành giáo dục thể chất ở Đại học Tsukuba. Tại đây, anh đã nghiên cứu về kỹ năng rê dắt bóng của cầu thủ và thực hiện luận văn tốt nghiệp về đề tài này.

Trong thời gian là sinh viên, Mitoma vừa học vừa thi đấu cho đội bóng của trường. Tới năm 23 tuổi, Mitoma được CLB Kawasaki Frontale ký hợp đồng và chỉ một năm sau anh chuyển sang Brighton với mức giá chuyển nhượng 3 triệu euro. Hiện tại, chân sút 26 tuổi đang chơi bóng ở Premier League này được định giá lên đến 40 triệu euro.

Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương nhấn mạnh nhìn vào cách xây dựng nền móng và sự phát triển vượt bậc của bóng đá Nhật Bản, Hàn Quốc mới thấy rõ vai trò quan trọng trong việc đầu tư chuyên sâu vào bóng đá học đường, cộng đồng. Tại Nhật, các doanh nghiệp càng lớn thì lại càng có nghĩa vụ phải tài trợ các hoạt động phong trào và không nhất thiết tài trợ cho CLB chuyên nghiệp. Đầu tư mạnh mẽ cho việc phát triển bóng đá tại địa phương cũng là cách lưu giữ bản sắc, thu hút người hâm mộ, tạo nên nguồn thu cho đội bóng lẫn nguồn cầu thủ tài năng kế thừa dồi dào.

Ở TP HCM, thời gian vừa qua LĐBĐ thành phố (HFF) đã dần chú trọng hơn việc phát triển bóng đá cộng đồng trong trường học. Dù vẫn còn nhiều hạn chế song việc chủ động bắt tay giữa 3 đơn vị Sở Văn hóa - Thể thao, Sở Giáo dục - Đào tạo và HFF bước đầu đã giúp bóng đá học đường TP HCM phát triển khá tốt trong một thập niên qua. 

Ở những chuyến tập huấn của đội tuyển U23 Việt Nam tại Nhật Bản và Hàn Quốc, phía LĐBĐ nước chủ nhà thường bố trí các đội sinh viên thi đấu và họ đều là những "quân xanh" chất lượng cao.


Ươm tài năng từ sân bóng học đường- Ảnh 4.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo