Phóng viên Báo Người Lao Động trao đổi với nhạc sĩ Hồng Đăng, Phó Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam, về những thông tin mới xung quanh bản thông báo này. Nhạc sĩ Hồng Đăng cho biết: Sau những ồn ào mà báo chí đã nêu, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã cử nhạc sĩ An Thuyên, Trưởng Ban Kiểm tra của hội, trực tiếp vào TPHCM cùng các nhạc sĩ Tôn Thất Lập, Phó Tổng Thư ký; Thế Bảo, Trưởng Ban Lý luận; Trần Long Ẩn, ủy viên BCH và nhạc sĩ Vũ Thành, Phó Ban Kiểm tra, tổ chức cuộc họp để tìm hiểu tình hình về hiện tượng sao chép nhạc. Trong 3 ngày từ 29 đến 31-5, Ban Kiểm tra đã xem nhiều tài liệu, nghe CD và phân tích đối thoại với nhạc sĩ Bảo Chấn xung quanh ca khúc Tình thôi xót xa. Tuy chưa phải là cuộc thẩm định tác phẩm chính thức nhưng so sánh 3 ca khúc I’ve been to me của Charlene người Mỹ (viết năm 1982), ca khúc Frontier của Keiko Matsui (viết năm 1992) và ca khúc Tình thôi xót xa của Bảo Chấn thì thấy có rất nhiều chỗ giống nhau, đặc biệt phần giai điệu. Chính nhạc sĩ Bảo Chấn cũng phải thừa nhận rằng Tình thôi xót xa giống một trong hai ca khúc trên đến 99%.
* Phóng viên: Ca khúc đó là I’ve been to me của Charlene hay Frontier của Keiko Matsui?
- Nhạc sĩ Hồng Đăng: Là I’ve been to me.
* Nhạc sĩ Bảo Chấn thừa nhận một cách đơn giản thế ư?
- Nhạc sĩ Bảo Chấn đã không đưa ra được những chứng cứ nào về bút tích, thời gian sáng tác và năm công bố của Tình thôi xót xa. Trong khi đó, kiểm tra lại hồ sơ xin gia nhập Hội Nhạc sĩ Việt Nam của mình, nhạc sĩ Bảo Chấn đã ghi năm sáng tác Tình thôi xót xa là 1994 (viết tay bằng bút mực). Ngày 30 và 31-5, nhạc sĩ Bảo Chấn đã có 2 bản viết tay gửi Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Ban Kiểm tra với nội dung chính là “thực sự lấy làm tiếc và xin lỗi bạn nghe nhạc vì những sự cố không mong muốn này. Xin cám ơn những đóng góp chân tình của báo chí, đài và bạn nghe nhạc... Xin không được sử dụng bài hát Tình thôi xót xa cho đến khi có kết luận thích hợp”...
* Như thế có nghĩa là đến giờ này vẫn chưa có một kết luận chính thức?
- Ngày 2-6, Ban Thư ký gồm nhạc sĩ Trọng Bằng, Tổng Thư ký hội; nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Phó Tổng Thư ký; nhạc sĩ An Thuyên, ủy viên Ban Thư ký kiêm Trưởng Ban Kiểm tra và tôi đã họp phiên bất thường tại Hà Nội. Sau khi nghe nhạc sĩ An Thuyên báo cáo, Ban Thư ký đã kết luận: Nhạc sĩ Bảo Chấn là một nhạc sĩ biểu diễn lâu năm, có năng lực biên soạn phối khí, có đóng góp cho phong trào nhạc nhẹ TPHCM... nhưng do nhiễm quá nhiều nhạc nước ngoài, lại chưa đủ bản lĩnh, kỹ năng nghề nghiệp nên một số ca khúc đã chịu ảnh hưởng của nhạc nước ngoài, đặc biệt là Tình thôi xót xa. Đó là điều đáng tiếc đối với một hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Để giữ nghiêm kỷ luật của hội, Ban Thư ký quyết định cảnh cáo nhạc sĩ Bảo Chấn và thông báo đến toàn thể hội viên vì thiếu tinh thần trách nhiệm trong hoạt động nghề nghiệp, gây hậu quả xấu trong công chúng yêu nhạc. Ban cũng yêu cầu nhạc sĩ Bảo Chấn cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, cố gắng trau dồi nâng cao nghiệp vụ để có được những tác phẩm tốt, tránh không để xảy ra những trường hợp đáng tiếc.
* Thưa ông, không phải chỉ mình Tình thôi xót xa mà một số ca khúc của nhạc sĩ Bảo Chấn cũng bị nghi là đạo nhạc. Vậy các ca khúc khác thì sao?
- Chúng tôi đã đề nghị nhạc sĩ Bảo Chấn tiếp tục thu thập các tài liệu liên quan đến quá trình hình thành các ca khúc của nhạc sĩ để hội và các cơ quan chức năng có thể xem xét và làm rõ hơn khi cần thiết.
* Đạo nhạc trong giới nhạc sĩ trẻ hiện nay có thể coi là một “nạn”. Trường hợp nhạc sĩ Bảo Chấn là vậy, còn những người khác thì sao, thưa ông?
- Đúng là hiện nay, một số người tự mệnh danh là nhạc sĩ của dòng nhạc trẻ, song thực chất cách làm của họ chỉ là cóp nhặt vụng về nhạc nước ngoài, vay mượn cảm xúc, thiếu vốn sống và tri thức văn hóa dân tộc. Mục đích thiển cận của họ là kiếm tiền và nổi danh, chạy theo thị hiếu không lành mạnh, bất chấp pháp luật... Tôi nghĩ, hình thức kỷ luật nghiêm khắc dành cho nhạc sĩ Bảo Chấn cũng chính là lời cảnh cáo đối với họ. Xã hội đã và đang lên án những sản phẩm âm nhạc “nhái ngoại” vì nó làm mất uy tín của một số anh chị em viết nhạc nhẹ và gây ảnh hưởng xấu tới giới sáng tác âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam, nhất là trong thời kỳ hội nhập và giao lưu văn hóa với quốc tế. Hội Nhạc sĩ mong tất cả các hội viên phê phán mạnh mẽ những sai lầm đó.
* Xin cám ơn ông.
Bình luận (0)