Trong khuôn khổ Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI, ngày 14-6, tại TP Hội An (tỉnh Quảng Nam), Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo quốc tế Bảo tồn và Phát huy giá trị các đô thị di sản. Hội thảo thông qua Tuyên bố Hội An 2017 - sẽ được gửi đến Chính phủ, chính quyền địa phương cùng các cơ quan, tổ chức quốc tế.
Đối diện nhiều thách thức
Tại hội thảo, nhiều đại biểu nhìn nhận việc quản lý các đô thị, TP và di sản văn hóa ở Việt Nam và các nước châu Á đang đối mặt với nhiều vấn đề lớn. Theo ông Phạm Vinh Quang, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, bảo tồn văn hóa trong công cuộc đô thị hóa là một thách thức lớn bởi mức độ đô thị hóa đang tạo áp lực lớn về năng lượng, giao thông, môi trường...
Đô thị hóa đang đặt ra nhiều thách thức trong công tác bảo tồn di sản văn hóa
PGS-TS Đặng Văn Bài, đại diện của Việt Nam tại Ủy ban Di sản Thế giới, cho rằng nghịch lý cần khắc phục trong phát triển các đô thị di sản là việc phát triển một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát mà hậu quả là môi trường bị ô nhiễm, tài nguyên thiên nhiên có nguy cơ cạn kiệt. Tập trung cư dân vào đô thị và di dân từ nơi khác đến làm cho sắc thái văn hóa bản địa bị phai nhạt.
GS Hans Detlef Kammeier (Đức), người từng cố vấn cho 25 quốc gia phát triển ở châu Á, Trung Đông và châu Phi, cho rằng trên phạm vi toàn cầu, các hoạt động bảo tồn trong vòng 40 năm qua đã phát triển mạnh hơn bất kỳ phong trào bảo tồn nào trước đó từ thế kỷ XIX. Tuy nhiên, những thiệt hại nghiêm trọng về tài nguyên di sản hữu hạn vẫn tiếp tục, nhiều lĩnh vực tăng trưởng mạnh trong xã hội đang gây ra lo ngại có thể khiến bản sắc văn hóa bị mai một và thay thế bởi những tác động của toàn cầu hóa. Còn ông Tristan Morel - người có trên 10 năm làm việc với vai trò cán bộ quy hoạch đô thị, cố vấn kỹ thuật, tư vấn và nghiên cứu trong lĩnh vực phát triển đô thị ở Việt Nam, Pháp và Israel - đề xuất cần tạo ra khuôn khổ pháp lý trong phát triển đô thị và bảo vệ môi trường ở Việt Nam bởi nước ta là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.
Theo bà Susan Vize, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, Hội An là ví dụ điển hình về thực trạng đô thị hóa nhanh chóng. Việc phát triển du lịch tạo ra sinh kế và cải thiện đời sống của người dân nhưng lại làm gia tăng các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Vì vậy, trách nhiệm bảo tồn phải được đề cao hơn nữa để làm sao hai thành tố tăng trưởng và phát triển bền vững được kết nối với nhau. Nhìn nhận thực tế từ đất nước mình, TS Chuk Chumno, Cục trưởng Cục Phát triển sản phẩm của Bộ Du lịch Campuchia, cho rằng du lịch di sản văn hóa thực sự có tầm quan trọng rất lớn, không chỉ đem lại ngoại hối để phát triển mà còn giúp quảng bá Campuchia với thế giới. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch đã tạo áp lực lên hầu hết các điểm du lịch nổi tiếng của nước này. Thực hiện nguyên tắc phát triển bền vững đang trở thành một công cụ quan trọng trong việc định hình du lịch văn hóa quốc gia.
Thúc đẩy hợp tác công - tư
GS William Logan (Úc) nhận định việc quản lý di sản có tính nhạy cảm có thể trở thành một phần giải pháp cho những vấn đề nêu trên. Từ năm 2009, khi Tuyên bố Hội An về Bảo tồn các khu phố cổ ở châu Á được thông qua, một số tuyên bố và chính sách mới đã được UNESCO và các cơ quan cố vấn của tổ chức này phê duyệt nhằm giúp giải quyết các vấn đề bằng cách tăng cường thực tiễn quản lý di sản đô thị. Những tuyên bố và chính sách này đã cung cấp một nền tảng mới để sửa đổi Tuyên bố Hội An 2017.
Tuyên bố lần này có 10 nội dung chính, đưa ra một cái nhìn khái quát về những vấn đề chính cần quan tâm liên quan đến quản lý di sản bền vững tại các TP của châu Á. Trong đó, một số nội dung quan trọng như bảo đảm việc bảo tồn các đô thị lịch sử và di sản đô thị của châu Á một cách có hiệu quả và công bằng; cần có các chính sách và cơ chế rõ ràng, áp dụng cách tiếp cận dựa trên quyền con người nhằm bảo đảm sự tham gia tích cực của cộng đồng trong việc thiết kế, quản lý và chia sẻ công bằng lợi ích; quản lý du lịch là một phần không thể tách rời trong mọi kế hoạch bảo tồn và quản lý các đô thị lịch sử.
Hợp tác công - tư nên được thúc đẩy thông qua quan hệ đối tác nhằm thúc đẩy phát triển xã hội và con người; cần có sự quan tâm và đầu tư đối với các công trình di sản gỗ dễ bị hư hại; việc tư liệu hóa và trao truyền di sản văn hóa phi vật thể kết tinh trong tri thức truyền thống và nghề thủ công nên được coi là những bộ phận không thể tách rời trong các chiến lược bảo tồn đô thị; tăng cường tính liên kết giữa các quy định của địa phương và quốc gia với các cam kết quốc tế, hợp tác khu vực và chia sẻ kinh nghiệm thông qua việc giám sát và đánh giá thường xuyên của chính quyền trung ương và địa phương; nâng cao nhận thức của công chúng, sự tham gia và ủng hộ di sản thế giới và các di sản khác, bao gồm cả các khía cạnh vật thể và phi vật thể...
Tối cùng ngày, festival đã bế mạc.
Sửa đổi để áp dụng phù hợp với từng quốc gia
GS William Logan nhìn nhận rất khó tìm được sự cân bằng giữa bảo tồn di sản và phát triển mới trong các đô thị và TP trên toàn thế giới. "Các vấn đề về bối cảnh riêng được áp dụng cho việc bảo tồn tất cả di tích và di sản nhưng đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ các cảnh quan đô thị lịch sử và cảnh quan văn hóa rộng lớn hơn. Những nguyên tắc di sản toàn cầu, sự khái quát hóa về mặt lý thuyết và cái gọi là "thực tiễn quốc tế tốt nhất" luôn được sửa đổi khi áp dụng tại địa phương. Các cơ chế quản lý quốc gia và khuôn khổ chính sách thường là chìa khóa để hiểu được mức độ bảo vệ di sản và phát triển bền vững thực sự diễn ra trong thực tế" - GS William Logan nói.
Bình luận (0)