xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bảo tồn đờn ca tài tử không phải bằng liên hoan, giải thưởng

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Làm sao để giới trẻ say mê đờn ca tài tử Nam Bộ mới là cách bảo tồn và phát huy hiệu quả di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại này

Hai liên hoan đờn ca tài tử (ĐCTT)- một cấp quốc gia, một của TP HCM (Giải Hoa Sen Vàng 2017) - vừa kết thúc. Nhiều huy chương được trao cho các cá nhân, tập thể, kết thúc một mùa liên loan đầy hoan hỉ của các nghệ nhân và ban tổ chức. Vấn đề đặt ra là liệu liên hoan, giải thưởng có tác động tích cực đến công tác bảo tồn và phát huy đờn ca tài tử Nam Bộ như công chúng và người trong giới mong đợi?

Cần không gian để sống

Những năm gần đây, việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại này được TP HCM và các tỉnh lân cận đẩy mạnh với sự quan tâm của các cấp chính quyền và cộng đồng. Trong không gian các liên hoan lần này, những nghệ nhân đờn và ca từ nhiều vùng miền đã trình diễn, trao đổi giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị ĐCTT. Điều họ trăn trở cũng chính là những câu hỏi cần có lời giải đáp xác đáng để ĐCTT Nam Bộ không "chết" ngay trên chiếc nôi đã sinh ra nó.

Bảo tồn đờn ca tài tử không phải bằng liên hoan, giải thưởng - Ảnh 1.

Chương trình "Đưa Đờn ca tài tử Nam Bộ vào học đường" do Trung tâm Văn hóa quận 1, TP HCM tổ chức tại Trường Bùi Thị Xuân

Theo số liệu mới nhất về hoạt động nghệ thuật ĐCTT trên địa bàn TP HCM, TP hiện có 118 CLB ĐCTT với hơn 2.000 tài tử đờn, ca tham gia sinh hoạt; nhiều hội thi, liên hoan... liên tục được tổ chức. Con số dù đầy lạc quan nhưng thực tế, không ít liên hoan, hội thi chỉ đậm tính phong trào, thậm chí quá hời hợt. Có nơi thành lập CLB ĐCTT chỉ để biểu diễn phục vụ nhân dịp lễ hội chứ chưa thực sự là điểm hẹn của những người yêu thích loại hình này.

Từ những miền quê hẻo lánh, ĐCTT Nam Bộ vẫn sống và bám rễ như cây lúa được ươm mầm qua bàn tay chăm bón của nhà nông. Chẳng có điều gì tạo nên sự dung dị, chân thật bằng những tài tử đờn, ca ban ngày lo việc đồng áng, tối về tụ họp nhau chơi ĐCTT trước sân nhà. Không gian đó đã nuôi dưỡng ĐCTT Nam Bộ bao đời nay và đã ươm mầm cho biết bao thế hệ trẻ say mê bộ môn này.

Gia đình nghệ nhân Phạm Sơn ở tỉnh Bình Phước đã có đến 5 đời gắn bó với ĐCTT Nam Bộ. Họ không xem ĐCTT là cái nghề sinh sống mà là để giải quyết nhu cầu đời sống tinh thần của gia đình. Ngày ngày, sau khi lo công việc đồng áng, người già lại dạy lớp trẻ học đờn, làm quen với đủ các loại nhạc cụ dân tộc để chúng thích chơi ĐCTT.

Khi được hỏi làm thế nào để giới trẻ yêu thích ĐCTT, nghệ nhân Phạm Sơn bày tỏ: "Mình phải chơi thật hay, thật sảng khoái thì con em mới thấy mê, cảm nhận được đó thật sự là thú vui tao nhã, ai cũng có thể hòa nhập. Từ đó, bọn nhỏ sẽ bị kích thích, khám phá và nhập cuộc". Ông tự tin giới thiệu 9 thành viên trong đại gia đình mình - từ con trai, con gái, con dâu, con rể đến các cháu - đều là tài tử đờn, ca. Nghệ nhân Phạm Sơn cho biết cả xóm ông ở hầu như ai cũng biết đờn, ca; có đám tiệc khỏi mời nghệ sĩ vì "cây nhà lá vườn" đủ mang lại cuộc vui.

Khéo léo định hướng cho lớp trẻ

Gia đình nghệ nhân Chín Mến, ngụ tại Bến Tre, nhiều năm qua đã dành thời gian truyền những ngón đờn kìm, sến, tranh, bầu... cho thế hệ trẻ. Ai trong xóm có con mới học lớp 5, lớp 6, nghệ nhân này cũng khuyến khích đến nhà mình học đờn.

"Nhà tôi có đủ bộ kìm, sến, tranh, bầu..., bọn nhỏ thích cây nào thì tôi dạy cây đó. Khi các cháu say mê, tôi sẽ định hướng chúng theo đúng ngón đờn có khả năng. Nhờ vậy, đội văn nghệ của ấp chúng tôi giờ mạnh ngang ngửa CLB của Trung tâm Văn hóa tỉnh. Khoảng 10 cháu từ 14 đến 23 tuổi hiện gắn bó với tôi, tương lai sẽ là một thế hệ đủ sức phát triển ĐCTT ở địa phương" - nghệ nhân Chín Mến kỳ vọng.

Theo nghệ nhân Chín Mến, vấn đề truyền thụ ở đây là phải biết khơi gợi, đừng ép lớp trẻ phải đi theo đúng nền nếp trong khi họ chưa am tường niêm luật của bộ môn này. Cứ như cách dạy tân nhạc, cứ để lớp trẻ khám phá cây đàn organ, sau đó định hướng khi đi vào từng bài nhạc. Ở đây, cách định hướng cho giới trẻ rất quan trọng.

Nghệ nhân ưu tú Ba Tu cho rằng để giới trẻ thích thú, không gian ĐCTT Nam Bộ phải thật sự trong sáng. "Lâu nay, ĐCTT cứ chạy theo phong trào, đến ngày hội, ngày lễ mới quy tụ và còn mang tính hình thức trong biểu diễn. Trong khi đó, ĐCTT xuất thân từ dân gian, dù được gầy dựng từ CLB, đội nhóm của các trung tâm văn hóa thì vẫn phải trả về đúng với không gian nuôi sống nó: tính ngẫu hứng, không quá câu nệ về phục trang, về cách thức biểu diễn mà thật sự gần gũi đời sống. Giới trẻ cũng có thể ứng dụng nhạc cụ ĐCTT để đờn, ca theo tiết tấu mới, kiểu vọng cổ, bài bản, có như thế mới thật sự làm cho đời sống ĐCTT đồng hành với suy nghĩ, sở thích và ý thức khám phá của giới trẻ" - nghệ nhân này nhìn nhận.

Trong khi đó, NSND - nhạc sĩ Thanh Hải đặt vấn đề: "Tại sao cứ phải treo giải thưởng theo phong trào, phải có được giải thưởng thì mới đầu tư?". Theo ông, chính vì chạy theo hình thức nên một số tỉnh, thành đã không tạo được sự say mê khám phá ĐCTT một cách trong sáng của giới trẻ. Điều giới trẻ cần chính là tấm lòng truyền nghề một cách tận tình qua từng bài đờn, bài ca của các nghệ nhân đi trước.

"Theo tôi, nếu tránh hình thức, mang tính phong trào, tránh sự giả tạo trong cách nuôi dưỡng mầm non tài năng thì đời sống ĐCTT Nam Bộ sẽ đạt được những thành tựu nhất định" - nhạc sĩ Thanh Hải bày tỏ. 

Cần chính sách đãi ngộ hợp lý

Theo thạc sĩ Huỳnh Khải, chính sách đãi ngộ cho các nghệ nhân trong việc giữ gìn, bảo tồn ĐCTT là rất cần thiết. Các nghệ nhân đều đồng tình với quan điểm muốn nuôi dưỡng ĐCTT Nam Bộ, ngoài danh hiệu nghệ nhân dân gian đã trao tặng, nhà nước cần có chế độ chính sách đãi ngộ thiết thực. "Hễ có phong trào đi tập, đi diễn thì mới có tiền bồi dưỡng. Cho nên, nhiều nơi chỉ làm phong trào cốt để nhận tiền còn thực chất gần như chưa nơi nào làm đúng việc nuôi dưỡng tài năng ĐCTT" - nghệ nhân Chín Mến băn khoăn.

Thực tế, theo thời gian, nhiều nghệ nhân dân gian giỏi nghề như: Ba Tu, Tấn Nhì, Chín Mến, Phạm Sơn, Út Mít, Tám Gia, Bảy Vị... đều tuổi cao sức yếu. Những "báu vật sống" này - theo cách gọi của UNESCO - đang dần mất đi. Nếu không có sự đãi ngộ thiết thực cho nghệ nhân trong việc truyền nghề thì sẽ dẫn đến nguy cơ thất truyền ngày càng cao. Từ nhiều năm nay, chính sách về lương bổng giúp nghệ nhân có thể sống và truyền nghề vẫn chưa được hoạch định.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo