Hội Nhà văn Việt Nam cũng từng có ý tưởng thành lập một trung tâm nghiên cứu, bảo vệ di cảo nhưng chưa thể trở thành hiện thực. PGS-TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện Văn học Việt Nam, cho rằng ở Việt Nam hiện chưa có biện pháp nghiệp vụ để xác định sự thật quanh các bản thảo, bút tích, di cảo. Phương pháp so sánh đối chiếu, nhận diện chỉ là biện pháp đầu tiên khi tiếp xúc với văn bản và vẫn cần các cơ quan chức năng, chẳng hạn như Cục Lưu trữ quốc gia, vào cuộc để bảo vệ và có văn bản xác minh chính xác cho mỗi di cảo.
Cố gắng của các cá nhân
Ở Việt Nam, vì chưa có cơ quan chức năng nào chịu trách nhiệm bảo vệ các di cảo nên một số gia đình lo việc lưu giữ di cảo của người thân, như nhà lưu niệm nhà thơ Nguyễn Bính do con gái ông là nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu trông coi hay các bản thảo, thư tịch, bút tích được bảo quản bởi PGS-TS Lưu Khánh Thơ - em gái cố thi sĩ Lưu Quang Vũ- cùng gia đình đứng ra chịu trách nhiệm.
PGS-TS Lưu Khánh Thơ hiện lưu giữ, bảo vệ hàng trăm di vật, bản thảo chép tay, thư tịch của vợ chồng nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh. Trong ngôi nhà lưu niệm của thi sĩ Nguyễn Bính, ở gần chùa Nghệ Sĩ (TP HCM), nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu đang lưu giữ cả một khối di vật, bút tích, hình ảnh và tất cả bản thảo của cha mà gia đình đã sưu tầm được. Những trang bản thảo ố màu thời gian, bút tích của người thơ, những tấm ảnh từ thời kháng chiến, những bức chân dung, những cuốn sách cũ như: “Xuân tha hương”, “Lỡ bước sang ngang”, “Bóng giai nhân”, “Người con gái ở lầu hoa”, “Cây đàn tì bà”, “Tuyển tập thơ văn”, “Tiểu thuyết thứ bảy”, “Thơ tình hay nhất”; tuyển chọn thơ của Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Hồ Dzếnh, Tế Hanh, Hàn Mặc Tử…; những bức viết tay của Nguyễn Bính; những bức tranh chữ do nhà thơ hoặc bạn bè chép lại, họa lại thơ ông…
Hiếm có những gia đình như gia đình Nguyễn Bính hay Lưu Quang Vũ nhưng dù gắng sức, với nỗ lực của các cá nhân, họ cũng chỉ có thể bảo vệ được một góc di cảo, di sản của tiền nhân.
Ngợp trước “ngọn núi” di cảo
Hiện nay, người Việt Nam được đọc khoảng 100 bản “Truyện Kiều” Nôm và quốc ngữ khác nhau, cả bản in và bản chép tay. Trong số hàng trăm bản Kiều đó, không có bản nào hoàn toàn giống nhau, mà có khi sự khác nhau lên tới hàng trăm chỗ, nhiều chỗ khác nhau về cách dùng từ, có khi khác cả một đoạn gồm chục câu lục bát.
Thời gian gần đây, các bản Kiều được những nhà Kiều học khảo sát bằng nhiều phương pháp như nghiên cứu văn bản học; phương pháp ngữ âm học lịch sử, khảo sát chữ húy, khảo sát câu chữ theo phong cách văn tự của tác giả… đưa ra nhiều kiến giải lý thú, bất ngờ về văn bản “Truyện Kiều”.
Tuy nhiên, tất cả chỉ có thể làm được đến thế, việc tìm ra bản “Truyện Kiều” gốc là bất khả thi. “Đành phải sử dụng các truyền bản vì thời gian đã trôi qua quá lâu, không còn điều kiện để khảo cứu lại văn bản gốc nữa” - nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân khẳng định. Theo ông, cứ mỗi truyền bản lại phụ thuộc vào kiến thức, quan điểm, cách lựa chọn của người biên khảo. “Rất cần có một cơ quan chịu trách nhiệm về công việc bảo vệ di cảo. Cần đầu tư cho các nhà nghiên cứu so sánh đối chiếu các dị bản, xem xét sự biến đổi của văn bản học và đưa ra những kết luận chính xác” - nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân nêu ý kiến.
Cách nào để bảo vệ tính nguyên bản và sự thật cho các sáng tác, nhất là trong thời kỳ mà dị bản nhiều hơn bao giờ hết như dị bản từ chính tác giả sau mỗi lần sửa chữa, dị bản từ người biên tập trước mỗi lần ấn hành, dị bản do độc giả yêu thích và sao chép, lưu truyền…, thậm chí có thể dẫn tới việc “biến mất” hoàn toàn văn bản gốc? Mỗi năm, có hàng ngàn sáng tác mới ra đời nhưng hiện chẳng ai lưu ý đến việc bảo vệ văn bản gốc.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 6-7
Nên đăng ký bản quyền định bản
“Từ những vấn đề đã nảy sinh trong thực tế, rất cần đặt ra định bản trong quá trình xuất bản ấn phẩm như nhiều nước trên thế giới đã làm” - PGS-TS Đoàn Lê Giang góp ý. Theo ông, định bản là bản được chính tác giả sửa chữa và công bố chính thức ở một nhà xuất bản nào đó, chứ không kể đó là bản thảo hay ấn bản công bố đầu tiên.
Bà Lê Thị Hồng Hạnh, Phó trưởng đại diện Cục Bản quyền tác giả tại TP HCM, cho rằng ở Việt Nam chưa có khái niệm định bản. Theo bà, dù không đăng ký quyền sở hữu tác phẩm, luật pháp cũng tự động bảo hộ quyền tác giả. Tuy nhiên, ngay khi tác giả còn sống, tốt nhất là hãy tự mình xác định định bản rồi mang tới đăng ký tại Cục Bản quyền tác giả. Việc này vừa giúp bảo vệ tính trung thực của văn bản, tiện so sánh đối chiếu khi cần vừa tránh được những trường hợp “đôi co”, “lời qua tiếng lại”, thậm chí phải ra tòa khi có tranh chấp bản quyền tác phẩm.
Bình luận (0)