xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bầu Thơ - Người khởi đầu

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Nói đến cải lương, không thể bỏ qua bà Nguyễn Thị Thơ (bầu Thơ), người góp phần làm cho sân khấu cải lương thật sự lớn mạnh, xứng đáng được ghi vào dòng chảy văn học nghệ thuật của miền Nam

Cho đến tận hôm nay, mô hình quản lý một đoàn hát của bà vẫn được các nhà tổ chức biểu diễn áp dụng.

Nhìn xa trông rộng

Trước tiên là việc bà quyết định ký hợp đồng với các soạn giả mà trước đó họ thường gắn với đoàn nhà, nghĩa là có dính dấp đến bầu gánh, đào kép hát, viết tuồng theo kiểu “đo ni đóng giày”, khó tìm được sự khách quan để phát triển đoàn hát theo đúng chiến lược. Soạn giả Kiên Giang cho biết từ thập niên 1950 đến giữa thập niên 1980, có năm bầu gánh hát đã làm cho sân khấu cải lương thật sự lớn mạnh, xứng đáng được ghi vào dòng chảy văn học nghệ thuật của miền Nam, gồm: Bầu Thơ (Đoàn Cải lương Thanh Minh - Thanh Nga), bầu Kim Chưởng (Đoàn Kim Chưởng), bầu Long (Công ty Kim Chung), bầu Xuân (Diệp Nam Thắng) - Đoàn Dạ Lý Hương và soạn giả Thu An (Đoàn Hương Mùa Thu).

Bầu Thơ và NSƯT Thanh Nga
Bầu Thơ và NSƯT Thanh Nga

Bà Nguyễn Thị Thơ làm bầu gánh trong suốt 23 năm, từ khi chấp nhận gá nghĩa cùng kép Năm Nghĩa (năm 1959) - người khai phá ra cách ca vọng cổ nhịp 8, phát triển từ bài Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu (1919) tại Bạc Liêu. Từ nền tảng bài vọng cổ nhịp 8, các thế hệ nghệ nhân đờn ca tài tử Nam Bộ và các soạn giả cải lương tiền phong thời đó đã phát triển thành nhịp 16, rồi 32, 64 cho đến ngày nay. Trong lịch sử cải lương ở miền Nam, chưa hề có một người nào làm bầu gánh hát bền bỉ và thành công như bầu Thơ. Bà nghiêm khắc với nghề nên dù học hành rất ít nhưng có cách nhìn xa trông rộng. Bà hơn các bầu gánh hát khác ở chỗ quy tụ đội ngũ tác giả kịch bản về đoàn của mình để sáng tác theo đúng chủ đề tư tưởng của từng đợt. Phong cách sáng tác và dàn dựng tuồng tâm lý xã hội, phản ánh cuộc sống đương đại, nâng nghệ thuật cải lương lên một tầm cao đã khiến các soạn giả đương thời lúc đó tâm đắc. Có đến 27 soạn giả quy tụ về “dưới trướng” của bầu Thơ, không chỉ vì được trả lương tháng như một công chức hoặc được ký hợp đồng giá hậu hĩ cho một kịch bản hay mà vì họ thấy giá trị của ngòi bút đã được nâng lên từ sự đãi ngộ hết sức thân tình của một người phụ nữ ít học nhưng trọng đạo lý, trọng chữ tín với khán giả.

NSND - soạn giả Viễn Châu kể: “Bầu Thơ nghiêm khắc với nghề theo hai lẽ: gia đình có con cháu nối nghiệp thì chị phải là tấm gương và mỗi vở tuồng ra đời dưới “khai sanh” của đoàn Thanh Minh - Thanh Nga phải là “con cưng” của khán giả”. Theo NSND - soạn giả Viễn Châu, hồi đó, bầu Thơ thường lấy con gái là nghệ sĩ Thanh Nga ra để chứng mình việc “con cưng” thì càng phải mài giũa, giáo huấn. Vì thế, có lần Thanh Nga bệnh đột xuất, gần đến giờ diễn đã xin bầu Thơ trả vé. Bà chấp nhận nhưng thòng thêm một câu: “Rồi con trả lương suất hát này cho anh em trong đoàn. Không thể muốn nghỉ là nghỉ”. Thế là Thanh Nga phải vào rạp hát dù bị bệnh nhẹ, muốn nhõng nhẽo với mẹ của mình.

Lấy sự nghiêm khắc làm kim chỉ nam

Nói về việc tái dựng 2 kịch bản cải lương lừng danh là Tiếng trống Mê Linh và Bên cầu dệt lụa, đại diện thương hiệu Thanh Minh - Thanh Nga, NSƯT Hữu Châu, cho biết 64 năm thành lập (kể cả Đoàn Cải lương Thanh Minh) là một chặng đường dài của gia tộc. Dù năm 1972, trước những biến cố thời cuộc, Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga đã tạm ngưng cho đến năm 1975 mới tái hoạt động nhưng lúc nào bầu Thơ cũng lấy sự nghiêm khắc trong quản lý và nguyên tắc giáo huấn của riêng mình để làm kim chỉ nam cho hoạt động của đoàn. Lần tái ngộ khán giả với 3 thế hệ nghệ sĩ trong gia tộc và hầu hết các nghệ sĩ của đoàn đã là một duyên may rất lớn đối với gia tộc của anh. “Tôi tin trong 4 suất hát với 2 tác phẩm Tiếng trống Mê Linh và Bên cầu dệt lụa, ở đâu đó trong khán phòng Nhà hát Thành phố sẽ có bà nội tôi ngồi xem con cháu biểu diễn và chứng kiến tình thương của khán giả dành cho đoàn hát” - NSƯT Hữu Châu nói.

Nhắc lại những nguyên tắc làm bầu và “hiệu lực” quản lý của bà Nguyễn Thị Thơ, NSND Ngọc Giàu kể: “Má Thơ (cách gọi thân mật của các nghệ sĩ đối với bầu Thơ) có bộ ván ngựa và một cơi trầu. Mỗi sáng tập tuồng, má ngồi trên bộ ván ăn trầu, đào kép hát đến muộn nhìn thấy đều sợ muốn rớt tim ra ngoài. Má Thơ ghét nhất là sự trễ nải và đi hát mà không thuộc tuồng. Đối với đào kép hát, má ít khi khen, chỉ gật đầu mỉm cười. Hát hay thì má tự khắc tăng lương. Làm không được việc thì má thẳng thắn nói thời hạn hết hợp đồng để đào kép biết đường mà tính toán”. Theo NSND Ngọc Giàu, lúc đó, vị trí của nghệ sĩ rất được tôn vinh bởi bầu Thơ không thích họ la cà với khán giả, đánh mất hình tượng. “Khán giả không thể chen vào đời sống nghệ sĩ. Trong khi đó, nghệ sĩ chỉ được nghe ý kiến góp ý, phê bình của ký giả kịch trường và khán giả tại suất hát, để không bị lệch lạc bởi kiểu lăng xê như hiện nay, khiến nghệ thuật vàng thau lẫn lộn” - NSND Ngọc Giàu nói.

Kỳ tới: Ràng buộc bằng tình

“Bầu của những ông bầu”

Đoàn Cải lương Thanh Minh - Thanh Nga hoạt động trong thời gian 23 năm, có gần 70 nghệ sĩ và 27 soạn giả xuất sắc nhất của sân khấu cải lương miền Nam làm việc dưới quyền điều khiển của bầu Thơ. Đây là gánh hát duy nhất của miền Nam diễn thường trực tại rạp Quốc Thanh mà lúc nào cũng đông nghẹt khán giả.

Bầu Thơ được tặng mỹ danh là “bầu của những ông bầu” vì nhiều nghệ sĩ, đạo diễn, tác giả từ Đoàn Cải lương Thanh Minh - Thanh Nga tách ra và học theo cách làm của bà để điều hành gánh hát.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo