Phóng viên: Để có tiếng và tiền, nhiều đạo diễn chọn con đường làm phim giải trí, riêng anh thì từ khi vào nghề vẫn đi trên con đường gai góc theo đuổi phim đề tài chiến tranh cách mạng. Phải chăng hai thứ trên ít quan trọng, thậm chí không quan trọng với anh?
- Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: Tiếng tăm đối với giới nghệ sĩ tùy mỗi góc nhìn. Ngày nay, giới showbiz (kinh doanh giải trí) nhiều hỗn loạn, nhưng vẫn có những bộ phận nghệ sĩ được nhìn nhận ở góc độ bền vững. Nghệ thuật, ngoài sự giải trí thông thường còn có những giá trị khác nằm ở thời gian tồn tại của tác phẩm. Tôi đơn giản chỉ là người làm nghề và tôi muốn mọi thứ đến với tôi cũng chắc chắn và bền vững, kể cả tiền bạc cũng vậy.
Anh vẫn nói xã hội nào thì con người nấy; khi xã hội đang bộn bề, người ta thích những thứ mang tính giải trí hơn là sâu sắc, lý tưởng. Biết vậy nhưng anh vẫn cứ đi ngược sở thích của khán giả là vì sao?
- Mỗi một dòng phim có những khán giả riêng. Tôi tôn trọng sở thích của khán giả. Nghề này khó nói lắm, cái tạng tôi nó vậy. Giờ tôi chưa phải “bán mình” thì hãy cứ làm những gì mình thích. Suy cho cùng, đời nghệ sĩ mà được làm vì đam mê thì cũng là may mắn và hạnh phúc rồi.
Làm phim chiến tranh vất vả khó khăn ai cũng biết nhưng khi ra rạp thì lại bị khán giả quay lưng. Đã bao giờ anh cảm thấy lẻ loi trên con đường của mình?
- Khi đã chấp nhận cuộc chơi thì phải chơi đến cùng. Rồi cũng phải chấp nhận sự đánh giá của công luận và khán giả nữa. Tôi đôi khi cũng thấy cô đơn nhưng làm nghề này nó thế. Giống như việc leo ngược kim tự tháp, càng lên cao càng thấy ít người xung quanh hơn. Lên tới đỉnh thì chẳng còn ai cả. Suy cho cùng, chưa thấy cô độc thì chưa thành công.
Dù vậy, người ta vẫn thấy Bùi Tuấn Dũng gắn bó với phim chiến tranh. Sự gắn bó này là do một mối nhân duyên nào đó?
- Tôi cũng làm nhiều đề tài chứ không chỉ làm đề tài chiến tranh cách mạng. Cũng chẳng phải nhân duyên gì đâu, hết dự án này sang dự án khác. Nhà sản xuất thường không để cho tôi có thời gian lựa chọn. Mà thật ra chúng tôi cũng không có nhiều cơ hội chọn lựa.
Anh từng nói cần những thảo nguyên lớn hơn để sải những bước chân dài rộng nhưng hình như điều này không dễ dàng trong thực tế hiện nay?
- Cái gì cũng cần thời gian. Tôi nghĩ nếu phim Việt chỉ quẩn quanh mấy đề tài nhỏ bé loanh quanh, thể hiện cũng lèo tèo xoàng xĩnh thì khó mà vượt ra khỏi tầm quốc gia. Trước nay, những tác phẩm được đánh giá cao dù ở bất kỳ quốc gia nào thì nó cũng phải đề cập những vấn đề lớn mà loài người quan tâm. Thế giới càng phẳng thì càng rộng, nhất là trong thời đại mà công nghệ thông tin chi phối thống lĩnh toàn cầu.
Nhìn vào điện ảnh Việt, có người đặt vấn đề các nhà làm phim dường như vẫn còn rất dè dặt trong thể hiện và tự kiểm duyệt chứ không dám đi tới cùng của vấn đề. Anh có cảm thấy vậy không?
- Việc tự kiểm duyệt là bệnh chung của các nghệ sĩ. Nó làm cho các tác phẩm trở lên tròn trĩnh một cách không cần thiết. Thực tế kiểm duyệt cũng không quá khắt khe đến vậy. Nhiều lúc lại là ngược lại.
Chưa nói đến điện ảnh Mỹ, điện ảnh nhiều nước châu Á xây dựng những bộ phim chiến tranh cũng rất hay. Anh có nghĩ mình sẽ làm được như họ trong điều kiện của nước mình?
- Nếu có đủ kinh phí và thời gian, tôi chắc chắn sẽ làm được. Công nghệ sản xuất phim bây giờ đã khác nhiều rồi.
Anh từng chia sẻ, khó khăn lớn nhất của phim đề tài chiến tranh chính là đầu ra của bộ phim. Anh có thể nói rõ hơn về việc này?
- Một bộ phận người Việt trẻ giờ không quan tâm nhiều đến quá khứ. Họ đang sống và ước mơ về một thế giới khác. Suy cho cùng, làm phim là làm những giấc mơ, để người ta trốn vào đó vài giờ và cảm nhận những trải nghiệm từ cuộc đời người khác. Cũng tại chúng tôi chưa làm cho họ yêu tác phẩm của mình… Tuy nhiên, có một lớp khán giả khác, những người không có điều kiện đến rạp, họ thích phim Việt và họ xem phim trên truyền hình.
Phải chăng vì vậy, Đường lên Điện Biên của anh không phải là một phim truyện nhựa mà là phim truyền hình. Anh có thể chia sẻ thêm về dự án phim mới này?
- Đúng vậy! Thỉnh thoảng tôi thích làm phim truyền hình. Nó làm cho tôi có đất để thể hiện mình hơn. Nói chung, khi thế giới của điện ảnh không đủ chỗ để tôi thể hiện những gì tôi muốn nói, tôi phải tìm tới những phương tiện khác.
Cuối cùng, dưới cái nhìn nghệ sĩ, theo anh phải làm thế nào để “lôi” khán giả đến rạp xem phim chiến tranh Việt Nam, thay vì chỉ mãi một dòng giải trí như đã thấy?
- Nhà sản xuất, nhà làm phim và nhà phát hành phải ngồi với nhau. Tôi tin nếu một bộ phim đề tài chiến tranh được quảng bá tốt, nó sẽ có khán giả.
Lãng mạn, bi tráng
Đường lên Điện Biên (đạo diễn: Bùi Tuấn Dũng, kịch bản: Lê Ngọc Minh - Khuất Quang Thụy - Bùi Tuấn Dũng; Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất) là câu chuyện có bối cảnh những năm kháng chiến chống Pháp với những chàng vệ quốc đoàn hào hoa rời thủ đô đi kháng chiến và những cô dân công hỏa tuyến xinh đẹp, nết na. Tình yêu và lửa đạn, máu và nước mắt cùng hào khí ngàn năm hội tụ ở một thế hệ cha ông được thể hiện lãng mạn mà bi tráng. Hình ảnh Tổ quốc và tình yêu là chủ đề xuyên suốt của phim.
Phim dài 25 tập sẽ phát sóng trên VTV1 từ ngày 18-4.
Bình luận (0)