xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cần tâm thế sáng tạo ở nghệ sĩ

TIỂU QUYÊN

Ngoài nhiều lý do khách quan, nhiều ý kiến cho rằng chính tâm thế sáng tạo của văn nghệ sĩ mới là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự “thịnh vượng” của văn học nghệ thuật ở bất kỳ thời đại nào

NSƯT - Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần:

Người làm phim chống tiêu cực rất “cô đơn”

Sứ mệnh chân chính của nghệ thuật là phản ánh hiện thực, đề cao cái hay, cái đẹp của cuộc sống, chứ như hiện nay xu hướng phim giải trí quá nhiều. Chỉ những người có trách nhiệm, có tâm huyết mới lao vào thực hiện những bộ phim chính luận, chống tiêu cực. Nhưng những nhà làm phim thể loại này lại rất cô đơn vì hầu như không ai ủng hộ cả. Phản ánh tiêu cực hay những vấn đề nóng của xã hội cần có người làm nghề dũng cảm mới có thể đương đầu trước nhiều khó khăn, thử thách.
img
Cảnh trong phim Cánh đồng bất tận, dựng từ tác phẩm văn học cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư. (Ảnh do đoàn phim cung cấp)

Chúng ta cũng đang rất thiếu đội ngũ văn nghệ sĩ thâm nhập thực tế để có thể viết được kịch bản hay về đề tài nông thôn. Người viết trẻ không hiểu cả thủ tục hành chính, nhân vật muốn thuê một khúc sông để nuôi cá thì phải làm như thế nào. Đích thân tôi phải viết lại, kịch bản xong rồi thì lại đi tìm nhà đầu tư. Rất ít công ty sản xuất phim tư nhân dám làm những đề tài chính luận, họ ngại không được duyệt, ngại kinh phí, rủi ro kinh doanh…

Đừng nghĩ rằng khán giả chỉ thích xem phim giải trí mà quên mất một lượng khán giả lớn ở nông thôn rất thích xem những bộ phim nói đúng về thực trạng đời sống của họ. Tôi nhớ khi phim Ma làng phát sóng (năm 2007), rất nhiều khán giả ở cả những nơi xa xôi cũng viết thư về chia sẻ, đồng cảm. Đó chính là niềm vui, hạnh phúc của những người làm nghệ thuật.

NSƯT - Đạo diễn Việt Linh:

Cần môi trường khuyến khích sáng tạo

Ngày trước, chúng tôi làm phim vất vả vô cùng, bây giờ người làm nghề đã có sự hỗ trợ rất nhiều của các phương tiện kỹ thuật hiện đại. Tôi không cho rằng văn học nghệ thuật thiếu đội ngũ kế cận mà họ đang bị dùng dằng giữa nhiều lý do: làm nghệ thuật nhưng luôn phải tính đến yếu tố thương mại. Trong khi đó, nhà nước lại không đủ quyết tâm làm ra sản phẩm vừa đủ giá trị nghệ thuật vừa đáp ứng được yêu cầu của số đông. Cũng không chịu khó tìm cách đưa phim đến với công chúng. Từ trước tới nay, tôi có cảm giác nhà nước làm nghệ thuật với tâm lý công chức, ăn lương tới đâu làm tới đó. Ngày xưa, phim điện ảnh được chiếu trong các rạp phim của nhà nước, không có doanh thu cũng không sao nhưng bây giờ thì khác.

Nghệ sĩ cần có môi trường sáng tạo khuyến khích phát triển nhưng hiện nay, văn học nghệ thuật lại thiếu môi trường này. Đối với những bộ phim có giá trị như Đừng đốt, Mùi cỏ cháy, Những người viết huyền thoại… lại vô ích đối với học sinh - sinh viên. Ở nhiều nước phương Tây, điện ảnh được kết nối cả với hệ thống giáo dục. Mỗi năm, bộ giáo dục đều đưa đến trường học những bộ phim hay, có ý nghĩa. Còn nước mình có chú tâm đến vấn đề đó đâu? Tôi thấy xót khi nhà nước bỏ tiền ra làm phim rồi bỏ mặc.

Bên cạnh đó, tôi cũng muốn nhấn mạnh đến yếu tố tài năng. Thế hệ nào cũng cần phải có người có tâm huyết. Nói là thiên tài thì hơi quá, chỉ cần có khả năng và tâm huyết, máu lửa với nghề. Nếu được sống trong bối cảnh vừa hội đủ điều kiện sản xuất vừa có môi trường thưởng thức thì có thể kỳ vọng được tác phẩm có giá trị cao.

NSƯT - Đạo diễn Vinh Sơn:

Thiếu nền tảng văn học

Tôi cho rằng hiện nay, điện ảnh đang thiếu một nền tảng vững chắc từ văn học. Ngày trước từng có rất nhiều bộ phim được chuyển thể từ văn học và được đánh giá cao. Tác phẩm văn học đóng vai trò rất quan trọng trong việc quyết định nội dung, tư tưởng cho bộ phim.

Bên cạnh đó, nguyên nhân góp phần khiến điện ảnh không có nhiều phim hay là sự rụt rè, sợ kiểm duyệt của những người làm nghệ thuật. Vẫn có phim hay trong một mặt bằng kiểm duyệt gắt gao nhưng làm nghề mà trong tâm thế rụt rè thì sẽ chẳng thể có được kết quả hoàn hảo. Tôi có cảm giác nhiều phim hiện nay chỉ dừng lại ở khoảng cách an toàn, chưa nói được đến tận cùng của vấn đề muốn nói, mà chính điều chưa nói trong “khoảng cách an toàn” đó mới là yếu tố làm nên giá trị.

NSƯT - Đạo diễn Lê Chức:

Cốt lõi là năng lực sáng tạo

Từ khi thực hiện đường lối đổi mới và mở cửa, dù có ngăn được “gió độc” nhưng cảm giác là văn hóa nghệ thuật bị kéo theo các biến động trong mô hình kinh tế, nhất là khi chúng ta phải chấp nhận yếu tố giải trí. Trước đây, văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng, nay lại thêm mặt trận thứ hai là kinh tế thị trường khốc liệt, biến động khó lường.

Còn quan điểm cho rằng nhà nước đầu tư kinh phí chưa đúng mức, không hẳn là thế! Tiền chưa phải là yếu tố quyết định chất lượng tác phẩm. Lưu Quang Vũ ngày xưa đến ăn còn thiếu, viết thì ngồi xổm trong cái phòng bé tẹo. Vậy mà 25 năm sau khi ông mất, nhiều kịch bản đã được dựng mới, lay động lòng người cùng thời và cả thế hệ hôm nay. Vậy thì, tôi cho rằng cốt lõi chính là năng lực sáng tạo, cái nhìn toàn diện, cường độ xúc cảm, cái tâm trong sáng cùng trách nhiệm cao cả, lòng dũng cảm nghề nghiệp của văn nghệ sĩ. Tác phẩm hay tự thân nó đã là tiền bạc, vậy hãy làm ra tác phẩm đã. Hàng tốt sẽ có người mua và xuất hiện các “nhà phân phối sản phẩm” ngay!

NSƯT - Đạo diễn Trần Minh Ngọc:

Đỉnh cao là… viễn tưởng

Một trong những yếu tố làm nên thành công vở diễn chính là cái hay, cái được của kịch bản văn học. Các tác giả đầu tiên của sân khấu - cải lương là những trí thức, có trình độ hiểu biết, có ngoại ngữ và nhất là nền tảng văn hóa. Ngày nay, những tác giả như vậy không còn nữa, một số đã ra đi, một số lực bất tòng tâm vì tuổi tác, số còn lại gác bút vì không còn cảm hứng. Chỉ còn lại một số ít rất nhiệt tâm nhưng tư duy cũng đã có triệu chứng cằn cỗi, không theo được nhịp độ của cuộc sống xã hội hiện đại. Do vậy mà rất hiếm kịch bản hay.

Tôi cho rằng muốn sân khấu - cải lương trở lại thời vàng son như ngày trước là điều viễn tưởng. Tuy nhiên, nếu nhìn với thực tế hiện nay, muốn đưa sân khấu - cải lương lên một tầm khả thi thì giải pháp có thể làm được là phải chấp nhận thay đổi cái sẽ mất đi vì không còn phù hợp; đồng thời chấp nhận cái lạ, cái chưa quen. Thậm chí, thay đổi cả trong lĩnh vực đầu tư, không nên bình quân, ai cũng được hưởng mà là đầu tư cho các dự án sáng tạo thật sự.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo