Công chúng, ca sĩ, nhà sản xuất chương trình ca nhạc thở phào nhẹ nhõm vì lệnh cấm 5 ca khúc: “Cánh thiệp đầu xuân”, “Rừng xưa”, “Chuyện buồn ngày xuân”, “Con đường xưa em đi”, “Đừng gọi anh bằng chú” đã được tháo dỡ. Động thái tích cực của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch buộc Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) hủy bỏ lệnh cấm lưu hành 5 ca khúc vừa nêu cho thấy những quyết định làm “nóng” dư luận thời gian qua là xuất phát từ tư duy máy móc, cảm tính, thiếu thiện ý của cục này.
Như chơi trò “tập tầm vông”
Dù sao thì thiệt hại từ lệnh cấm này đối với ca sĩ, nhà sản xuất có sử dụng 5 ca khúc nêu trên chưa lớn như những trường hợp từng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Trước đây, đã có rất nhiều ca khúc cho phổ biến năm trước, đến năm sau lại thu hồi. “Ai biểu anh làm thinh” (sáng tác: Trầm Tử Thiêng) được phép phổ biến theo Quyết định số 63/QĐ-CNTBD ngày 29-12-2010, sau đó bị thu hồi theo Quyết định số 29/QĐ-NTBD ngày 6-4-2011; “Tôi đưa em sang sông” (tác giả: Y Vũ), cho phép phổ biến theo Quyết định số 583/QĐ-NTBD ngày 18-10-2011, sau đó Quyết định số 396/NTBD-PQL ngày 14-5-2013 không cho phép…
Đặc biệt nghiêm trọng là trường hợp ca khúc “Tàu đêm năm cũ” (tác giả: Trúc Phương), Cục NTBD cho phép phổ biến trong Quyết định số 681/QĐ-NTBD ngày 29-11-2011. Đến ngày 26-6-2012, Cục NTBD ra Văn bản số 267/QĐ-NTBD ngưng cho phép phổ biến ca khúc này, buộc thu hồi toàn bộ đĩa đã xuất bản, gây thiệt hại không nhỏ cho ca sĩ và doanh nghiệp.
Tất cả hiện tượng trên cho thấy những nhà quản lý đang lúng túng, mâu thuẫn với chính các quyết định của mình.
Tại sao Cục NTBD phải cấp phép phổ biến cho ca khúc sáng tác trước năm 1975 ở miền Nam và của tác giả người Việt sinh sống ở nước ngoài? Câu hỏi này chưa ai trả lời, kể cả cơ quan cấp phép là Cục NTBD. Chẳng rõ cơ quan quản lý đề ra quy định này để làm gì nhưng những diễn biến thời gian qua cho thấy chính các quy định không hợp thời đó đã gây cho các nhà quản lý sự rối rắm.
Khi xét duyệt những ca khúc thuộc dạng này, Cục NTBD chưa có điều kiện tiếp cận các nhạc bản gốc. Vì vậy mới có chuyện những bài hát sửa lời được cấp phép, sau đó lại thu hồi. Cũng là những ca khúc sáng tác trước năm 1975, có nội dung tương tự nhưng bài này thì được phép phổ biến, bài khác lại bị cấm, bị thu hồi, gây hoang mang, bất công cho nhiều cá nhân và tổ chức.
Thậm chí, có trường hợp bị thiệt hại về vật chất lẫn tinh thần như ca sĩ Vi Thảo, bị thu hồi album “Tàu đêm năm cũ” vì có ca khúc cùng tên của tác giả Trúc Phương. Cũng vì không biết hết ca khúc xưa nên cơ quan chức năng đã để xảy ra trường hợp “Phố đêm” của nhạc sĩ Tâm Anh thành “Phố đêm” của nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Kiệt trong CD “Tình ca 50” của Đàm Vĩnh Hưng khiến ca sĩ này bị thiệt hại vì album bị thu hồi, còn một số chuyên viên và lãnh đạo Sở Văn hóa - Thông tin (VH-TT) TP HCM lúc đó bị kiểm điểm, kỷ luật.
Cũng chính vì những quy định này mà vừa qua, một số ca khúc từng nổi tiếng mấy chục năm của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bỗng dưng trở thành ca khúc “lậu”, phải làm hồ sơ xin mới được Cục NTBD cấp phép phổ biến.
Tự phủ nhận tính pháp lý của các quy định trước
Nếu hiểu máy móc theo tinh thần của Cục NTBD thì cả những ca khúc trong phong trào Hát cho dân tôi nghe cũng sẽ phải “xin” phép lại, như: “Dậy mà đi” (Nguyễn Xuân Tân), “Hát cho đồng bào tôi nghe” (Tôn Thất Lập)…
Những ca khúc này tuy không nằm trong các quyết định phổ biến của Cục NTBD nhưng tất cả đều được sử dụng trong các chương trình phát hành băng đĩa ca nhạc đã được các sở VH-TT cấp phép sản xuất và phổ biến trước đây, được Cục NTBD kiểm duyệt qua hình thức cấp nhãn kiểm soát trên bản ghi âm, ghi hình từ năm 1999.
Cụ thể, bài “Nối vòng tay lớn” được phát hành trong các chương trình: “Tình khúc Trịnh Công Sơn chọn lọc” của Bến Thành Audio-Video năm 2001, album “Đêm thành phố đầy sao” của Công ty TNHH-DV-VHNT Phú Nhuận năm 2004, CD “Huế - Sài Gòn - Hà Nội” của Hãng phim Trẻ năm 2000… Bài “Huế - Sài Gòn - Hà Nội” đã có trong chương trình vừa nêu và các chương trình “Tuổi đá buồn - Vẽ bằng màu tình yêu” của Công ty TNHH TM-DV Đông Hải năm 2004, “Bài ca Hà Nội” của Hãng phim Trẻ năm 2001… Bài “Ca dao mẹ” có trong các chương trình “Tình ca dâng mẹ” của TTBN Rạng Đông năm 2004, trong “Album Trịnh Vĩnh Trinh”, “Mưa mùa hạ”, “Hòa tấu guitar Tình nhớ” của Hãng phim Phương Nam vào các năm 2004, 2005… Từ đó đến nay, chưa hề có quyết định nào thu hồi các sản phẩm băng đĩa trên. Nay, Cục NTBD lại cho rằng những ca khúc này chưa được phép lưu hành và phải xin phép lại. Phải chăng cục tự phủ nhận tính pháp lý của các văn bản pháp luật mà mình đã ban hành?
Cụ thể, ngày 8-1-1996, Bộ VH-TT ban hành Thông tư số 05/TT-PC hướng dẫn thực hiện quy chế “Lưu hành kinh doanh phim, băng đĩa hình, băng đĩa nhạc; bán, cho thuê xuất bản phẩm; hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa nơi công cộng; quảng cáo, viết, đặt biển hiệu” (kèm theo Nghị định số 87/CP ngày 12-12-1995 của Chính phủ). Thông tư này quy định “được phép phổ biến các bản nhạc, bài ca sáng tác trước Cách mạng Tháng Tám và trước năm 1975 ở miền Nam đã được đài phát thanh, truyền hình phát sóng; các nhà xuất bản, các cơ sở sản xuất băng đĩa nhạc hợp pháp phát hành; đã được đăng trên các báo, tạp chí; sử dụng trong các phim đã được phép phổ biến; sử dụng trong các chương trình nghệ thuật được phép công diễn; được sở VH-TT và Bộ VH-TT cho phép phổ biến”.
Các điều khoản quy định về cấp nhãn kiểm soát cũng nêu rõ: “Băng đĩa đã dán nhãn kiểm soát thì được lưu hành trong và ngoài nước, trừ trường hợp sau khi đã dán nhãn mà bị cơ quan có thẩm quyền cấm lưu hành” (Nghị định 55/1999); “bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu đã dán nhãn kiểm soát có hiệu lực lưu hành trên toàn quốc và khai báo hải quan khi thực hiện xuất khẩu” (Nghị định 79/2012). Cục NTBD không biết đến các quy định này hay cố tình phủ nhận để làm khó?
Cục NTBD cho rằng đã nhiều lần đề nghị các địa phương rà soát, cung cấp các ca khúc ra đời ở miền Nam trước năm 1975 và ca khúc do người Việt định cư ở nước ngoài sáng tác chưa được phép phổ biến để ra quyết định chính thức nhưng chưa được đáp ứng. Thiết nghĩ, là cơ quan cấp nhãn kiểm soát cho các sản phẩm băng đĩa trên toàn quốc, Cục NTBD là nơi có đầy đủ dữ liệu và thẩm quyền nhất để làm công việc này.
Việc cho phép lưu hành trở lại 5 ca khúc vừa rồi chỉ là giải pháp tình huống, “chữa cháy”. Việc cơ bản phải làm là điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật khi nó không còn phù hợp, nhất là điều 29 Nghị định 79/2012 “Quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc sân khấu”.
Bị đối xử khác biệt
Một đối tượng khác cũng nằm trong phạm vi điều chỉnh của điều 29 Nghị định 79/2012 là các tác giả người Việt Nam định cư ở nước ngoài, muốn phổ biến tác phẩm tại Việt Nam phải có hồ sơ xin phép Cục NTBD.
Hiện nay, rất nhiều tác giả trẻ sinh ra và lớn lên sau chiến tranh có nhu cầu hoạt động nghệ thuật ở quê nhà. Các ca khúc của họ đều mang những nội dung ca ngợi tình yêu, cuộc sống đơn thuần. Nhưng muốn phổ biến, họ cũng phải xin phép, như trường hợp nhạc sĩ Thanh Bùi, nhạc sĩ Dương Khắc Linh… Đây là quy định làm khổ rất nhiều cho chính tác giả, ca sĩ và các đơn vị sản xuất âm nhạc thời gian qua.
Bình luận (0)