Theo chân nghệ sĩ qua 5 tỉnh đồng bằng của Campuchia có đông dân Việt sinh sống: Svay Rieng, Kampong Cham, Kampong Chhnang, Kampong Thom, Seam Reap, chúng tôi nhận thấy nhu cầu hưởng thụ văn nghệ của người Việt những nơi này rất lớn bởi đời sống tinh thần quá thiếu thốn. Vì vậy, được xem nghệ sĩ trong nước biểu diễn là khát khao của kiều bào nơi đây.
Bầu sô ăn chặn đủ kiểu
Tại các chợ lớn như: Thmây, Cha, Olympic..., từ 17 giờ, thức ăn đủ món Tây, Hoa, Việt, Khmer đã được bày bán chung quanh sân bãi. Khi đã dứt ra khỏi chương trình văn nghệ do các chùa Việt tổ chức, một số bầu sô thuê sân bãi để dựng rạp hát. Vì vậy, chẳng lạ gì khi chủ các hàng quán ở đây đều là người thân thích của bầu sô. Họ bán thức ăn, nước giải khát và cả vé chợ đen. “Giá thù lao hát cho bầu sô trong hội chợ và sân bãi có phần minh bạch hơn hát cho các chùa. Tuy nhiên, nếu không nhận trước số tiền tạm ứng thì khả năng bị bớt thù lao khi sang diễn tại đây là khó tránh khỏi. Bầu sô ở đây bày đủ trò để lừa nghệ sĩ trong nước sang. Một đêm họ tổ chức diễn tại 3 sân bãi cách nhau vài chục cây số. Khi đã thương lượng giá thù lao với nghệ sĩ trong nước, họ gửi tạm ứng trước thù lao của 1 điểm diễn, còn thù lao 2 điểm kia sẽ được trả khi kết thúc điểm diễn cuối. Trên thực tế, mặc dù nghệ sĩ diễn 3 điểm nhưng bao giờ giới bầu sô cũng chỉ trả thù lao 2 điểm. Tuy nhiên, khi đến điểm diễn thứ ba, tôi và một vài đồng nghiệp hát xong, đứng chờ mãi chẳng thấy bầu sô đâu. Hỏi nhân viên của sân bãi, họ bảo hãy quay về điểm diễn đầu. Vòng vo khắp các chợ mới biết mình bị quỵt. Tài xế người Campuchia nên hết giờ là mời nghệ sĩ chúng tôi xuống xe, dù chưa về đến nhà nghỉ” - một nghệ sĩ bức xúc.
Một nghệ sĩ cải lương cho biết hát ở hội chợ cũng bị “cắn” bớt thù lao khi người quản lý chương trình dụ nghệ sĩ mua vé số với chiêu “nhờ anh chị mua giùm vài tờ để câu khán giả, họ sẽ đổ xô theo anh chị mua số lượng nhiều”. Thế nhưng, sau 7 suất diễn, khi lĩnh lương thì nghệ sĩ mới biết mình bị trừ tiền vé số mua “mồi”. “Chúng tôi thắc mắc thì người quản lý bảo có dự xổ số, lãnh quà tặng nên phải trừ tiền. Trên thực tế, tôi chỉ trúng được gói xà bông bột” - nghệ sĩ này kể.
Con đường đến sạt nghiệp
Dập dìu sang Campuchia hát sô đã mang lại nguồn thu nhập lớn cho một số nghệ sĩ cải lương, hài kịch. Thế nhưng, nguy cơ mất trắng tiền đã được một số nghệ sĩ cảnh báo. Naga Casino tại Phnom Penh là sòng bạc lớn và ngày càng nhiều người Việt đến đây. Một số nghệ sĩ ngôi sao được giới bầu sô ở đây chiêu đãi những bữa ăn trong casino, đồng thời cung cấp cả dịch vụ khách sạn miễn phí. Vì vậy, khi sang đây biểu diễn, một số nghệ sĩ đã vướng vào trò đỏ đen dẫn đến tiêu tan sự nghiệp.
Nghệ sĩ Châu Thanh kể: “Cộng đồng người Việt sống tại ấp Kandal, xã Phsa Chhnang, huyện Kampong Chhnang, tỉnh Kampong Chhnang thích xem ca nhạc tạp kỹ và cải lương ở sân bãi và các phòng trà, sân khấu nằm trong casino. Vì vậy, hoạt động biểu diễn tại đây rất sôi nổi”.
Còn phía Đông Bắc Campuchia, các vùng Mondolkiri, Katanakiri, Stung Treng, ngày nay đã mọc lên nhiều casino bên bờ sông Sêrêpôk. Người Việt ra vào các sòng bạc này không ít. Một khán giả chỉ cho chúng tôi xem bức ảnh chân dung của một phụ nữ Việt rất quen, đó là vợ cũ của một nghệ sĩ cải lương rất nổi tiếng, theo chồng lưu diễn sang đây rồi thành con nợ của các sòng bài. “Người này bị treo hình ở các sòng bạc để khuyến cáo nhân viên an ninh không cho vào” - khán giả này cho biết. Không ít nghệ sĩ cải lương sang Campuchia biểu diễn đã “tạm trú dài hạn” tại các sòng bạc từ cửa khẩu Mộc Bài cho đến các casino ở Phnom Penh, Seam Reap. Tiền thù lao và tiền khán giả tặng khi hát ở phòng trà cải lương, họ sẵn sàng nướng sạch vào các sòng bạc.
Bình luận (0)