Trong bộ phim Khi yêu đừng quay đầu lại (đạo diễn: Châu Huế, vừa phát sóng trên kênh VTV3), Huỳnh Thanh Tùng vào 2 vai Phúc cha và Phúc con, trong đó nhân vật Đặng Duy Phúc (cha) chết ngay từ tập đầu tiên do bị tai nạn nên ảnh thờ (cũng là ảnh của diễn viên Huỳnh Thanh Tùng) được gắn lên bia mộ và đặt lên bàn thờ gần suốt độ dài bộ phim 45 tập này. Huỳnh Thanh Tùng đã chấp nhận “chết” và trưng ảnh lên bàn thờ, bia mộ vì xem đó là chuyện đương nhiên của nghề nhưng cũng có không ít diễn viên rất kiêng kỵ chuyện “chết trên màn ảnh”. NSƯT Kim Xuân dù cũng đã từng chấp nhận đóng vai chết trên phim nhưng mỗi khi nhắc đến chuyện này, chị xua tay ngay: “Kiêng kỵ, không muốn nhắc lại”.
Ám ảnh cảnh chết
(Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Diễn viên trẻ Mai Phương, dù cho rằng chuyện “chết” trên sân khấu hay phim ảnh là bình thường với bất kỳ diễn viên nào nhưng cũng bị ám ảnh bởi lần bị siết cổ thật khi diễn vở Người vợ ma trên Sân khấu Kịch Phú Nhuận. “Nếu trên phim trường thì có thể la lên nhờ mọi người đỡ xuống nhưng trên sân khấu thì không thể. Tôi đau quá nhưng cố chịu đựng vì cảnh diễn cũng chỉ vài giây ngắn ngủi, chỉ có điều lẽ ra nhân vật phải giãy giụa thật mạnh thì tôi xụi lơ. Tôi cũng thấy sợ điều này nên các suất diễn sau đó đã yêu cầu đạo diễn chỉ dán thòng lọng phía sau cổ thôi” - Mai Phương nói.
Gương mặt trẻ Dương Cẩm Lynh cũng bị ám ảnh mấy ngày khi đóng vai hồn ma trong phim Oan nghiệt. “Buổi sáng, đến phim trường, tôi hoảng hồn khi thấy tổ thiết kế đặt hình mình trên bàn thờ rồi sau đó quay cảnh bạn bè, người thân đến viếng, thắp nhang khấn vái khóc thương. Sau đó, tôi phải thực hiện cảnh quay nhân vật hồn ma đứng nhìn di ảnh mình trên bàn thờ. Lần đầu tiên bị trưng ảnh lên bàn thờ, tôi thật sự lo sợ. Gia đình xem phim cũng hỏi sao tôi gan quá vậy” - Dương Cẩm Lynh nhớ lại.
Làm phim có vai “chết”, phải quay những cảnh đám tang không chỉ là nỗi lo của nhiều diễn viên mà còn là nỗi ám ảnh của đạo diễn về bối cảnh. Đạo diễn Nguyễn Minh Cao cho biết các diễn viên từng tham gia vai “chết” trong phim của anh đều không kiêng kỵ gì nhưng đoàn phim luôn gặp khó khăn trong việc tìm bối cảnh quay đám tang, có đầy đủ quan tài và bàn thờ. Hầu hết cảnh quay cần thiết đều nhờ đến bối cảnh nghĩa trang. Chia sẻ này cũng nhận được sự đồng cảm của diễn viên Thanh Thúy. Khi thực hiện bộ phim Bão mùa hè, chị đã phải chạy đôn chạy đáo tìm bối cảnh khu mộ cho nhân vật của diễn viên Vân Anh, sau cùng phải ra một góc nghĩa trang TP Đà Lạt.
Đạo diễn Trần Quế Ngọc kể thêm: “Bộ phim Màu xanh đôi mắt (đã phát sóng trong giờ phim chiều của HTV9) cần một đám tang thật sự để nói lên nỗi ám ảnh mất mát của người dân vùng bão. Vì không thể mang quan tài, di ảnh, khăn tang vào nhà dân, tôi phải nghĩ ra cách cho đám đưa tang đi trên đồi và nhân vật chính đứng lặng lẽ nhìn theo”. Theo đạo diễn này, quay cảnh đám tang trong nhà là điều vô cùng nan giải, đoàn làm phim luôn phải tìm cách xử lý vì gia chủ không bao giờ cho phép để quan tài trong nhà. Trong bộ phim Dòng sông thương nhớ vừa mới hoàn thành, đạo diễn Trần Quế Ngọc cũng phải xử lý đám tang bằng cách cho các diễn viên nhí ngồi khóc phía sau và hình ảnh những người trong nhà đeo tang đi vào khung hình dù rằng nếu quay được cảnh đám tang đúng nghĩa thì sẽ chuyển tải được nhiều cảm xúc chân thật hơn”.
Cảm xúc nghệ thuật
Không kể đến những vai phụ, diễn viên quần chúng “chết” trong chiến tranh, bão lũ, đánh nhau…, những vai chính, thứ chính khi được biên kịch “xử lý cho chết” đều theo ý đồ tạo bi kịch cho số phận của nhân vật chính, từ đó để lại nhiều cảm xúc cho khán giả. Đạo diễn Phạm Lộc từng làm nhiều phim phải quay cảnh người chết, đám tang nói rằng chuyện “chết” trên màn ảnh đối với người làm nghề là bình thường nhưng cũng không tránh được những diễn viên kiêng kỵ. Theo anh, có không ít diễn viên đã từ chối thẳng khi được giao vai nhân vật sẽ “chết”. Nhưng cũng có trường hợp trái ngược, như gương mặt trẻ Tường Vy lại khá hào hứng khi vào vai nhân vật chết trong bộ phim Sỏi đá cũng biết yêu (đạo diễn: Hà Sơn) hay Võ Đình Hiếu sẵn sàng “nộp” ảnh làm bia mộ cho mình trong phim ngắn Xin lỗi anh chỉ là thằng bán bánh giò!
“Nếu không quá quan trọng, đoàn phim có thể bỏ qua cảnh đám tang hoặc xử lý khác nhưng cũng có những trường hợp không thể. Ví dụ, trong phim ngắn Xin lỗi anh chỉ là thằng bán bánh giò! nhất định phải có mộ phần của nhân vật. Tôi xây mộ giả, trưng hình Đình Hiếu lên ngôi mộ hỗ trợ cho phân cảnh diễn xuất của Nhã Phương để nâng cảm xúc người xem” - đạo diễn Phạm Lộc nói. Cũng nhờ vậy, phim ngắn này đã tạo được sức lay động lớn với khán giả.
Trong bộ phim Thuyền giấy (đang phát sóng lúc 13 giờ trên kênh HTV7), đạo diễn Nhâm Minh Hiền cũng đã tạo được những chi tiết đắt giá trong các phân cảnh “chết” của nhân vật cu Bi - do diễn viên nhí Nhật Thanh đóng, ở tập 16 của phim. Xuyên suốt gần nửa phim, cu Bi là tuyến nhân vật kết nối cảm xúc cũng như tạo nên tình yêu thương, hy sinh của nhân vật chính Hương Thảo (diễn viên Ngọc Lan đảm nhận). Cái chết của nhân vật nhí này là cần thiết để người cha bội bạc quay về sám hối. Diễn viên nhí Nhật Thanh phải chấp nhận đóng cảnh “chết” qua nhiều phân đoạn cho nhân vật của Ngọc Lan lột tả hết nỗi đau tận cùng của người mẹ và đón sự trở về của người cha. Đạo diễn Nhâm Minh Hiền nói rằng dù để diễn viên nhí có nhiều phân cảnh “chết” khiến người xem thắt lòng nhưng anh cố tình thể hiện bằng ngôn ngữ điện ảnh để cảm xúc chạm đến trái tim khán giả. Vì thế, Thuyền giấy đã có được những thước phim đẹp, sâu lắng.
Chết đẹp Cũng chọn cách “đầu tư cái chết” cho nhân vật để lấy nước mắt khán giả, khi viết kịch bản Vợ của chồng tôi (phim đã phát sóng lúc 22 giờ 30 phút trên HTV9, tạo được thảo luận sôi nổi trên các diễn đàn mạng), biên kịch Châu Thổ đã chọn cho nhân vật Bảo Hà của diễn viên Văn Phượng một cái chết đẹp trên bờ biển. “Đó cũng là cảnh kết của phim, chúng tôi muốn đẩy cảm xúc của người xem lên đến đỉnh điểm trước những mất mát và hy sinh của người vợ, người mẹ. Phải cho nhân vật có một cái chết tạo được cảm xúc lắng đọng, sâu sắc thì thông điệp của bộ phim mới được chuyển tải trọn vẹn đến người xem” - đạo diễn Việt Trinh nói. |
Bình luận (0)