"Mê gái"
"Đàn ông mà không mê gái thì chết trớt đi cho rồi!", đó là câu ông hay nói vui với bọn tôi. Nhưng ông mê gái không phải theo cách như ta thường hiểu. Ông mê cái đẹp mà tạo hóa ban cho người phụ nữ thì đúng hơn. Tôi nghiệm ra điều này khi nhớ lại những lần cùng ông và bạn bè ngao du nơi này nơi khác...
Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân. (Hình họa do tác giả bài viết cung cấp)
Lúc còn Trung tâm Thông tin ở góc đường Hùng Vương - Yên Báy, nơi thường tổ chức các triển lãm mỹ thuật đầu tiên ở Đà Nẵng những năm trước đổi mới, hầu như đêm nào bọn trẻ chúng tôi cũng có mặt. Nhưng thầy Xuân vẫn là người hiện diện đều đặn hơn tất cả. Khi phòng tranh đóng cửa, chúng tôi thường mua rượu về lai rai và tất nhiên có mặt một vài cô gái đẹp Đà thành. Thầy bao giờ cũng thích ngồi với một cô trong số đó và xưng hô "anh, em" rất điệu. Rồi thế nào ông cũng cầm tay cô gái, cũng hôn lên trán cô trước khi đứng dậy đọc thơ. Và "Nhanh với chứ, vội vàng lên với chứ/ Em, em ơi tình non đã già rồi..." vẫn là bài ruột mỗi lần "thi sĩ Xuân" đọc thơ. Đặc biệt, đến 2 câu "Hái một mùa hoa lá thuở măng tơ/Đốt muôn nến sánh mặt trời chói lọi"... bao giờ cũng được thầy đứng lên đọc với một âm sắc rất cao theo kiểu riêng của ông...
Thỉnh thoảng, có lúc "bọn trẻ" mời ông đi hát karaoke, ông vẫn rất tích cực nhưng đặt điều kiện: Cứ để ông được hút thuốc lá đen hiệu Đà Lạt (thường hút đến hơn 3 gói mỗi ngày) và phải có... một em trẻ đẹp ngồi bên! Tất nhiên là bọn học trò chúng tôi phải đồng ý. Khi chúng tôi hát, ông cũng chỉ cầm tay và ngắm nhìn say sưa cô gái, như vừa cảm ơn tạo hóa đã sinh ra phụ nữ cho cuộc đời này vừa tiếc tuổi... Xuân của mình không còn nữa! Thế nhưng, qua những lần như vậy, ông phấn chấn hẳn ra và sau đó ở lì trong phòng viết đến vài ba ngày để làm việc, quên hẳn thói quen ra quán cà phê tán chuyện mỗi sáng.
Ngày thầy bị tai biến, cả khi nằm ở bệnh viện cho đến lúc về ở nhà con gái để tập đi lại, mỗi khi có y tá đến đo huyết áp hay các bạn gái trẻ nào vào thăm, ông đều bảo đến gần và cho được cầm tay để chỉ... nhìn ngắm người đẹp, như một nhu cầu tự thân. Và tôi chợt nhớ đến những trang viết của ông về phụ nữ: "Trông bà trẻ hơn tuổi nhưng có một vẻ gì tự cao, sang trọng. Bà ta có đẹp không? Tôi không hiểu song có điều chắc chắn là bà đẹp hơn tất cả những người đàn bà tôi gặp quanh bà. Và tự nhiên nhìn con người cao lớn, mập mạp, hai má căng ra và đỏ hồng dưới phấn son tươi thắm, tôi bất giác nghĩ: Đây là một người chỉ đẹp lúc về già" ("Bão rừng"). Hay: "Nàng ngủ hay thức? Đôi mắt nàng vẫn mở trân trân thì đúng là nàng thức nhưng cái vẻ bất động tuyệt đối kia lại chính là trạng thái của người đang ngủ. Mắt nàng ráo khô mà đỏ khé cứ giương vào trong khoảng không…" ("Rồi máu lên hương" - Dịch Cát). Trong truyện ngắn "Đêm tân liêu trai", ông cũng chỉ tả người đẹp theo kiểu rất cổ điển "đôi bờ bồng đảo sương còn ngậm". Còn ở "Kỳ nữ họ Tống", ông viết: "... Người ta chống bà về tội ác nhưng không ai chống sắc đẹp của bà"; "Bây giờ đột nhiên nàng rũ bỏ trần gian để đi về cô quạnh, tôi mới biết ân tình của tôi với nàng nặng biết chừng nào...", thì vẻ đẹp nữ phái trong văn của ông đã trở thành khái niệm mang tính tượng trưng hơn là thực thể, mặc dù ông thiên về tả chân.
Nhà thơ Luân Hoán, sống ở Canada, nhận xét về thầy Nguyễn Văn Xuân: "Nói chuyện nghiêm túc hấp dẫn, lôi cuốn nhưng một đôi khi có dịp "nói hoang", ông cũng tỏ ra tinh tế, hóm hỉnh và thâm trầm rất mực, điều này có thể tìm thấy trong văn phong của tác phẩm Kỳ nữ họ Tống...".
Viết truyện vụ án
Sinh thời, theo ông kể, ông có viết cuốn "Vụ án Truyện Kiều" từ những năm 1960 thế kỷ trước nhưng đã thất lạc khi đưa cho một nhà xuất bản ở Sài Gòn. "Kỳ nữ họ Tống" thì là một tiểu thuyết lịch sử, như ông viết ở chương đầu: "Chúa hơi nhẫn tâm nhưng cũng là hành động của bậc đại trí. Theo tôi hiểu, chúa sợ cái gương của chúa Thượng với Tống Thị tiếp diễn... Ôi, đàn bà!". Tiểu thuyết lịch sử nhưng là mô tả "sự va đập của các tính cách" nhân vật trong vụ án liên quan đến một người đàn bà cụ thể. "Ôi, đàn bà!" mà ông cảnh báo từ đầu truyện đã cho thấy đó còn mang tính thời sự lâu dài đối với bất cứ ai, khi để chuyện ái tình xen vào công việc, dù đó là Đông, Tây hay kim, cổ.
Tôi còn giữ được 2 trang viết tay của thầy Xuân về "vụ án" Lệ Chi Viên mà ông viết vào năm 1986. Năm đó, Hội Văn nghệ và Tạp chí Đất Quảng dự định in một cuốn sách về "Những vụ án trong văn chương Việt Nam". Cụ Hoàng Châu Ký viết về vụ Nhân văn Giai phẩm, thầy Xuân nhận viết về Lệ Chi Viên. Bản viết của cụ Ký vẫn còn nguyên nhưng bài thầy Xuân bị mối ăn chỉ còn 2 trang 3 và 4 mà tôi vẫn giữ như báu vật. Tuy bản thảo chỉ còn ít nhưng có thể thấy dù viết chuyện án trong lịch sử, Nguyễn Văn Xuân bao giờ cũng muốn người đọc luận cổ suy kim. Và đó chính là sức mạnh bất di bất dịch trong ngoài bút của ông.
Xin trích một đoạn: "... Trong triều đình, cung viện hổ lốn ấy, cạnh ông vua ham mê tửu sắc, hiếu sát ấy lại thấy xuất hiện bà Lễ nghi học sĩ mơn mởn đào tơ hầu bên vua thì người ta hiểu gì về chồng bà? Tất nhiên Nguyễn Trãi biết có bao nhiêu mũi tên độc địa nhắm bắn ông. Vậy hành động của Nguyễn Trãi tất phải có một ý nghĩa nào đó: hoặc ông muốn tự bảo vệ hoặc ông muốn giúp Thái Tôn - ông vua chỉ muốn đàn bà đẹp bên mình, từ chối hết các mẫu sư, các quan giảng sách già nua - qua sức hấp dẫn của Nguyễn Thị Lộ để chấn chỉnh triều cương, cung viện hoặc ông muốn mưu đồ đại sự, cụ thể là việc xếp đặt người kế vị (Lê) Thái Tôn để cứu dân giúp nước. Nghĩa là ông dùng mỹ nhân kế để đạt được ba mục đích ấy chăng?"...
Nhà văn Nguyên Ngọc khi đánh giá về nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân đã cho rằng ông là một cây bút tài năng hiếm có. Khi ông viết nghiên cứu thì tạo được sự hấp dẫn như viết tiểu thuyết; còn khi sáng tác, dù hư cấu thì lại rất chặt chẽ và khoa học như một nhà nghiên cứu. Là một người yêu quý ông như thầy, tôi còn muốn nói rằng dù là ông viết về những nghi án trong lịch sử, ông cũng luôn tiếp cận những tư liệu khả tín, dựng truyện hấp dẫn nhưng vẫn đưa ra các lý giải xác thực. Chính cách làm việc đó mà những nghiên cứu của ông tuy về một thời xa nào đó cũng gợi ra một ý nghĩa thời sự bổ ích cho người đọc.
Bình luận (0)