Bên cạnh các sự kiện ca nhạc dành riêng cho mình, một số ca sĩ, nhóm nhạc underground còn chọn cách tham gia những chương trình truyền hình thực tế, kết hợp với ca sĩ dòng nhạc chính thống như một cách thực hiện mục tiêu là tìm đến với công chúng số đông dù con đường đi của họ đang đầy chông gai.
Bước ra ánh sáng
Dù chưa đạt thành tích tốt nhất tại các sân chơi này nhưng nhờ tiếp xúc với khán giả truyền hình, họ bắt đầu được nhiều người biết đến hơn. Đó là một trong những điều kiện cần có đầu tiên để ca sĩ underground “bước ra ánh sáng”.
Một điều đáng lạc quan nữa là ngày càng có nhiều ca sĩ thuộc dòng nhạc chính thống tìm đến hợp tác với các ca sĩ nhạc underground nhằm tìm kiếm sự mới lạ cho ca khúc và cho ra đời những sản phẩm kết hợp đặc sắc của họ. Có thể kể đến sự kết hợp giọng hát giữa Lưu Hương Giang với phần rap của Suboi và Cường Seven trong ca khúc nổi tiếng Đừng ngoảnh lại, Đoan Trang kết hợp cùng phần rap của Kimmese trong MV Độc bước, Hồ Ngọc Hà - Suboi với Xin hãy thứ tha, rapper Karik - MTV trong Nói chung là… (Chuyện thằng say)…
Ca sĩ Kimmese tâm sự: “Mình nghĩ không có sự phân biệt giữa underground (không chính thống) và mainstream (chính thống) ở Việt Nam. Bây giờ có rất nhiều người làm nhạc chính thống kết hợp với underground vì hiệu ứng âm thanh sẽ mới lạ và có nhiều đột phá hơn”.
Nếu nhìn vào các nước có nền âm nhạc hiện đại với tính giải trí phát triển mạnh như Mỹ hay Hàn Quốc, có thể thấy sự kết hợp giữa nhạc chính thống và underground gần như là một xu thế tất yếu. Điều này không chỉ đưa 2 dòng nhạc đến gần nhau hơn, tạo cơ hội tỏa sáng cho những tên tuổi underground có thực lực mà khán giả cũng được thưởng thức các ca khúc đột phá, sáng tạo. Ở Việt Nam, điều này chỉ mới là những bước đi thận trọng ban đầu của các ca sĩ.
Đường xa vạn dặm
Chưa chính thức trở thành dòng nhạc riêng được thừa nhận như ở thị trường âm nhạc thế giới và dù vẫn kén người nghe nhưng một số sản phẩm underground ở Việt Nam đã được sáng tạo đầy tâm huyết. Những người làm ra nó không cần nghĩ đến việc sản phẩm của mình có được công chúng đón nhận hay không. Chúng ra đời trước hết vì bản thân người làm thích và theo đuổi niềm đam mê của mình. Điểm chung của các sản phẩm này là sự độc đáo, khác biệt. Chúng hoàn toàn lạ lẫm với những gì người yêu nhạc số đông từng thấy, nghe ở thị trường âm nhạc hiện nay. Đây cũng là những sản phẩm âm nhạc khó hấp thu đối với công chúng nghe nhạc số đông.
Sản phẩm âm nhạc underground đòi hỏi người nghe phải có “gu” thưởng thức riêng, sành điệu và đồng điệu. Vì vậy, không ít sản phẩm có chất lượng cao về chuyên môn khi ra đời không được công chúng số đông yêu nhạc đón nhận: Album Blue Butterfy của nhạc sĩ Xinh Xô, 2 album do ca sĩ Trần Thu Hà sản xuất tại Mỹ là Vi sinh và Mầm hạt, đĩa Nụ hôn của biển của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, She’s Not She của nghệ sĩ đàn tranh Võ Vân Ánh với nhạc sĩ Đỗ Bảo, Tri kỷ của Mặt Trời Đỏ, Ru rừng của Trần Mạnh Tuấn, album Đường xa vạn dặm của Quốc Trung...
Thật ra, các sản phẩm âm nhạc này được tạo ra nhằm cung ứng cho một phân khúc thị trường nhỏ, thay vì chinh phục mọi đối tượng khán giả như các thể loại nhạc đại chúng đang thịnh hành. Với nhiều nghệ sĩ, việc phát hành CD hiện nay chỉ như một việc đương nhiên phải làm, ít người tính toán lời lỗ. Họ có những cách tiếp cận khán giả nhanh chóng, tiện lợi hơn nhờ phương tiện internet.
Dấu ấn sáng tạo cá nhân Các album mang đậm dấu ấn sáng tạo cá nhân ra đời như một sự thôi thúc tự thân của nghệ sĩ. Họ muốn làm điều mình thích, muốn khai phá một phân khúc thị trường mới . Có những thể loại âm nhạc đã qua giai đoạn thử nghiệm và bắt đầu phổ biến trên thế giới, người Việt Nam cũng nghe nhiều. Khi những sản phẩm mới mẻ này ra đời, cần một thời gian làm quen với người nghe cho tới khi đạt tới ngưỡng được yêu thích cần thiết để trở thành đại chúng. “Hiện nay, nhiều nghệ sĩ Việt đã hiểu được điều này nên đời sống âm nhạc đang dần xuất hiện những sản phẩm underground. Chúng mang những màu sắc riêng biệt với dấu ấn cá nhân rõ nét” - nhà phê bình âm nhạc Minh Đức nhận xét. |
Bình luận (0)