Bà Tạ Thùy Châu, con gái của cố họa sĩ Tạ Tỵ, vừa lên tiếng cho biết gia đình sẽ gửi đơn kiện tới TAND TP HCM yêu cầu những người có liên quan đến bức tranh có tên “Trừu tượng” trong triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” ra trước pháp luật vì đã mạo danh và giả chữ ký của bố bà trên bức tranh đó.
“Vong linh ông cụ bị xúc phạm”
Bà Tạ Thùy Châu là con gái thứ tư của họa sĩ Tạ Tỵ. Tuy không theo hội họa, một phần do chính họa sĩ Tạ Tỵ không cho các con theo đuổi nghiệp vẽ của mình nhưng từ bé, cả mấy anh chị em đã sống trong không khí của hội họa và được họa sĩ Tạ Tỵ dạy dỗ nhiều kiến thức về mỹ thuật.
Bức “Trừu tượng” của hoạ sĩ Thành Chương
Chính vì từng mảng màu, từng đường cọ của bố đã ăn sâu vào trí nhớ của mình nên khi biết thông tin về sự việc bức tranh có tên “Trừu tượng” ký tên của họa sĩ Tạ Tỵ nhưng lại bị họa sĩ Thành Chương phát hiện là tranh của mình, bà Tạ Thùy Châu đã lập tức tới làm việc với lãnh đạo Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM và xác định ngay bức tranh trong triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” của ông Vũ Xuân Chung không phải của họa sĩ Tạ Tỵ.
Bà Tạ Thùy Châu cho biết: “Gia đình chúng tôi còn đang lưu giữ khá nhiều tác phẩm của bố. Bức tranh “Trừu tượng” trong bộ sưu tập của ông Chung hoàn toàn xa lạ, không đúng phong cách vẽ của bố tôi, từ màu sắc cho đến bố cục và đặc biệt chữ ký chắc chắn là giả. Bố tôi không bao giờ ký kiểu đó. Ngay cả các nhà phê bình mỹ thuật và các họa sĩ cũng đã nhận ra điểm này. Chúng tôi đang lưu giữ rất nhiều tranh của bố, chỉ cần đem so sánh sẽ thấy có sự khác biệt rất lớn”.
Họa sĩ Lê Huy Tiếp nhận định: “Chữ ký của họa sĩ Tạ Tỵ nét cứng, thẳng đứng, góc cạnh hơi vuông vức, thể hiện đúng con người của ông là cẩn thận, chỉn chu và vô cùng nghiêm nghị, không phải kiểu họa sĩ dựa vào tính nghệ sĩ để dễ dãi, xuề xòa. Còn chữ ký trên bức tranh trong bộ sưu tập của ông Chung lại hơi nghiêng, chữ in hoa nhưng cố tình bay bổng”.
Bà Tạ Thùy Châu nói: “Chính vì được bố giáo dục từ nhỏ nên anh em chúng tôi thấy rằng không phải của mình thì kiên quyết không nhận. Của ai phải trả về cho người đó. Việc mạo danh chữ ký của bố tôi như vậy là xúc phạm đến vong linh ông”.
Trùng hợp tên gọi
Họa sĩ Tạ Tỵ cũng có một bức tranh tên “Trừu tượng”, được vẽ năm 1951. Bức “Trừu tượng” mà ông Vũ Xuân Chung đang giữ ký mạo danh là vẽ năm 1952. Tuy nhiên, đây là 2 bức vẽ hoàn toàn khác hẳn nhau. Bà Tạ Thùy Châu cho biết: “Trước hết, gia đình chúng tôi lục lại toàn bộ gia tài của bố. Để chắc chắn hơn, tôi đã liên lạc với những người anh tôi đang định cư ở Mỹ để hỏi lại kỹ là bố tôi có vẽ bức tranh có tên “Trừu tượng” nào khác nữa không. Các anh tôi đều khẳng định bức tranh mà tôi đang giữ là bức duy nhất mà bố tôi vẽ. Còn bức tranh “Trừu tượng” của ông Chung rất xa lạ và không hề tồn tại trong ký ức của các anh tôi”.
Bà Châu xác nhận: “Bố tôi từng vẽ một bức tranh tên là “Trừu tượng” vào năm 1951 nhưng bức tranh này hoàn toàn khác biệt với bức tranh “Trừu tượng” mà ông Vũ Xuân Chung đang sở hữu, không có bất cứ sự liên quan nào”.
Theo một số họa sĩ và nhà phê bình mỹ thuật, có thể ai đó biết rằng họa sĩ Tạ Tỵ từng vẽ bức “Trừu tượng”, giai đoạn năm 1951-1952 nên đã gắn cho phiên bản của bức tranh của họa sĩ Thành Chương một “lai lịch” mới.
Phải công khai xin lỗi
Bà Tạ Thùy Châu cương quyết: “Ngày 2-8, gia đình tôi sẽ tới làm việc với Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM một lần nữa. Chúng tôi sẽ gửi đơn khởi kiện những người có liên quan ra TAND TP HCM theo những điều khoản đã được quy định rõ ràng trong Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Hình sự với các tội danh giả mạo tên, chữ ký của tác giả, mạo danh hoặc chiếm đoạt quyền tác giả. Tôi yêu cầu người đang sở hữu bức tranh cũng như người đã chứng thực bức tranh đó là tranh của bố tôi phải xóa tên Tạ Tỵ ra khỏi bức tranh “Trừu tượng” trước hội đồng chuyên ngành được lập bởi các chuyên gia uy tín tại Việt Nam. Người nào đã chứng nhận sai về bức tranh của bố tôi, chúng tôi yêu cầu phải công khai xin lỗi cố họa sĩ trước công chúng”.
“Cố tình đưa tên họa sĩ Tạ Tỵ vào tranh không phải do ông sáng tác là đã xâm phạm đến quyền tác giả mà pháp luật đã quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ” - luật sư Nguyễn Hữu Đức nói. Ngoài ra, theo ông Đức, với các đối tượng liên quan, còn là tội làm và buôn bán hàng giả theo Luật Hình sự quy định.
“Hãy để cho tòa án phân xử” - bà Lê Thị Hồng Hạnh, Phó trưởng đại diện Cục Bản quyền tác giả tại TP HCM, nhấn mạnh.
Về vụ việc gia đình họa sĩ Tạ Tỵ muốn đưa đơn khởi kiện lên TAND TP HCM, Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm Vi Kiến Thành hoàn toàn ủng hộ với mong muốn sự việc sẽ được phân xử nghiêm minh tại tòa.
Họa sĩ Thành Chương gửi đơn tố cáo
Họa sĩ Thành Chương cho biết ông đã có đơn tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng, Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm, Cơ quan Điều tra của Bộ Công an. Trong đơn, họa sĩ Thành Chương viết: “Tôi khẳng định tác giả đích thực và duy nhất của bức tranh này là tôi - họa sĩ Thành Chương, không phải họa sĩ Tạ Tỵ như đang ký tên trên bức tranh. Tên bức tranh tôi đặt là “Chân dung cô Kim Anh” chứ không phải là “Trừu tượng”... Lý do của việc gửi đơn tố cáo là vì: “Tính chất nghiêm trọng của vụ việc, bức tranh giả mạo này có giá trị lớn lại được triển lãm trong một bảo tàng cấp quốc gia là Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM”. Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm, cho biết đã nhận được đơn tố cáo nói trên.
Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - nhà phê bình mỹ thuật Lương Xuân Đoàn - khẳng định: “Chúng tôi đã nhận được đơn thư tố cáo của họa sĩ Thành Chương. Ban thanh tra của hội sẽ làm việc với tác giả. Hội sẽ có công văn chính thức gửi Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch, Bộ Công an”. “Chúng tôi lên tiếng về sự bất lực của chúng ta trong 30 năm qua trước vấn nạn tranh giả. Đây là cơ hội may mắn vô cùng để chúng ta xử lý vấn đề tranh giả, đưa nền mỹ thuật Việt Nam trở lại đúng vị thế”, họa sĩ Thành Chương nói. Ông nói mình phải dấn thân là vì mục đích đó chứ không phải chỉ vì tranh giành một bức tranh trong hàng ngàn bức tranh của ông.
Bình luận (0)