Sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP HCM hay các học viên luyện thi ở Trung tâm Vĩnh Viễn TP HCM gần như ai cũng biết nhà giáo dạy toán Phạm Hồng Danh. Ông luôn có nụ cười với lúm đồng tiền hiền hậu. Nhưng ít người biết ông còn là nhà thơ nhiều suy tư và là tác giả của vài tập truyện.
Phạm Hồng Danh viết truyện hay làm thơ không ngoài mục đích nào khác là để giãi bày chính suy nghĩ hay đúng hơn là cách nhìn của ông về cuộc sống, mà những công thức toán khó có thể giải mã được tình người hay quan hệ giữa người với người.
Một dạo, ngồi đâu cũng thấy Phạm Hồng Danh mua vé số. Ông mua vé số rất nhiều, cầm một tập vé số, ông lựa tìm những con số cần mua. Nhiều lần tò mò tôi hỏi, ông chỉ mỉm cười: “Mua để giúp người nghèo đi bán thôi”. Sau này mới biết nhà giáo Phạm Hồng Danh đang vận dụng toán thống kê để xem xác suất mình trúng số được là bao nhiêu.
Hỏi ông trong cuộc vận dụng phép tính xác suất để thử với vé số, phần thắng có nhiều không, ông cười nói: “Dù tôi tính giỏi đến cỡ nào chăng nữa cũng không qua trời tính. Tôi mua vé số cũng chỉ để thử khả năng vận dụng công thức toán của mình vào thực tiễn ra sao mà thôi. Khó ăn mấy ông xổ số lắm”.
Nhà giáo Phạm Hồng Danh giờ là người thành đạt khi có cả vạn học trò từng học ở Trường ĐH Kinh tế hay luyện thi ở Trung tâm Vĩnh Viễn do ông làm giám đốc. Nhưng trước khi có được chút danh phận, được người đời gọi thầy hay nhà thơ, ông trải qua không ít thăng trầm. Chính vì thế, Phạm Hồng Danh hay nói vui với học trò khi tặng họ cuốn sách “Tuyệt vọng và bất tử” của mình: “Nếu thi rớt ĐH thì cũng không có gì tuyệt vọng, biết đâu đấy lại là cơ hội để chúng ta làm chuyện khác “bất tử” hơn”!
“Tuyệt vọng và bất tử” được chính Phạm Hồng Danh cho in nối bản rất nhiều lần chỉ để tặng học sinh, sinh viên của ông vào mỗi mùa thi ĐH. Đấy cũng là cách ông muốn chia sẻ những suy nghĩ được thể hiện thành câu chữ với bạn đọc và cũng là người học với ông. Cũng như số lượng học trò, sau hơn 20 năm đứng trên bục giảng và tặng sách cho sinh viên của mình, chắc hẳn số lượng người đọc Phạm Hồng Danh thực sự không ít.
Trước khi đến với nghề giáo, Phạm Hồng Danh từng khoác áo lính. Rời quân ngũ, ông từ quê Nha Trang vào Sài Gòn tìm kiếm cơ hội lập thân, lập nghiệp. Mọi khởi đầu thường không suôn sẻ giúp người ta thong thả như khi đã vượt qua. Mới đây, tôi chở Phạm Hồng Danh đi ngang chợ Bến Thành, ông kêu dừng lại hồi lâu... Ông nói tượng Trần Nguyên Hãn đã dời đi, tiếc thật!
Tượng Trần Nguyên Hãn xuống cấp, được chính quyền dời đi để dựng tượng khác, có chi mà nhà thơ Phạm Hồng Danh phải tiếc? Thì ra, khi mới chân ướt chân ráo vào Sài Gòn, có khi ông nhà thơ, nhà giáo sau này phải ngủ qua đêm dưới chân tượng do không có tiền thuê khách sạn. Hên là những đêm “màn trời chiếu đất” ấy, trời Sài Gòn không mưa.
Từng ngủ dưới chân tượng đài nên năm 2013, khi biết tin tượng nhà giáo Trần Đại Nghĩa của nhà điêu khắc Tô Sanh bị bỏ chơ vơ trước cửa một quán nhậu bình dân, Phạm Hồng Danh đã tìm cách rước bức tượng này về đặt trang trọng trong khuôn viên Trung tâm Vĩnh Viễn của ông ở quận Tân Phú. Ông nói: “Tôi là nhà giáo nên rước tượng một nhà giáo về vị trí trang trọng hơn cũng là việc nên làm”.
Trải qua nhiều trớ trêu của phận mình do trời lập trình sẵn như một công thức, dù kết quả thế nào thì Phạm Hồng Danh vẫn luôn nhìn cuộc sống ở nhiều mặt để rồi cười xòa: “Chuyện đời thường vẫn thường bất trắc/Điều trớ trêu nghĩ cũng thường thôi”, để nhận ra nhiều lầm tưởng giá trị của con người như một lời an ủi: “Có người cố tình lầm lẫn lá là hoa/Nên hạnh phúc vì đời nhiều hoa quá”.
Thật vậy, với nhà thơ - nhà giáo Phạm Hồng Danh, ông luôn có nhiều mộng tưởng nhưng hoàn toàn không ảo tưởng khi nhìn cuộc sống này.
Bình luận (0)