Du khách và nghệ sĩ đến với Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần I - Bạc Liêu 2014 trong những ngày qua không khỏi ngạc nhiên khi được chứng kiến ở đây đã mọc lên một nhà hát được gọi Nhà hát Nón lá. Nhà hát này nằm tại Quảng trường Hùng Vương thuộc địa bàn phường 1, TP Bạc Liêu, có tên chính thức trong văn bản là Nhà hát Cao Văn Lầu và Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu, được xây dựng theo mô hình 3 chiếc nón lá, là biểu tượng của văn hóa phương Nam.
Bà Lê Thị Ái Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Khi công trình hoàn chỉnh sẽ được đưa vào khai thác tổ chức biểu diễn những chương trình nghệ thuật mang ý nghĩa bảo tồn giá trị di sản văn hóa truyền thống của dân tộc”.
Nhà hát được khởi công ngày 24-12-2013 với thiết kế gồm 3 khối A, B, C. Mỗi khối có hình trụ tròn, mái hình chiếc nón lá hướng vào nhau, chiều cao nón lớn nhất là 24,25 m, đường kính nón lớn nhất là 45,15 m; kết cấu chính của khối nhà bằng bê-tông cốt thép, mái được làm bằng tấm composite màu chiếc nón lá…
Ba khối nhà hình nón lá được đặt bên cạnh hồ cảnh có diện tích 1.800 m2, giữa hồ là lối đi cho khách tham quan uốn cong theo suốt chiều dài hồ. Phần diện tích hồ phía ngoài lối đi dùng để trồng bông súng, phần hồ nước bên trong in hình ảnh của mái 3 nón lá. Khi đưa vào sử dụng, khối nhà A sẽ là khán phòng hơn 850 ghế, dùng để tổ chức biểu diễn các chương trình nghệ thuật truyền thống dân tộc; khối nhà B sẽ là trung tâm hội nghị tổ chức các cuộc họp, hội thảo lớn và khối nhà C là khu triển lãm.
Thạc sĩ - kiến trúc sư Vương Hoàng Lê, người thiết kế công trình này, cho biết khi thiết kế công trình Nhà hát Nón lá, ông tuân thủ tôn chỉ: sản phẩm kiến trúc phải hướng tới cuộc sống cộng đồng; có sự khác biệt, không lạm dụng quá nhiều kiến trúc Tây và công trình phải tạo được tính tri kỷ, thắm thiết với những ai một lần đặt chân đến Nhà hát Nón lá. Những nguyên tắc cơ bản mà ông luôn tuân thủ trong sáng tác của mình là dựa trên niềm tự hào của văn hóa dân tộc Việt Nam trong việc sử dụng hình ảnh chiếc nón lá; bản sắc văn hóa Việt gắn liền với chiếc nón lá, chiếc nón gắn chặt với đời sống người dân, với nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật… “Ban đầu, chúng tôi có trình lên chính quyền địa phương thiết kế nhà hát theo mô hình đàn kìm, cũng được đánh giá rất cao nhưng sau đó, TP Bạc Liêu nhận thấy có nhiều công trình đã khai thác hình ảnh cây đàn kìm nên chọn thiết kế nón lá là biểu tượng của nhà hát mang tên nhạc sĩ Cao Văn Lầu, tiền bối của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và đại diện cho sự nghiệp nghệ thuật dân tộc của vùng đất phương Nam” - kiến trúc sư Vương Hoàng Lê nói.
Thạc sĩ - kiến trúc sư Vương Hoàng Lê cho biết thêm về tính hiện đại của nhà hát: “Khán phòng nhà hát có 2 tầng, tầng dưới 500 ghế ngồi, tầng trên 350 ghế. Diện tích sàn sân khấu 12 m x 20 m. Có 6 phòng hóa trang cho diễn viên. Hệ thống âm thanh, ánh sáng được thiết kế hiện đại nhất Việt Nam. Sân khấu có xây dựng hố nhạc tự động nâng lên ngang bằng với sàn sân khấu. Sàn hố nhạc này không cố định, để có thể bố trí cho dàn nhạc lễ, cung đình, dàn nhạc cụ nhã nhạc cung đình Huế. Có sân khấu phụ trồi lên từ phía dưới sàn sân khấu chính, tạo hiệu ứng cho việc chuyển cảnh. Có lối thoát hiểm và hệ thống chữa cháy thông minh. Việc vận chuyển cảnh trí ở khối nhà biểu diễn được thiết kế hệ thống điều khiển bằng vi tính”.
Theo bà Lê Thị Ái Nam, nỗ lực của Bạc Liêu là đến cuối tháng 7 sẽ đưa vào khai thác nhà hát, tổ chức hoạt động thường xuyên những chương trình biểu diễn nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, chương trình sân khấu nghệ thuật truyền thống dân tộc và các cuộc triển lãm nghệ thuật, văn hóa gắn liền với sự phát triển của đất nước. Nhạc sĩ - NSND Thanh Hải, đến từ TP HCM, nhận xét: “Nhà hát Cao Văn Lầu (Nhà hát Nón lá) gợi cho chúng ta liên tưởng đến nhà hát Con sò nổi tiếng ở Sydney - Úc nhưng công trình này được cách điệu thuần Việt, tạo vẻ đẹp của kiến trúc truyền thống và hiện đại. Nhà hát Nón lá trở thành điểm nhấn tuyệt đẹp khi nằm trong một quần thể kiến trúc được xây dựng, trùng tu: Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu và nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ; đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; khu nhà Công tử Bạc Liêu, Khu Du lịch sinh thái Hồ Nam, khu Quán âm Phật đài, Khu Du lịch Nhà Mát…”.
Bình luận (0)