Ngày càng có nhiều nghệ sĩ phát hành hồi ký/tự truyện. Sau Lê Vân, Thành Lộc, đến Kim Cương và Ái Vân. Viết hồi ký nghiễm nhiên là đối mặt với sự thật. Có sự thật là kỷ niệm đẹp nhưng cũng có nhiều sự thật khốc liệt khiến người trong cuộc không muốn nhắc tới vì sợ người khác “ném đá” hoặc sợ những người liên quan bị tổn thương. Thực tế những chuyện ấy đã xảy ra.
Cái giá của sự thật
Hồi ký của bất cứ cuộc đời nào cũng có thể gây hấp dẫn đối với số lượng người đọc nhất định. Bởi hồi ký là một dạng nhật ký được công khai. Người bình thường thì gia đình, bà con, bạn bè thân sơ sẽ quan tâm. Người nổi tiếng càng được công chúng đặc biệt quan tâm. Người ta để ý đa phần chỉ để thỏa mãn sự tò mò, nói thẳng ra là vậy. Nếu có sử dụng các mỹ từ khác cũng chỉ để che lấp đi sự tò mò ấy. Chính vì thế, thông thường, phần cuộc đời riêng tư của người công bố hồi ký sẽ được trông đợi nhiều hơn những câu chuyện khác. Chuyện đời tư càng bê bối, rối ren thì càng tăng thêm kịch tính và hấp dẫn cho cuốn hồi ký.
Tuy nhiên, có mâu thuẫn hay không khi chủ thể viết hồi ký đã khiến bạn đọc thỏa mãn nhu cầu muốn biết sự thật về cuộc đời họ lại trở thành đề tài để công luận phán xét. Cách nay tròn 10 năm, nghệ sĩ Lê Vân đã khóc cạn nước mắt cho cuốn hồi ký “Lê Vân, yêu và sống”. Chị khóc trong các buổi giao lưu ra mắt sách ở cả Hà Nội và TP HCM. Khi hiệu ứng bán sách của cuốn sách bắt đầu tích cực thì cũng là lúc công luận chĩa mũi dùi vào người nghệ sĩ công bố hồi ký. Những chi tiết thể hiện sự thật đắng lòng trong gia đình Lê Vân - một gia đình nghệ sĩ nổi tiếng - khiến công chúng ngỡ ngàng và đã không thể chấp nhận. Người ta nhân danh rất nhiều tư cách để phán xét tác giả. Thậm chí, có bài báo còn miêu tả cụ thể những xô xát trong gia đình của nghệ sĩ Trần Tiến - Lê Mai, cha mẹ của Lê Vân khi cuốn sách là tác nhân châm mồi. Thời điểm ấy, Lê Vân trụ vững được để đi qua cơn giận tập thể cũng đã là kỳ tích. Cô đã khóc cạn nước mắt.
Cuối năm 2015, hồi ký “Một đời giông bão” của nghệ sĩ Thương Tín cũng lặp lại sóng gió y như “Lê Vân, yêu và sống” trên truyền thông. Thậm chí, thời điểm Thương Tín ra hồi ký, các trang mạng, trang cá nhân phát triển mạnh mẽ hơn nên anh cũng chịu nhiều búa rìu dư luận hơn. Không kể nhiều về chuyện đóng phim, vai diễn, hóa thân nhân vật trong phim vì anh nghĩ “sẽ viết trong một cuốn sách khác” “Một đời giông bão” của Thương Tín tô đậm về chuyện riêng tư phía sau những vai diễn thần tượng của công chúng trên màn bạc. Một Thương Tín đào hoa, tài hoa và cũng gặp rất nhiều chuyện “chẳng giống ai” khiến nhiều người đồng cảm chia sẻ nhưng không ít người chửi rủa. Có người còn đòi đưa Thương Tín ra tòa! Người ta chỉ chăm chú vào vài tình tiết ái tình với các người đẹp của nam tài tử này mà quên đi cả cuộc sống cố gắng quẫy đạp của người nghệ sĩ đã đi qua những năm tháng khó khăn trong cuộc đời.
Cuộc sống của Lê Vân và Thương Tín sau khi phát hành cuốn hồi ký hơi khác nhau. Lê Vân gần như không xuất hiện trở lại trên truyền thông, nghe nói chị đã đi nước ngoài định cư. Còn Thương Tín thì vẫn chạy chiếc xe gắn máy cà tàng, chăm chỉ rong ruổi đóng phim, không nề hà vai lớn nhỏ. Anh vẫn muốn có cơ hội sẽ viết tiếp cuốn sách về sự nghiệp đóng phim lẫy lừng một thời của mình.
Ngã ba và ngã bảy của sự thật
Những ngày gần đây, cuốn tự truyện của ca sĩ Ái Vân “Để gió cuốn đi” cũng đang được truyền thông để ý. Cuốn sách gây tò mò bởi đã để trống nhiều trang sách trên nền mặt biển sóng gió bão bùng. Ái Vân cho biết chị quyết định xóa đi hơn 8.000 từ nói về toàn bộ sự thật cuộc hôn nhân thứ hai của chị mà chị gọi là những tháng ngày đen tối, khổ đau và nhục nhã nhất. Đây cũng chính là chìa khóa để giải mã cho cuộc chạy trốn của Ái Vân khi chị được nhà nước cử đi biểu diễn tại Đông Đức rồi ở lại không về Việt Nam.
Giải thích về chuyện xóa bỏ đi nguyên một chương “cơ bản hấp dẫn” trong cuốn tự truyện này, ca sĩ Ái Vân cho biết chị đã cảm thấy “rất đau” khi nhắc tới sự thật này. Con trai của chị chắc chắn cũng chưa thể chấp nhận nỗi sự thật ấy. Do vậy, Ái Vân sau nhiều đêm suy nghĩ đã quyết định không công bố các câu chuyện này trong cuốn tự truyện “trả nợ cuộc đời” của mình. Ngoài lý do vì con, Ái Vân còn ái ngại cho người có liên quan. Trong “Để gió cuốn đi” vì tác giả không thể đi đến tận cùng sự thật nên độc giả vẫn đoán già đoán non về sự ra đi của Ái Vân. Trên trang cá nhân của nhiều người dùng facebook, người ta đã bàn tới việc nếu không thể viết ra được sự thật “mấu chốt” ấy thì Ái Vân có nên công bố hồi ký hay không. Sự úp úp mở mở trong các trang sách để trắng có chăng chỉ là chiêu thu hút bạn đọc của nhà kinh doanh sách mà thôi.
Sự thật có nhiều ngã. Ngã ba hay ngã bảy đều do quan niệm và cách đánh giá. Bản thân sự thật không thể mặc thêm những chiếc áo khoác cho thêm vẻ kín đáo hay tân kỳ được.
Thực sự, đưa ra công luận hồi ký là điều vô cùng khó khăn đối với những người nổi tiếng, nhất là ở Việt Nam. Nếu cứ nói ra sự thật thì chắc chắn sẽ bị công luận “ném đá” đến mức đau đớn. Nhiều người sau khi nhìn thấy Lê Vân và Thương Tín bị “tơi tả” thì chùn bước trong việc công bố các sự thật trong hồi ký. Hoặc họ buộc phải viết theo kiểu đèm đẹp, giấu biến đi hết các tên tuổi liên quan để khỏi phiền lòng đến ai. Muốn yên thân khi công bố hồi ký, có lẽ người viết chỉ nên kể những chuyện đẹp đẽ nhất của bản thân, như thế là ổn! Vậy thì độc giả nên hiểu hồi ký kiểu ấy còn một nửa sự thật khác đang được giấu kín.
Bình luận (0)